Huế: Nhà dân vùng rốn lũ nứt toác vì công trình ODA thi công cách 20m
Niềm vui đến chưa kịp mừng
Sau khi biết thông tin và đơn vị thi công khẩn trương đến triển khai xây dựng Công trình nâng cấp hệ thống sông Đại Giang - Hạng mục nâng cấp, mở rộng Cống Quan (giáp ranh xã Lộc An, huyện Phú Lộc – xã Vinh Hà, huyện Phú Vang), một số hộ dân trú thôn 2 (xã Vinh Hà, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế) vui mừng khi sắp có đường đi lại khang trang hơn trước đây nên cố gắng chịu đựng “bụi bay ngày nắng, lội bùn ngày mưa” với mong muốn, hy vọng sớm có cây cầu mới qua sông an toàn, thuận lợi.
Tuy nhiên, niềm vui chưa kịp mừng thì đến tháng 9/2019 nhà cửa của 5 hộ dân nơi đây, gồm hộ ông Lê Mạnh, Lê Hùng, Nguyễn Mệnh, Lê Chạy và bà Dương Thị Thỏn bất ngờ xuất hiện các vết nứt kéo dài trên tường, trần, dầm bê tông, nền sân… Lúc này, đơn vị thi công đang xây dựng Hạng mục nâng cấp, mở rộng Cống Quan (Công trình nâng cấp hệ thống sông Đại Giang), cách nhà người dân khoảng 20 - 50m.
Việc thi công xây dựng cầu Cống Quan khiến nhà người dân bị nứt. |
Theo các hộ dân, nguyên nhân dẫn đến nhà cửa bị nứt toác, hư hỏng ảnh hưởng đến kết cấu ngôi nhà là do đơn vị thi công dùng máy đóng các trụ cầu làm rung chuyển nền đất. Đơn vị thi công cũng đã thừa nhận điều này.
Tuy nhiên, từ khi về xem hiện trạng xong, các đơn vị liên quan vẫn chưa đưa ra phương án giải quyết cho các gia đình bị thiệt hại như đền bù hay sửa chữa nhà cửa. Sự việc này khiến cho các hộ dân lo lắng.
“Khi họ đóng trụ ở giữa cầu là nhà bắt đầu rạn nứt, khi đóng các trụ gần sát nhà là bị toác ra và các mảng bê tông rơi xuống, gạch hoa bị bung ra”, ông Lê Mạnh (SN 1968, trú thôn 2, xã Vinh Hà, huyện Phú Vang) cho biết.
“Chúng tôi ở vùng rốn lũ nên phải tích góp nhiều năm trời mới xây được ngôi nhà, nhưng chừ (giờ) bị nứt toác nhiều vị trí và ảnh hưởng đến kết cấu chung của ngôi nhà. Trong khi đó, chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền địa phương và các đơn vị làm cầu từ lâu nhưng vẫn không được giải quyết”, bà Dương Thị Thỏn nói.
Nền nhà ông Lê Mạnh bị nứt toác. |
Ngôi nhà của ông Lê Mạnh chưa kịp sơn sau khi xây dựng đã bị nứt do thi công cầu Cống Quan. |
Gạch hoa trong phòng bị phồng lên và vỡ. |
Tường nhà bị nứt, người dân buộc phải dùng xi măng để.... vá. |
Các góc nhà cũng bị nứt. |
Chủ đầu tư nói gì?
Từ khi cơ quan chức năng nhận được phản ánh, kiểm tra thực trạng từ tháng 9/2019 đến nay, 5 hộ dân trú xã Vinh Hà (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế) vẫn chưa nhận được câu trả lời chính thức, thuyết phục của chủ đầu tư, đơn vị thi công.
Trao đổi với PV, ông Trương Văn Giang, Giám đốc Ban quản lý dự án phát triển nông thôn tổng hợp các tỉnh miền Trung – Khoản vay bổ sung tỉnh Thừa Thiên – Huế thừa nhận, việc thi công hạng mục nâng cấp, mở rộng Cống Quan (Công trình nâng cấp hệ thống sông Đại Giang) đã khiến cho 5 hộ dân sống gần công trình bị ảnh hưởng. Chủ đầu tư cùng với đơn vị thi công, tư vấn giám sát, thiết kế đã đến xem, kiểm tra thực tế nhưng vẫn chưa xác định được mức độ ảnh hưởng.
“Việc kéo dài xử lý là do chưa thống nhất được mức độ ảnh hưởng cũng như phương án khắc phục nên cần có thêm thời gian theo dõi tình hình rồi mới mời đơn vị giám định chất lượng xây dựng độc lập tiến hành khảo sát.
Nguyên nhân khiến nhà người dân bị rạn nứt là do hút nước phần bên trong hết để thi công. Khi nước rút ảnh hưởng đến nhà cửa chứ không phải đóng trụ cầu", ông Trương Văn Giang lý giải.
Tường nứt, các mảng vỡ lỗ chỗ rơi xuống làm người dân bất an. |
Trên cửa cũng xuất hiện các vết nứt dài. |
Không chỉ trong nhà mà sân cho các cháu chơi cũng bị ảnh hưởng. |
Theo ông Trương Văn Giang, hiện chủ đầu tư cùng các đơn vị liên quan đang khẩn trương bố trí nhân lực tiến hành khảo sát , cố gắng giải quyết trong thời gian sớm nhất cho các hộ bị ảnh hưởng.
Hạng mục nâng cấp, mở rộng Cống Quan (Công trình nâng cấp hệ thống sông Đại Giang) được đầu tư 34 tỷ đồng từ nguồn vốn vay ODA, do Ban quản lý dự án phát triển nông thôn Tổng hợp các tỉnh Miền Trung – Khoản vay bổ sung tỉnh Thừa Thiên – Huế làm chủ đầu tư. Công ty Xây dựng nông nghiệp và phát triển nông thôn Thanh Hóa thi công từ tháng 9/2018 và dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2020. |