HTX liên kết với doanh nghiệp xây dựng chuỗi liên kết giá trị, nâng cao sản xuất cho nông dân
Nhiều HTX ở Lâm Đồng nhờ xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng vật tư và tiêu thụ nông sản cho nông dân, xây dựng vùng nguyên liệu bền vững... góp phần nâng cao giá trị sản xuất, sản phẩm nông sản.
Để phát triển hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trên toàn tỉnh trong thời kỳ hội nhập sâu rộng với quốc tế, ngành nông nghiệp Lâm Đồng tiếp tục triển khai những nhóm giải pháp chiến lược liên kết giữa các nông hộ dưới tổ chức HTX, sau đó liên kết và kết nối với các doanh nghiệp, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh thị trường trong nước, quốc tế và tăng giá trị cho chuỗi sản phẩm.
Hiện nay, toàn tỉnh có 175 chuỗi liên kết, trong đó lĩnh vực trồng trọt có 149 chuỗi và có 14.330 hộ liên kết; chăn nuôi có 26 chuỗi và 2.432 hộ.... Giá trị sản xuất thông qua chuỗi theo giá hiện hành đạt 12.681.000 triệu đồng. Trong đó, có nhiều HTX nhờ xây dựng chuỗi liên kết sản xuất đã góp phần nâng cao giá trị sản xuất, sản phẩm, giúp các thành viên trong HTX ổn định sản xuất.
HTX Sunfood Đà Lạt là một trong những HTX như vậy. Thành lập năm 2017, HTX Sunfood Đà Lạt là đơn vị tiên phong công việc xây dựng chuỗi giá trị liên kết trong ngành nông nghiệp.
Vườn rau của HTX Sunfood Đà Lạt. |
Sau hơn 4 năm thành lập, HTX Sunfood Đà Lạt đã có bước đi đột phá về liên kết sản xuất các loại rau VietGAP Đà Lạt với quy trình khép kín từ đầu vào đến đầu ra. HTX liên kết với hơn 121 thành viên là các tổ chức, cá nhân sản xuất phát triển hệ thống trang trại, xây dựng mô hình chuỗi giá trị liên kết sản xuất rau củ theo tiêu chuẩn VietGAP với tổng diện tích canh tác hơn 100ha.
Hiện nay, Hợp tác xã Sunfood Đà Lạt hiện đã hội tụ đủ các nhóm rau thủy canh, rau củ baby, đặc sản Đà Lạt, trái cây và hoa Đà Lạt với hơn 100 sản phẩm khác nhau. HTX cung ứng sản phẩm cho 200 cửa hàng liên kết sản xuất, phân phối độc quyền thương hiệu rau củ quả Đà Lạt và đặc sản các vùng miền trên 35 tỉnh thành.
Để làm nên chất lượng nông sản đồng nhất, được khách hàng tin dùng, HTX đã kiểm soát đầu vào bằng cách cung ứng vật tư nông nghiệp là chế phẩm sinh học thân thiện môi trường, giống cây trồng, thực hành kỹ thuật chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP cho các thành viên sản xuất của hợp tác xã.
Ngoài ra, HTX cũng liên kết với 4 công ty để cung cấp phân bón hữu cơ trợ giá cho người dân nhằm giảm giá thành và bao tiêu sản phẩm nông sản. Đồng thời, HTX cũng phối hợp trồng trọt và thu mua trực tiếp nông sản từ bà con nông dân - những sản phẩm dựa trên nguyên tắc nuôi trồng tự nhiên, đảm bảo các tiêu chí trong sản xuất thực phẩm hữu cơ, không phân bón hoá học, không phun thuốc bảo vệ thực vật, không phun thuốc kích thích sinh trưởng, không sử dụng thuốc diệt cỏ, không sử dụng sản phẩm biến đổi gen.
Ngoài việc hỗ trợ, cung cấp nguồn giống cây trồng, phân bón, HTX Sunfood Đà Lạt còn đào tạo chuyên sâu cho người dân về cách trồng, chăm sóc và bảo quản rau củ quả. Các khâu chế biến, vận chuyển, phân phối nông sản đều tuân thủ chặt chẽ quy định về an toàn thực phẩm. Đặc biệt, HTX đã bao tiêu toàn bộ sản phẩm thu hoạch, tập trung khu vực sơ chế đóng gói, vận chuyển đến hệ thống cửa hàng, siêu thị để giao hàng rau tươi trực tiếp đến người tiêu dùng, với mức giá ổn định không thay đổi trong năm.
Để thu hút các thành viên tham gia liên kết, HTX đã đầu tư hơn 17 tỷ đồng xây dựng khu chuyển giao công nghệ kỹ thuật cao trên diện tích 2ha. Cách làm này vừa giúp các thành viên thiếu đất có thể mở rộng quy mô sản xuất vừa làm nơi hướng dẫn quy trình kỹ thuật và đánh giá kết quả sản xuất của HTX.
Giám đốc HTX Sunfood Đà Lạt Phạm Ngọc Thạch cho biết, khi các thành viên tham gia vào HTX, họ đều tính toán được kết quả thu được từ sản phẩm cụ thể là bao nhiêu. Ví dụ như những người tham gia trồng ớt, họ đều biết được họ sẽ kiếm được bao nhiêu tiền mỗi sào; ngược lại trong hợp đồng ký kết với nông dân, HTX cũng cam kết, nếu như lợi nhuận không đạt được con số như đã cam kết thì HTX sẽ không thu bất cứ 1 nguồn thu nào.
Các thành viên HTX chia sẻ, kể từ khi tham gia HTX thì đầu ra và giá cả sản phẩm tương đối ổn định, không bị tình trạng cứ "được mùa mất giá" như trước đây khi chưa tham gia vào HTX. Theo đó, trung bình mỗi năm các thành viên thu lợi nhuận từ 100-130 triệu đồng/sào canh tác.
Không chỉ có HTX Sunfood Đà Lạt, vài năm gần đây, thị trường nhiều khu vực trong nước bắt đầu quen thuộc với thương hiệu trứng cút, chim cút, cá tầm... của HTX Nông nghiệp Gia Phát tại xã Tân Lạc, huyện Bảo Lâm bởi giá cả cạnh tranh và chất lượng an toàn.
Kể từ khi thành lập, qua hơn 3 năm hoạt động với 25 thành viên phát triển 13 chuồng trại chăn nuôi chim cút với diện tích 3.100 m2 và 45 hồ nuôi cá tầm với diện tích 2.000 m2 trên địa bàn huyện Bảo Lâm và huyện Đam Rông. Tính đến hết năm 2020, HTX đạt tổng quy mô chăn nuôi 153.000 con chim cút, 83.000 con cá tầm. Tương ứng với tổng sản lượng 28 triệu quả trứng và 72 tấn cá tầm thương phẩm. Lợi nhuận HTX khoảng 4,5 tỷ đồng/chu kỳ chăn nuôi 8 tháng.
Ông Vũ Duy Văn, Giám đốc HTX Nông nghiệp Gia Phát cho biết, để đạt lợi nhuận như vậy, HTX đã đầu tư xây dựng chuỗi liên kết ổn định với các doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm cung ứng nguồn thức ăn chim cút, cá tầm cho 25 thành viên chăn nuôi với mức giá thấp hơn thị trường từ 10 - 15%.
Đồng thời, HTX cũng bao tiêu toàn bộ sản phẩm trứng cút, chim cút, cá tầm thương phẩm với giá cao hơn giá thị trường trên dưới 15%, sau đó phân phối đến hệ thống đại lý ở các thành phố từ Đà Lạt, đến Thành phố Hồ Chí Minh, Nha Trang, Đà Nẵng... Ngoài ra, HTX còn chế biến tại chỗ phân cút vi sinh để cung ứng giá rẻ cho thành viên sử dụng canh tác cây trồng.
Tương tự, HTX Dịch vụ Nông nghiệp Quyết Tâm được thành lập vào năm 2019 ở xã Lộc Nam (huyện Bảo Lộc) đến nay có hơn 20 hộ nông dân liên kết với hơn 30 ha bơ 034.
Nhờ áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, tạo ra các sản phẩm quả bơ 034 đạt năng suất, chất lượng tốt và an toàn, có sức cạnh tranh cao, sản phẩm bơ 034 của HTX cũng đã được chứng nhận là sản phẩm VietGAP và gắn tem truy xuất nguồn gốc; đặc biệt là đầu tư xây dựng chuỗi liên kết ổn định với các doanh nghiệp nên đầu ra cho sản phẩm được tăng cường, từ đó việc tiêu thụ sản phẩm thuận lợi với giá cả ổn định.
Tời gian qua, mặc dù giá bơ trên thị trường bên ngoài xuống thấp, khó tiêu thụ nhưng nhờ thông qua các kênh thương mại, HTX đã ký được nhiều hợp đồng với các đối tác nên giá bơ của HTX luôn giữ ổn định, các thành viên trong HTX đều không phải lo lắng.
Theo Liên minh HTX Lâm Đồng, hiện Lâm Đồng có hơn 50 chuỗi liên kết tiêu biểu giữa HTX nông nghiệp với doanh nghiệp và hộ sản xuất trên địa bàn.
Theo đó, thỏa thuận doanh nghiệp vừa cung ứng giống, vật tư, chuyển giao khoa học kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm của HTX, THT và hộ sản xuất. Trách nhiệm HTX cung cấp tín dụng nội bộ phát triển sản xuất, mở rộng chế biến và cùng với hộ sản xuất phân công lao động, tổ chức đào tạo, tập huấn kỹ thuật; khai thác thị trường tiêu thụ.
Mới đây, Liên minh HTX đã "bắt tay" với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng “phối hợp xây dựng và phát triển mô hình HTX hợp tác liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị, đặc biệt là liên kết cung ứng vật tư sản xuất và tiêu thụ nông sản cho nông dân, xây dựng vùng nguyên liệu bền vững. Đồng thời thường xuyên tổ chức cho doanh nghiệp và HTX tiếp cận lẫn nhau, tạo điều kiện kết nối, hợp tác quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường, xây dựng thương hiệu nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của hai bên...”.
Hoạt động này sẽ "cầu nối" giúp cho việc xây dựng và phát triển mô hình HTX hợp tác liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị từ đó quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường, xây dựng thương hiệu nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của hai bên giúp thị trường nông sản Lâm Đồng rộng cửa phát triển, nâng cao giá trị.
Hải Yến