Hội Nhà báo Việt Nam quán triệt 10 quy định đạo đức nghề nghiệp nhà báo
Phóng viên tác nghiệp. Ảnh minh họa: vtv.vn |
Trong ba ngày từ 21-23/4/2017, tại Đà Lạt, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức hội nghị toàn quốc tổng kết công tác Hội và thi đua, khen thưởng năm 2016, phương hướng, nhiệm vụ năm 2017. Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn, ông Thuận Hữu, Tổng biên tập báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam, Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Nguyễn Đức Lợi đã tới dự và chủ trì hội nghị.
Tham dự Hội nghị có hơn 500 đại biểu đại diện cho 307 Hội, Liên chi hội trực thuộc Hội Nhà báo Việt Nam tới dự.
Hội nghị Học tập, quán triệt, thực hiện 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp và tập huấn công tác kiểm tra sáng 21/4/2017 là hoạt động mở đầu trong chuỗi hoạt động tổng kết công tác của Hội Nhà báo Việt Nam năm 2016, triển khai nhiệm vụ năm 2017.
Hội nghị có 3 nội dung chính là: Đại diện lãnh đạo Bộ TT&TT, cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí phân tích những điều cần lưu ý trong Luật Báo chí 2016, các nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện; tình hình hoạt động báo chí và việc vi phạm hiện nay.
Đại diện Hội Nhà báo Việt Nam triển khai và hướng dẫn thực hiện 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Hội nghị học tập, quán triệt, thực hiện 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam và tập huấn công tác kiểm tra năm 2017 sáng ngày 21/4/2017, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu cho biết, trong công cuộc đổi mới, báo chí Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, tích cực đồng hành và có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc. Trong đội ngũ những người làm báo Việt Nam, có rất nhiều tấm gương tiêu biểu, phẩm chất đạo đức trong sáng, vững vàng nghề nghiệp, giàu tinh thần cống hiến, không ngại khó khăn gian khổ, luôn nỗ lực lao động cần cù, sáng tạo vì lợi ích của đất nước và nhân dân.
Bên cạnh những đóng góp to lớn và những tấm gương đáng tự hào đó, có một thực tế là hiện nay các biểu hiện, hành vi tiêu cực trong hoạt động báo chí ngày càng phức tạp và rất đáng lo ngại. Đó là: việc thông tin sai sự thật, thổi phồng hoặc bóp méo sự thật, tô hồng hoặc bôi đen vì những mục đích không trong sáng; tình trạng báo chí bị thương mại hóa, cơ quan báo chí và nhà báo lạm quyền, cửa quyền, lợi dụng vị trí và công việc để vụ lợi và làm trái pháp luật...
Tình hình này cho thấy sự tha hóa, suy thoái về đạo đức nghề nghiệp trong một bộ phận những người làm báo Việt Nam đã đến mức báo động, gây ảnh hưởng xấu đến vai trò, uy tín của báo chí đối với xã hội, làm suy giảm niềm tin của công chúng đối với báo chí.
Chủ tịch Thuận Hữu cũng nhấn mạnh tới việc các cơ quan báo chí phải tích cực triển khai và thực hiện quy định đạo đức người làm báo Việt Nam. Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Báo chí 2016 vào ngày 4/5/2016. Luật Báo chí 2016 là sự kế thừa, phát triển Luật báo chí 1989 và 1999. Điều 8 Luật Báo chí 2016 xác định vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Hội Nhà báo Việt Nam, trong đó có nhiệm vụ quan trọng: Xây dựng, ban hành và thực hiện quy định đạo đức người làm báo Việt Nam.
Nhằm sớm đưa Luật Báo chí 2016 vào cuộc sống, đặc biệt là đối với những người làm báo, Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành Chỉ thị thực hiện 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, đồng thời thành lập Hội đồng xử lý vi phạm quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo cấp Trung ương và ban hành quy chế hoạt động của Hội đồng; Hướng dẫn các cấp Hội Nhà báo thành lập Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức cấp tỉnh và tương đương ở địa bàn sinh hoạt của mình.