Hơn 380 triệu người đã nhiễm Covid-19, điều gì mới khiến đại dịch chấm dứt?
Theo số liệu trên trang web của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 3/2, số trường hợp nhiễm Covid-19 được phát hiện trên thế giới kể từ đầu đại dịch đã lên tới 380.321.615 người.
Đồng thời, có 5.680.741 trường hợp tử vong đã được ghi nhận trong thời gian này.
Theo WHO, số người nhiễm Covid-19 tăng 3.313.828 người mỗi ngày, số người tử vong tăng 10.536 người.
Trong khi đó, số trường hợp mắc mới lớn nhất được ghi nhận ở Mỹ là 74.500.060 người. Ở Ấn Độ là 41.630.885 người, ở Brazil là 25.426.744 người, vị trí thứ tư là ở Pháp - 19.010.518 người, vị trí thứ năm là Anh - 17.428.349.
Hầu hết các trường hợp tử vong vì Covid-19 cũng được ghi nhận ở Mỹ là 880.580 người, ở Brazil 627.138 người, ở Ấn Độ 497.975 người.
Số ca nhiễm Covid-19 trên thế giới tiếp tục ‘tăng phi mã’. (Ảnh: Global Look Press) |
Hôm 1/2, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, thế giới đang trải qua sự lây lan rất nhanh của chủng Omicron, cũng như “sự gia tăng tỷ lệ tử vong rất đáng báo động ở hầu hết các khu vực trên hành tinh”.
Trước đó, ông Ghebreyesus cho rằng đại dịch Covid-19 có thể kết thúc vào năm 2022 nếu các biện pháp toàn diện được thực hiện. Ông lưu ý, để ngăn chặn sự lây lan 70% dân số ở mỗi quốc gia phải được tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19.
Hôm 21/1, WHO đã báo cáo số ca nhiễm Covid-19 kỷ lục trên thế giới mỗi ngày với 3.777.104 ca.
Trong bối cảnh dữ liệu gần đây cho thấy sự tăng mạnh số ca tử vong liên quan vì Covid-19 trên toàn cầu, Tổ chức Y tế thế giới đã kêu gọi các quốc gia tiến hành dỡ bỏ các biện pháp hạn chế được áp đặt để chống dịch Covid-19 theo cách chậm rãi và từng bước.
Theo Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, kể từ khi biến thể Omicron lần đầu tiên được xác định chỉ 10 tuần trước, gần 90 triệu ca mắc Covid-19 đã được báo cáo cho WHO, cao hơn con số được báo cáo trong toàn bộ năm 2020.
WHO bắt đầu nhận thấy sự gia tăng rất đáng lo ngại về số ca tử vong ở hầu hết các khu vực của thế giới. Ông Ghebreyesus nhắc lại mối quan ngại về quan điểm ở một số quốc gia rằng do biến thể Omicron lây lan mạnh và ít gây bệnh nghiêm trọng, việc ngăn ngừa lây lan giờ đây không còn khả thi và cần thiết nữa.
Tổng Giám đốc WHO kêu gọi tất cả các quốc gia bảo vệ người dân bằng cách sử dụng mọi công cụ, không chỉ riêng vắc xin, đồng thời cảnh báo “còn quá sớm để bất kỳ quốc gia nào đầu hàng hay tuyên bố chiến thắng”.
Cũng theo WHO, phiên bản mới của biến thể Omicron (BA.2) mà các nhà khoa học gọi là “Omicron tàng hình” đã xuất hiện tại 57 quốc gia trên thế giới. Tại một số nước, BA.2 đã chiếm tới hơn 50% số mẫu Omicron giải trình tự gene.
Theo WHO, hiện vẫn còn rất ít thông tin về sự khác biệt giữa các dòng phụ của biến thể Omicron và tổ chức này kêu gọi có thêm các nghiên cứu về điều này, bao gồm độc lực, khả năng lây truyền, khả năng “né tránh” phản ứng miễn dịch.
Trong khi đó, Theo Trưởng phòng thí nghiệm Khoa Dịch tễ học của Trường Đại học Tổng hợp Liên bang Viễn đông (FEFU), giáo sư Mikhail Shchelkanov, đại dịch Covid-19 có lẽ sẽ kéo dài thêm 3 năm nữa, nhưng phần lớn sẽ phụ thuộc vào tốc độ phát triển khả năng miễn dịch cộng đồng.
Ông Shchelkanov cho rằng, chúng ta cần chuẩn bị cho thực tế là vào năm 2022, chúng ta vẫn sẽ ở trong một đại dịch, cũng như năm 2023 và có thể là năm 2024.
RIA dẫn lời giáo sư Shchelkanov cho hay: “Mọi thứ sẽ được quyết định phần lớn bởi mức độ miễn dịch cộng đồng của chúng ta sẽ phát triển nhanh như thế nào và liệu mức độ miễn dịch cộng đồng của chúng ta có theo kịp với sự biến đổi của virus hay không”.
Thanh Bình (lược dịch)
Muôn hình vạn trạng nhà vệ sinh 'độc lạ' trên đường phố Nhật Bản
Nhật Bản là đất nước của những nghịch lý và tương phản với nền văn hóa đặc biệt của mình.