Kazakhstan đòi Nga trao trả ‘thành phố vũ trụ’ Baikonur
RIA Novosti dẫn lời người đứng đầu cơ quan không gian Kazkosmos của Kazakhstan vừa cho biết: “Hôm nay, chính phủ hai nước đã quyết định thành lập ủy ban liên chính phủ phức hợp Baikonur, do phó thủ tướng hoặc các bộ trưởng khác dẫn đầu". Theo đó, Kazakhstan đã yêu cầu tái lập ủy ban phức hợp về Baikonur, nhằm giành quyền kiểm soát sân bay vũ trụ chính và quan trọng nhất của Liên Xô cũ và Nga (sau này).
Tàu vũ trụ chuẩn bị được đưa lên bệ phóng tại sân bay vũ trụ Baikonour. |
Trên thực tế, Nga và Kazakhstan đã ký thỏa thuận cho thuê khu vực Baikonur kể từ sau khi Kazakhstan tách khỏi Liên bang Xô viết. Sau đó, thỏa thuận mới được ký tại Astana ngày 9/1/2004 cho phép Nga sử dụng khu vực Baikonur để làm trung tâm vũ trụ tới năm 2050. Phía Nga sẽ phải trả khoản tiền tương đương 115 triệu USD/năm để thuê khu vực này.
Trên thực tế, Kazakhstan buộc phải phê chuẩn thỏa thuận cho thuê khu vực Baikonur bởi áp lực từ phía Nga, đe dọa đình chỉ các chương trình không gian và hàng không với Kazakhstan nếu như nước này không chấp nhận để Nga tiếp tục sử dụng Baikonur. Tuy nhiên, đầu năm nay, phía Kazakhstan đã chặn nhiều vụ phóng tên lửa của Nga tại Baikonur bởi lo ngại mảnh rác tên lửa gây ảnh hưởng tới những khu vực dân cư.
Phía Kazakhstan khăng khăng cho rằng, cần tăng phí cho thuê Baikonur vì những nguy hiểm mà quá trình phóng gây ra, bổ xung vào những điều khoản mà nước này cho là chưa hợp lý trong các điều khoản cho thuê. Vào tháng 6, thủ tướng Kazakhstan Karim Massimov và người đồng cấp Nga Dmitry Medvedev đã thông qua hội đàm để đạt được thỏa thuận tăng cường về Baikonur.
Hiện tại, Baikonur đang là sân bay vũ trụ tấp nập nhất thế giới, với hàng loạt vụ phóng vệ tinh, tàu vũ trụ có và không có người lái. Với 15 bệ phóng, Baikonur được thiết kế để triển khai hầu hết các loại tàu vũ trụ của Nga bao gồm Soyuz, Proton, Tsyklon, Dnepr và Zenit. Tuy nhiên, sân bay vũ trụ này đang ngày càng trở nên quá tải, khiến Nga và Kazakhstan thực thi kế hoạch xây dựng sân bay mới tên gọi Baiterek, nhằm phóng tên lửa Angara, có khả năng mang khối lượng thiết bị lên tới 26 tấn vào quỹ đạo thấp của trái đất.
Theo thỏa thuận năm 2004, mỗi nước sẽ chi 223 triệu USD cho việc xây dựng bệ phóng mới và cùng chia sẻ lợi nhuận do nó mang lại. Tuy nhiên, Nga đang dự định rút tiền đầu tư vào trung tâm vũ trụ khỏi Baikonur và xây dựng sân bay vũ trụ mới ở Plesetsk, khu vực Arkhangelsk đồng thời hoàn thành nốt trung tâm vũ trụ Vostochny ở vùng Viễn Đông. Rất có thể, Nga sẽ rút hoàn toàn khỏi Trung tâm vũ trụ Baikonur nhưng khối lượng công việc khổng lồ khó lòng thực hiện trong thời gian ngắn.
Hồng Duy