Họp báo công khai xin lỗi nữ sinh bị cưa chân
Chiều 17/3, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức họp báo thông báo và công khai xin lỗi bệnh nhân Lê Thị Hà Vi (SN 2000, học sinh lớp 10, Trường THPT Y Jút, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk).
Theo Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, bệnh nhân Vi nhập viện lúc 12 giờ 15 phút ngày 6/3, được khám và thực hiện các cận lâm sàng. Bệnh nhân được chẩn đoán gãy vỡ mâm chày xương cẳng chân phải, được bó bột, hội chẩn và chỉ định mổ kết hợp xương vào ngày 8/3.
Tại phòng mổ, các bác sĩ phát hiện cẳng chân phải của bệnh nhân bị chèn ép khoang, nên không tiến hành mổ và tiếp tục điều trị. Đến ngày 11/3 tình hình bệnh nhân nặng lên và được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị gãy kín mâm chày xương cẳng chân phải, chèn ép khoang, rối loạn cảm giác vận động nên chuyển xuống Bệnh viện Chợ Rẫy TP HCM.
Sở Y tế đang chuẩn bị họp Hội đồng chuyên môn của ngành với sự tư vấn của các chuyên gia đầu ngành của Bệnh viện Chợ Rẫy TP HCM. Phối hợp với Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP HCM lắp chân giả và phục hồi chức năng cho bé Vi.
“Căn cứ vào kết quả cuộc họp hội đồng chuyên môn của ngành và kết quả thanh tra về quá trình tiếp nhận, chẩn đoán và điều trị sở sẽ có hình thức xử lý nghiêm, không bao che, dung túng, đúng người, đúng sự việc với tập thể và cá nhân theo quy định của pháp luật, công khai kết quả xử lý” - ông Doãn Hữu Long, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, cho biết:
Tại buổi họp báo, các cơ quan báo chí đã có nhiều câu hỏi liên quan đến vấn đề chăm sóc cho bệnh nhân Vi.
Trả lời câu hỏi của Báo Người Lao Động về việc có sự yếu kém chuyên môn, tắc trách trong công việc hay không, ông Doãn Hữu Long cho rằng cần phải có kết quả họp hội đồng y khoa mới khẳng định được. Tuy nhiên, với trường hợp này ít hay nhiều có trách nhiệm của đội ngũ y, bác sĩ. Sau khi xảy ra vụ việc, bệnh viện đã tiến hành họp y khoa và thống nhất tạm đình chỉ 4 cán bộ liên quan chăm sóc và điều trị bệnh nhân Vi.
Liên quan đến vấn đề bé Vi bị tổn thương động mạch khoeo, nhưng cả Bệnh viện Đa khoa huyện Cư Kuin và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk không phát hiện được, ông Long cho rằng, kinh nghiệm, trình độ, quá trình theo dõi có vấn đề nên không thể phát hiện được để xảy ra hậu quả đáng tiếc.
Liên quan đến vấn đề chuyên môn, theo ông Nguyễn Văn Tâm - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Cư Kuin thì bác sĩ Y Tâm người trực tiếp bó bột cho bé Vi được đào tạo chính quy và mới chuyển về công tác tại bệnh viện.
Nguồn NLĐ