Hút thuốc lá 25 năm, mắc 2 bệnh ung thư giai đoạn muộn
Ảnh minh họa. |
Hút thuốc lá 25 năm
Bệnh nhân là ông P.V.T. 75 tuổi, Hà Nội. Ông T, vào viện vì ho nhiều, đau tức ngực, khó thở. Trước khi vào viện 1 tháng bệnh nhân xuất hiện khó thở tăng dần, đau tức ngực, ho khan, kèm theo tiểu rắt, thỉnh thoảng bí tiểu. Nhập viện khoa cấp cứu chẩn đoán: Tràn dịch màng phổi, tràn dịch màng tim. Được dẫn lưu dịch màng phổi. Sau thủ thuật chuyển Trung tâm y học hạt nhân và ung bướu điều trị tiếp.
Khi vào viện, bác sĩ khám cho bệnh nhân T, bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt, thể trạng gầy, cao: 156cm, nặng: 43kg, PS: 1, Mạch: 80l/phút, Huyết áp: 110/70mmHg. Hạch thượng đòn bên phải kích thước 2x1cm, chắc, di động kém.
Các xét nghiệm cận lâm sàng kết quả như sau: Xét nghiệm: Công thức máu, chức năng gan thận, điện giải đồ bình thường, HIV (-), HBsAg (-). Xét nghiệm chất chỉ điểm u: CEA: 330ng/ml; PSA toàn phần: 74,35ng/ml, PSA tự do: 20,1ng/ml. Chụp CT ngực: Hình ảnh khối u thùy giữa phổi phải gây xẹp phổi kích thước 60x40mm (mũi tên màu đỏ), tràn dịch màng phổi phải (mũi tên màu vàng).
Chụp PET/CT: Hình ảnh u phổi phải tăng hấp thu FDG, hạch trung thất, hạch thượng đòn, tổn thương xương đa ổ tăng hấp thu FDG, tràn dịch màng phổi phải.
Bệnh nhân được tiến hành chọc hút dịch màng phổi làm xét nghiệm cellblock, xét nghiệm EGFR mẫu mô. Kết quả: Phát hiện đột biến gen trên exon 19, không phát hiện đột biến T790M trên exon 20.
Bệnh nhân được sinh thiết tuyến tiền liệt, kết quả là ung thư biểu mô tuyến tiền liệt tuyến, Gleason 9.
Ông T. được chẩn đoán ung thư phổi phải di căn màng phổi, não, xương giai đoạn T3N3M1b. Giải phẫu bệnh: là ung thư biểu mô tuyến, EGFR (+). Ung thư tiền liệt tuyến T2aN0Mx. Giải phẫu bệnh: là ung thư biểu mô tuyến tiền liệt tuyến, Gleason 9.
Ông T. cho biết mình hút thuốc lá 25 năm và mới bỏ thuốc được khoảng 3 năm nay. Đây là nguyên nhân khiến ông bị ung thư phổi.
Chiến lược điều trị
Theo GS Mai Trọng Khoa- nguyên Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu Bệnh viện Bạch Mai đây là điều không thường gặp trên lâm sàng. Bệnh nhân ung thư phổi có di căn não, thường có tiên lượng xấu, lại kèm theo ung thư tuyến tiền liệt thì tiên lượng lại càng kém hơn. Việc điều trị trở nên rất khó khăn vì khi tuổi cao thì chức năng các cơ quan, đặc biệt chức năng gan, thận và tủy xương thường không thuận lợi khi sử dụng các thuốc điều trị ung thư. Dễ có nhiều biến chứng, nhiều tác dụng phụ và khó có thể đi hết liệu trình điều trị.
Vì vậy, bác sĩ Khoa cho biết chiến lược điều trị những bệnh nhân loại này và khi mắc 2 loại ung thư ác tính thì vừa phải đảm bảo hiệu quả điều trị, nhưng không được làm tăng thêm tác dụng phụ để đảm bảo chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.
Do vậy đối với bệnh nhân này, bác sĩ đã sử dụng: Gefitinib (Iressa) là 1 trong các thuốc điều trị đích (nhóm phân tử nhỏ) có hiệu quả trong điều trị bước 1 ở những bệnh nhân ung thư phổi loại biểu mô tuyến có đột biến gen EGFR. Đồng thời bệnh nhân được phối hợp với xạ trị gia tốc toàn não nên đã giải quyết nhanh các tổn thương di căn não, một biến chứng di căn có thể gây ra tử vong rất nhanh, nếu không kiểm soát được các tổn thương di căn não này sớm. Hơn nữa Gefitinib có dung nạp tốt, tác dụng phụ thường nhẹ và trung bình giúp đảm bảo chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân, nhất là những bệnh nhân cao tuổi, mắc bệnh phối hợp.
Đối với bệnh ung thư tiền liệt tuyến bác sĩ đã sử dụng thuốc Degarelix là thuốc đối vận LHRH. Degarelix liên kết với các thụ thể GnRH trong tuyến yên. Điều này làm giảm sự giải phóng LH và FSH, do đó làm giảm sự tiết testosterone của tinh hoàn dẫn đến làm giảm kích thước khối u.
Kết quả điều trị cho thấy việc phối hợp các thuốc này đã đáp ứng được hiệu quả điều trị và đặc biệt vẫn đảm bảo được chất lượng cuốc sống cho bệnh nhân.
GS Mai Trọng Khoa cho biết theo Globocan năm 2018, ung thư phổi là loại ung thư phổ biến nhất (11,6%) và có tỷ lệ tử vong cao nhất (18,4%) trong các loại ung thư. Tại Việt Nam, ung thư phổi đứng thứ 2 sau ung thư gan cả về tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong (với tỷ lệ mắc 14,4% và tỷ lệ tử vong là 18% năm 2018). Phần lớn các bệnh nhân được chẩn đoán ung thư phổi đã ở giai đoạn tiến triển và di căn tại thời điểm chẩn đoán.
Bệnh nhân có di căn não xuất phát từ ung thư phổi chiếm 50%. 10-20% bệnh nhân ung thư phổi có di căn não lúc chẩn đoán. Khoảng 40-50% di căn não xuất hiện trong quá trình điều trị. Trong đó, tỷ lệ di căn hệ vào hệ thống thần kinh trung ương ở bệnh nhân có đột biến EGFR cao hơn bệnh nhân không có đột biến gen.