Khắc phục lỗi muộn giờ của xe buýt
Tuyến xe buýt nhanh An Sương - Bến Thành sẽ được xem xét triển khai vào năm 2015 - Ảnh Duy Nguyên |
Đơn vị nghiên cứu đưa ra 8 tuyến BRT có khả năng triển khai tại TP.HCM, với tổng chiều dài khoảng 127,1km. Trong đó, khả thi nhất là tuyến BRT số 7, lộ trình Bến xe An Sương – Bến Thành, chiều dài 16,3km, sẽ được chọn làm thí điểm triển khai vào năm 2015.
Giai đoạn đầu sẽ đưa vào sử dụng 13-14 xe loại thường, chạy bằng khí CNG bảo vệ môi trường. Giai đoạn sau sẽ sử dụng xe sàn thấp, cũng chạy bằng nhiên liệu sạch CNG. Thời gian vận hành tuyến BRT số 7 là từ 5-22 giờ mỗi ngày, với vận tốc dự kiến là 35,5km/giờ, khoảng cách giữa mỗi chuyến từ 7-15 phút.
Giá vé dự kiến là 5.000 đồng/lượt. Chi phí đầu tư cho BRT cao hơn xe buýt thông thường nên với giá vé này, cần có sự trợ giá của cơ quan Nhà nước.
Về hạ tầng của tuyến BRT số 7, xe sẽ dùng chung làn đường với xe máy. Bên cạnh dùng chung trạm với xe buýt thường, sẽ phải xây dựng thêm một số trạm dành riêng cho BRT. BRT sử dụng hệ thống bán vé tự động và có hệ thống quản lý xe hiện đại.
Vốn đầu tư cho tuyến BRT số 7 là 1,34 tỷ đồng/km và 8,41 tỷ đồng/bến. Tổng cộng toàn tuyến BRT số 7 vào khoảng 869 tỷ đồng. Song song với hệ thống BRT, ông Park cho rằng, cần phải thiết kế các bãi giữ xe chi phí thấp gần bến BRT để người dân sử dụng BRT được tiện lợi.
Ngoài tuyến BRT số 7, các tuyến BRT còn lại đề có khả năng triển khai được tại TP.HCM, bởi so với tàu điện ngầm, BRT ít chi phí xây dựng hơn, thời gian thi công rút ngắn dưới 1 năm. BRT cũng không cần phải mở rộng đường, mà dựa trên chiều rộng hiện hữu của đường hiện tại. Vào năm 2020, dự kiến có khoảng 10 triệu lượt người tham gia giao thông bằng BRT.
Theo ông Dương Hồng Thanh, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, năm 2018, TP.HCM sẽ có tuyến metro đầu tiên đi vào hoạt động, sau đó là tuyến metro số 2. Tuy nhiên, TP.HCM vẫn tính đến việc triển khai các tuyến BRT, bởi việc xây dựng các tuyến metro còn lại đang gặp nhiều khó khăn.
"Ngoài ra, các tuyến BRT sẽ giải quyết vấn đề giờ giấc chậm trễ thường hay bị phàn nàn của xe buýt hiện nay, giúp người dân đi lại đúng giờ, thoải mái và an toàn”, ông Thanh nói.
Hiện tại, có khoảng trên 90% người dân sử dụng xe máy là phương tiện lưu thông chính nên việc xây dựng các tuyến BRT chắc chắn sẽ có nhiều phản biện. Việc xây dựng các tuyến BRT theo hạ tầng giao thông của thành phố sẽ phải tiến hành từng bước, thận trọng. Như tuyến BRT số 7, nhờ đường rộng nên triển khai BRT sẽ có nhiều thuận lợi. Nhưng còn các tuyến BRT còn lại thì việc triển khai còn nhiều khó khăn. Vấn đề này sẽ nằm trong nghiên cứu của giai đoạn kế tiếp.
Ông Thanh cho biết thêm, vừa qua, thành phố đã cho nghiên cứu để triển khai xây dựng tuyến BRT đầu tiên trên đại lộ Võ Văn Kiệt với chiều dài khoảng 25km, xây bằng vốn vay của Ngân hàng Thế giới.
“Các bước công việc đang được triển khai. Hy vọng đến cuối năm 2013, đầu 2014, có thể bắt tay xây dựng tuyến BRT đầu tiên này”, ông Thanh cho biết thêm.