Huế: Nhiều dự án đường đê ngăn lũ dùng vốn vay ODA nứt gãy, chủ đầu tư nói gì?
Chưa xong đã xuống cấp
Sau khi Infonet đăng tải bài viết“Thừa Thiên - Huế: Đường đê 44 tỷ đồng từ vốn ODA, chưa thi công xong đã nứt gãy” phản ánh tình trạng đường hư hỏng, có dấu hiệu xuống cấp tại “Công trình nâng cấp hệ thống đê sông Đại Giang, tuyến đê Bờ Tả” (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế) do Ban QLDA Phát triển Nông thôn các tỉnh miền Trung làm chủ đầu tư.
Mới đây, PV Infonet tiếp tục nhận được phản ánh của người dân về tình trạng nứt gãy kéo dài mặt đường, taluy và có dấu hiệu sụt lún... tại 2 dự án dùng vốn vay ODA cũng do Ban QLDA Phát triển Nông thôn các tỉnh miền Trung làm chủ đầu tư là “Công trình nâng cấp hệ thống đê kết hợp giao thông nội đồng Đông Tây Hói Tôm” (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) và “Công trình nâng cấp đường giao thông kết hợp đê ngăn lũ Phổ Lại - Thanh Cần - Nam Dương - Cổ Tháp (huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế).
Có mặt tại “Công trình nâng cấp hệ thống đê kết hợp giao thông nội đồng Đông Tây Hói Tôm” (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) chúng tôi nhận thấy, dù chưa đưa vào sử dụng nhưng các cột an toàn 2 bên đường đê đã gãy nghiêng, khe tiếp nối ở taluy và mặt đường hở rộng… Đặc biệt, tình trạng nứt gãy “chi chít” kéo dài và cắt ngang trên mặt đường, hiện tượng bong tróc mặt đường đang xuất hiện ngày một nhiều.
Một người dân trú tại xã Phong Chương (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế) cho biết, đường đê nội đồng này chủ yếu là xe máy chạy. Tuy nhiên, ngay từ khi sử dụng đã có dấu hiệu sụt lún 2 bên taluy trầm trọng suốt một đoạn dài và nứt ngang hàng loạt, khả năng chống chịu được lũ ở khu vực này khoảng... vài năm là cùng.
Các cột an toàn trên đường đê đã đổ nghiêng. |
Khe nối giữ taluy và mặt đường hở rất rộng kéo dài. |
Vết nứt gãy ngang trên mặt đường đê Đông Tây Hói Tôm. |
Nứt và hở xảy ra rất nhiều trên tuyến đường đê. |
Những vết nứt vẫn đang rộng ra nhưng vẫn chưa được khắc phục. |
Các vết nứt gần các khe co giãn. |
Bong tróc bê tông và nứt dù công trình chưa bàn giao. |
Vết nứt rộng có thể lọt cả ngón tay út. |
Một lớp xi măng mỏng quét trên mặt đường một số đoạn cũng đã... biến mất. |
Được biết, Công trình nâng cấp hệ thống đê kết hợp giao thông nội đồng Đông Tây Hói Tôm (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) có chiều dài 7 km với tổng mức đầu tư 48 tỷ đồng do Công ty Cổ phần Xây dựng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa thi công, triển khai từ năm 2017 và dự kiến đưa vào sử dụng tháng 10/2019.
Tương tự, tại Công trình nâng cấp đường giao thông kết hợp đê ngăn lũ Phổ Lại - Thanh Cần - Nam Dương - Cổ Tháp (huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế) có chiều dài 11,54km do Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Hải Thành (thuộc Liên danh Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Hải Thành, Công ty TNHH Hoàng Ngọc và Công ty TNHH Hùng Hậu) thi công với tổng vốn trên 40 tỷ đồng.
Tuy nhiên, hiện nay tại đây đã xuất hiện các vết nứt ngang mặt đường, taluy 2 bên và các cột an toàn 2 bên được thi công sơ sài nên có nguy cơ sụt đổ cao… Bác Lê Hoàng H. (trú xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền) cho hay: “Chúng tôi nghi ngờ công trình bị rút ruột bởi chưa làm xong nhưng lớp cát cộng với xi măng mặt đường đã biến mất sau vài cơn mưa vừa qua. Sau mưa mặt đường nổi lên các viên đá lộm cộm trên mặt và khi di chuyển bằng xe máy cảm thấy rất... khó chịu”.
Vết nứt ta luy ở đường đê Phổ Lại - Thanh Cần - Nam Dương - Cổ Tháp. |
Những cột an toàn được dựng sơ sài và ngã đổ bất cứ lúc nào. |
Chỉ cần có va chạm nhẹ thì các cột an toàn sẽ ngã đổ. |
Các vết nứt được khắc phục bằng cách đổ nhựa dọc theo đường nứt. |
Bong tróc xảy ra trên đoạn đường dài ở đường đê Phổ Lại - Thanh Cần - Nam Dương - Cổ Tháp. |
Được biết, hai công trình này khi đưa vào sử dụng sẽ giúp phục vụ giao thông, phát triển kinh tế, ngăn lũ sớm, lũ tiểu mãn, góp phần cứu hộ cứu nạn khi thiên tai và đảm bảo giao thông nội đồng. Tuy nhiên, hiện nay đã có dấu hiệu xuống cấp.
Chủ đầu tư nói gì?
Trao đổi với PV Infonet, ông Trương Văn Giang – Giám đốc Ban QLDA Phát triển Nông thôn các tỉnh miền Trung thừa nhận, có tình trạng nứt gãy, bong tróc và lún không đồng đều tại 2 dự án kể trên.
Theo ông Trương Văn Giang, nguyên nhân xảy ra nứt gãy và lún là do nền yếu bởi các đường đê đều sử dụng nền cũ và chỉ bóc một lớp nhất định và tận dụng nền cũ của người dân đắp lên trước đây.
"Sau khi đi kiểm tra toàn bộ, đơn vị sẽ cho xử lý trước khi đưa vào bàn giao. Cụ thể, tình trạng hở ở các khe do lún không đồng đều thì cho chèn vữa xi măng hoặc nhựa, còn nứt gãy là phải cắt và đổ lại. Riêng phần bong tróc mặt đường sẽ phải cho đổ bê tông lại tấm đó" - ông Trương Văn Giang nói về hướng khắc phục.