IMF chỉ rõ thiệt hại của kinh tế thế giới vì cuộc chiến thương mại của Mỹ
IMF chỉ rõ thiệt hại của kinh tế thế giới vì cuộc chiến thương mại của Mỹ |
Thông tin trên được tờ ABC của Tây Ban Nha, dẫn nguồn từ cuộc họp thường niên của Quỹ tiền tệ quốc tế IMF, đưa ra.
Theo IMF, trong trường hợp xấu nhất, thị trường toàn cầu sẽ giảm 17% và GDP toàn cầu sẽ giảm 1,9%. Như vậy, nền kinh tế toàn cầu đang chờ đợi nhiều cú sốc lớn hơn những cú sốc xảy ra trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009.
Ngoài ra, các chuyên gia của IMF cho rằng nền kinh tế toàn cầu chưa hoàn toàn cảm nhận được hiệu quả của chủ nghĩa bảo hộ của chính quyền Donald Trump. Đó là vào năm 2019, thương mại quốc tế sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn nhất.
Theo ABC, hiện tại, mức tăng trưởng dự kiến trong thương mại thế giới là 3,9%, thấp hơn 0,5% so với năm ngoái. Tuy nhiên, các chuyên gia của IMF tin rằng con số này sẽ giảm thêm 0,2%,
Theo IMF, nếu Hoa Kỳ và Trung Quốc không kết thúc chiến tranh thương mại, nền kinh tế toàn cầu sẽ mất khoảng 1,52 nghìn tỷ USD. Đồng thời, việc Anh rút khỏi Liên minh châu Âu (EU) cũng có tác động tiêu cực đến nền kinh tế thế giới.
Trong tương lai gần, thiệt hại lớn nhất từ cuộc chiến thương mại sẽ là Trung Quốc, nhưng về lâu dài, Hoa Kỳ sẽ là nước chịu thiệt hại nhiều nhất, tờ báo nhấn mạnh.
Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde |
Trước đó, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde cũng lên tiếng cảnh báo, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể gây tổn hại các khía cạnh khác của nền kinh tế toàn cầu.
Phát biểu họp báo tại Bali (Indonesia), nơi diễn ra cuộc họp thường niên IMF và Ngân hàng Thế giới (WB), bà Lagarde nêu rõ, căng thẳng thương mại leo thang "sẽ tác động tiêu cực tới nền kinh tế toàn cầu... cũng như tới những nhân tố được xem là 'ngoài cuộc vô tội', vốn không phải mục tiêu của bất kỳ cuộc thảo luận đặc biệt nào, song vô tình nằm trong chuỗi cung ứng, vô tình là một phần trong chuỗi nguyên liệu thô".
Tổng Giám đốc IMF nhấn mạnh: "Khuyến nghị mạnh mẽ của chúng tôi là giảm leo thang căng thẳng và nỗ lực hướng tới một hệ thống thương mại toàn cầu mạnh hơn, công bằng, và phù hợp tăng trưởng".
Theo bà Lagarde, một thập kỷ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, nền kinh tế đang ở vị trí tốt hơn nhờ có sự cải thiện chính sách. Tuy nhiên, bà cảnh báo: "Chúng ta chưa đủ an toàn. Với nợ toàn cầu, công và tư, cao nhất mọi thời đại, bất kỳ thay đổi nhỏ nào cũng có thể khiến dòng vốn chảy ra nước ngoài, và gây bất ổn kinh tế tại các thị trường mới nổi".