Kẻ phát tán clip Văn Mai Hương có thể bị phạt 300 triệu, tù 1-5 năm
Sự việc nữ ca sỹ Văn Mai Hương bị lộ clip từ camera an ninh tại nhà riêng đang tạo một làn sóng phản đối gay gắt đối với đối tượng có hành vi tung hình ảnh riêng tư, nhạy cảm của người khác lên mạng xã hội.
Ca sĩ Văn Mai Hương. |
Theo các chuyên gia công nghệ thông tin, mọi hình thức camera an ninh đều có thể bị lộ hình ảnh nếu chủ nhà không chủ động cài đặt lại mật khẩu. Nhiều khả năng camera của gia đình Văn Mai Hương chưa được cài đặt lại mật khẩu sau khi lắp đặt, sửa chữa, kẻ xấu có thể lợi dụng việc này để theo dõi.
Trao đổi với PV Infonet, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, quyền nhân thân, quyền tự do hình ảnh, quyền riêng tư cá nhân là một trong những quyền cơ bản của công dân được hiến pháp và các văn bản pháp luật ghi nhận bảo đảm và bảo vệ.
Mọi hành vi xâm hại trái pháp luật đến quyền tự do nhân thân, tự do hình ảnh, vi phạm quyền cá nhân công dân sẽ bị xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.
Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp. |
Điều 17 Luật An ninh mạng quy định hành vi gián điệp mạng; xâm phạm bí mật nhà nước, bí mật công tác, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư trên không gian mạng, trong đó bao gồm:
Chiếm đoạt, mua bán, thu giữ, cố ý làm lộ thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật công tác, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư gây ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; Đưa lên không gian mạng những thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật công tác, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư trái quy định của pháp luật;…
“Hành vi truy cập trái phép vào hệ thống thông tin, thư tín, điện tín của người khác, hành vi đưa lên không gian mạng những thông tin thuộc bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư cá nhân là trái quy định pháp luật vi phạm điều cấm quy định tại điều 8, điều 17 và điều 18 của Luật An ninh mạng”, luật sư Đặng Văn Cường phân tích.
Như vậy, tùy vào tính chất, mức độ của hành vi, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà hành vi này sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật.
“Với những vụ việc truy cập trái phép vào hệ thống dữ liệu thông tin cá nhân, đánh cắp dữ liệu rồi phát tán lên mạng xã hội những hình ảnh sinh hoạt riêng tư của nữ ca sỹ Văn Mai Hương, đây là hành vi nghiêm trọng, hành vi này có dấu hiệu tội phạm bởi vậy nạn nhân hoàn toàn có quyền có đơn trình báo đến cơ quan công an để được xem xét giải quyết, xử lý đối tượng phát tán thông tin hình ảnh này theo quy định của pháp luật về các tội danh như: Tội làm nhục người khác theo Điều 155 Bộ luật Hình sự (BLHS), Tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy theo Điều 326 BLHS hoặc Tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác theo Điều 289 BLHS và Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo Điều 288 BLHS”.
Tùy thuộc vào hành vi cụ thể, hậu quả cụ thể, mục đích cụ thể của đối tượng mà đối tượng này có thể bị xử lý về một hoặc nhiều tội danh điều trên nếu hành vi thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm.
Nếu nữ ca sỹ này xác định có người vì thù ghét, mâu thuẫn mà đã đánh cắp, chiếm đoạt thông tin cá nhân những hình ảnh khỏa thân, những clip nhạy cảm rồi đưa lên mạng internet để làm nhục, xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của nữ ca sỹ này thì người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác theo quy định tại điểm e, khoản 2, điều 155 Bộ luật hình sự năm 2015 với mức hình phạt từ 03 tháng đến 02 năm tù.
Nếu hành vi làm nhục người khác dẫn đến hậu quả nạn nhân tự sát hoặc rối loạn tâm thần đến 61% thì người vi phạm có thể bị xử lý hình sự đến 05 năm tù về tội danh này.
Cũng theo Luật sư Cường, riêng hành vi chiếm quyền quản trị của người khác xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc xâm nhập trái phép vào phương tiện điện tử của người khác để chiếm quyền điều khiển, đánh cắp dữ liệu, người phạm tội sẽ bị xử lý hình sự về Tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác theo quy định tại Điều 289 Bộ luật hình sự năm 2015 với mức hình phạt là phạt tiền có thể đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
Việc truy cập trái phép vào máy tính, phương tiện điện tử của người khác để đánh cắp dữ liệu dù chưa phát tán lên mạng xã hội nhưng gây hậu quả nghiêm trọng thì hình phạt có thể đến 12 năm tù theo quy định tại khoản 3 điều 289 BLHS năm 2015.
“Việc này cũng cho thấy việc bảo vệ hình ảnh, thông tin bí mật đời tư của cá nhân là nội dung rất quan trọng trong thời đại công nghệ số hiện nay. Những hình ảnh, clip nhảy cảm lưu giữ trên điện thoại, máy tính mà khi mất thì rất dễ bị phát tán. Ngoài ra, khi lắp đặt camera giám sát thì nên tránh những khu vực nhạy cảm và phải thay đổi mật khẩu để tránh trường hợp những kĩ thuật viên lắp đặt camera sẽ truy cập trái phép vào hệ thống dữ liệu của khách hàng”, luật sư Đặng Văn Cường đưa ra khuyến cáo.
Bởi vậy, để tránh những sự việc xấu có thể xảy ra thì mỗi người đều phải thận trọng và có ý thức trong việc bảo vệ quyền tự do hình ảnh, quyền nhân thân và bí mật đời tư của mình để tránh những vụ việc tai hại như thế này.