Huế: Rà soát, giải quyết dứt điểm việc bồi thường sự cố môi trường biển
Thừa Thiên - Huế đang khẩn trương rà soát dứt điểm việc chi trả sự cố môi trường biển. |
Tỉnh Thừa Thiên – Huế vừa đề nghị các địa phương khẩn trương rà soát để giải quyết dứt điểm cho những trường hợp còn lại do sự cố môi trường biển, báo cáo Chính phủ trước ngày 25/12.
Liên quan đến việc hỗ trợ, chi trả tiền bồi thường sự cố môi trường biển, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên – Huế vừa có buổi làm việc với các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc, thị xã Hương Trà và các sở, ban ngành liên quan vào chiều ngày 12/12.
Tại buổi làm việc, các địa phương báo cáo cho biết, đến thời điểm hiện nay các địa phương trong vùng bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển giữa năm 2016 đã thực hiện chi trả tiền bồi thường cho gần hết các đối tượng được bồi thường đã phê duyệt (trong 8 đợt chi trả). Việc xử lý hàng hải sản tồn đọng và các đối tượng tồn đọng khác bằng nguồn hỗ trợ thêm gần 6 tỷ đồng theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng được các sở, ban ngành rà soát tham mưu UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế giải quyết đảm bảo đúng quy định.
Theo đó, tổng giá trị tiền hỗ trợ, bồi thường thiệt hại cho người dân bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế là hơn 1.000 tỷ đồng (trong đó, kinh phí bồi thường theo Quyết định 1880/QĐ-TTg là 741,030 tỷ đồng gồm 21.282 đối tượng, kinh phí bồi thường thiệt hại bổ sung theo Quyết định số 309/QĐ-TTg là 266,161 tỷ đồng cho 25.758 đối tượng). Việc chi trả kịp thời, đúng đối tượng đã góp phần sớm ổn định cuộc sống nhân dân, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự xã hội, người dân vùng biển có nguồn kinh phí để phục hồi và tái tạo nuôi trồng thủy sản, tổ chức đánh bắt hải sản xa bờ.
Tuy nhiên, vừa qua tại Thừa Thiên – Huế lại bị ảnh hưởng của cơn bão số 12 vào đầu tháng 11/2017 nên xảy ra ngập lụt lớn trên diện rộng làm cho nhiều diện tích nuôi trồng bị ngập, chết trôi, gây thiệt hại nặng cho việc khai thác và nuôi trồng thủy sản của địa phương.
Theo đó, sản lượng thủy sản nuôi trồng thu hoạch tháng 11/2017 ước đạt 690 tấn giảm 12,38% so với cùng kỳ (trong đó, sản lượng cá 520 tấn giảm 13,98%, tôm 122 tấn giảm 5,43%, thủy sản khác 48 tấn giảm 11,11%) nhưng sản lượng thủy sản nuôi trồng mười một tháng đầu năm 2017 ước đạt 13.286 tấn tăng 5,07% so cùng kỳ năm trước (trong đó, sản lượng cá các loại 8.532 tấn tăng 3,82%, tôm các loại 3.755 tấn tăng 9,09%, thủy sản khác 999 tấn tăng 1,47%).
Còn sản lượng hải sản khai thác trên biển trong tháng 11/2017 của tỉnh Thừa Thiên – Huế đạt 2.283 tấn tăng 0,97% so với cùng kỳ năm 2006 (trong đó, khai thác biển 1.912 tấn tăng 1,32%, khai thác nội địa 371 tấn giảm 0,8%) nên tổng sản lượng khai thác mười một tháng đầu năm 2017 ước đạt 34.033 tấn tăng 16,54% so cùng kỳ năm trước (trong đó, khai thác biển 30.257 tấn tăng 19,08%; khai thác nội địa 3.776 tấn giảm 0,47%).
Gặp nhiều khó khăn do thiên tai nhưng nhờ sự vào cuộc nhanh chóng, chi trả đúng quy định của chính quyền địa phương và tạo điều kiện như kinh phí, chính sách phát triển thủy sản… cho người dân nên sản lượng thủy sản nuôi trồng và khai thác mười một tháng đầu năm 2017 ước đạt 47.319 tấn tăng 13,08% so cùng kỳ năm 2016.
Kết luận tại buổi làm việc với các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc, thị xã Hương Trà và các sở, ban ngành liên quan, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế Nguyễn Văn Phương đề nghị các địa phương rà soát để giải quyết dứt điểm cho những trường hợp còn lại, nhất là đối với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế, cần trao đổi và giải thích cụ thể về những quy định trong công tác bồi thường cũng như những chính sách hỗ trợ của nhà nước để các doanh nghiệp hiểu và chia sẻ những khó khăn cùng địa phương.
Ngoài ra, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế yêu cầu các địa phương khẩn trương tổng hợp tất cả các đợt chi trả sự cố môi trường biển trước ngày 20/12 để Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp trình UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, báo cáo Chính phủ trước ngày 25/12/2017.