‘Hướng’ nào cho vụ hành chính của ông Vươn khi xét xử lại?
Như Infonet đã thông tin, ngày 15/02/2012 Tòa Hành chính TAND Tối cao đã xét xử tái thẩm vụ án khiếu kiện quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai của ông Đoàn Văn Vươn và đã hủy Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm số 02/2010/HCPT-QĐ ngày 22/4/2010 của TAND TP.Hải Phòng và Bản án hành chính sơ thẩm số 01/2010/HCST ngày 27/01/2010 của TAND huyện Tiên Lãng; giao hồ sơ cho TAND huyện Tiên Lãng giải quyết lại vụ án theo đúng quy định của pháp luật.
Theo Hội đồng tái thẩm, để đánh giá và kết luận đúng về tính hợp pháp của quyết định hành chính bị khiếu kiện, Tòa án cấp sơ thẩm phải làm rõ việc UBND huyện Tiên Lãng ban hành Quyết định số 461/QĐ-UBND ngày 07/4/2009 thu hồi 19,3 ha đất của hộ gia đình ông Đoàn Văn Vươn có đúng hay không. Đồng thời, phải xem xét việc giao đất cho hộ ông Vươn theo Quyết định 220/QĐ-UB ngày 07/4/1997 của UBND huyện Tiên Lãng có đúng theo quy định của pháp luật về quản lý đất đai hay không. Tuy nhiên, khi giải quyết vụ án, TAND huyện Tiên Lãng chưa xem xét đầy đủ các quy định của pháp luật, chưa tham khảo ý kiến của các cơ quan chuyên môn về lĩnh vực quản lý đất đai để đánh giá và kết luận về tính hợp pháp của Quyết định số 461/QĐ-UBND ngày 09/4/2009 (quyết định giải quyết khiếu nại của UBND huyện Tiên Lãng) mà đã bác đơn khởi kiện của ông Vươn là không đúng. Ngoài ra, việc TAND huyện Tiên Lãng chưa xem xét đến việc bồi thường thiệt hại khi nhà nước thu hồi đất kể cả trong trường hợp thu hồi đất đúng pháp luật là chưa đánh giá toàn diện vụ án.
Cũng theo Hội đồng tái thẩm Tòa Hành chính TAND Tối cao, việc TAND TP.Hải Phòng lấy kết quả thỏa thuận giữa ông Luân với UBND huyện Tiên Lãng để làm căn cứ cho việc giải quyết vụ án giữa ông Vươn và UBND huyện Tiên Lãng là sai lầm nghiêm trọng (trước vụ án hành chính của ông Vươn, TAND TP.Hải Phòng đã tạo điều kiện để ông Vũ Văn Luân và UBND huyện Tiên Lãng thỏa thuận với nhau về việc giải quyết một vụ án tương tự). Mặt khác, trong “Đơn xin rút kháng cáo để UBND huyện tiếp tục giao đất”, ông Đoàn Văn Vươn cũng nêu rõ: “Nếu UBND huyện Tiên Lãng không cho tôi thuê lại đất thì đơn này của tôi không có giá trị chứng minh rằng tôi có đơn xin rút lại đơn kháng cáo”; TAND TP.Hải Phòng chưa triệu tập các đương sự để biết ý kiến của UBND huyện Tiên Lãng về điều kiện ông Vươn nêu trong đơn rút kháng cáo là không đúng với quy định của pháp luật tố tụng. Do vậy, việc TAND TP.Hải Phòng ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án khiếu kiện quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai của ông Đoàn Văn Vươn và tuyên “Bản án hành chính sơ thẩm số 01/2010/HCST ngày 27/01/2010 của TAND huyện Tiên Lãng có hiệu lực pháp luật kể từ ngày ra quyết định này” là không đúng, vi phạm nghiêm trọng tố tụng, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của ông Đoàn Văn Vươn.
Đầm nuôi trồng thủy sản của gia đình ông Vươn |
Sau khi có quyết định tái thẩm của Tòa hành chính TAND Tối cao, ngày 22/02/2012 TAND huyện Tiên Lãng đã thụ lý vụ án “khiếu kiện quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai” của ông Đoàn Văn Vươn để xét xử lại.
Theo quy định của Luật Tố tụng hành chính, thời gian giải quyết một vụ án hành chính theo thủ tục sơ thẩm tối đa là 7 tháng. Tuy nhiên, đã hơn 9 tháng trôi qua, vụ án vẫn chưa thể đưa ra xét xử.
Trao đổi với PV Infonet về việc giải quyết vụ án hành chính, ông Vũ Văn Luân, người được ông Đoàn Văn Vươn ủy quyền tham gia giải quyết vụ án hành chính cho biết: "Đến nay, TAND huyện Tiên Lãng vẫn chưa tổ chức chức đối thoại (giữa đại diện người khởi kiện và đại diện người bị kiện) theo đơn đề nghị tổ chức đối thoại của tôi đầu tháng 10 vừa qua".
Như vậy, trong việc xét xử lại vụ án “khiếu kiện quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai” của ông Đoàn Văn Vươn, TAND huyện Tiên Lãng lại tiếp tục vi phạm tố tụng? Quá trình giải quyết vụ án có khắc phục được những 'sai sót' mà Tòa hành chính TAND Tối cao đã chỉ ra?
Điều 117 Luật tố tụng hành chính, về thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án hành chính, quy định:
1. Thời hạn chuẩn bị xét xử được quy định như sau:
a) 04 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án đối với trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 104 của Luật này (khởi kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc).
b) 02 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 104 của Luật này (khởi kiện quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh).
c) Đối với vụ án phức tạp hoặc có trở ngại khách quan thì Chánh án Toà án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử một lần, nhưng không quá 02 tháng đối với trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này và không quá 01 tháng đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.
2. Trong thời hạn chuẩn bị xét xử quy định tại khoản 1 Điều này, Thẩm phán được phân công làm Chủ toạ phiên toà phải ra một trong các quyết định sau đây:
a) Đưa vụ án ra xét xử;
b) Tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án;
c) Đình chỉ việc giải quyết vụ án.
3. Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Toà án phải mở phiên toà; trường hợp có lý do chính đáng, thì thời hạn mở phiên toà có thể kéo dài, nhưng không quá 30 ngày.