Hội của những nông dân triệu phú
Thành viên của CLB ấy 100% là nông dân, là “láng giềng gần” và tiêu chí kết nạp hội viên cũng “khá đơn giản” - họ đều là những người có thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm từ chính đất vườn nhà.
Anh Phạm Doãn Chín bên vườn sầu riêng “làm giàu” của gia đình |
CLB của những người làm vườn có thu nhập cao ở xã Hà Lâm (huyện Đạ Huoai) được thành lập cách đây 3 năm, là ý tưởng của một số người muốn làm giàu từ cây ăn trái, đặc biệt là cây sầu riêng và họ muốn biến loại cây này trở thành thương hiệu của Đạ Huoai. Đây là một ý tưởng táo bạo và cũng đầy liều lĩnh. Bởi, dù là vùng trồng cây ăn trái lớn nhất của Nam Tây Nguyên nhưng thương hiệu trái cây của Đạ Huoai chưa có và cây sầu riêng (nhất là sầu riêng ghép giống Thái Lan) lại là loài cây “sinh sau đẻ muộn” so với những vùng có thâm niên trồng loại cây này như khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.
Ông Nguyễn Xuân Điệp - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hà Lâm tự hào “khoe”: “CLB của những người làm vườn có thu nhập cao là “tài sản” quý của xã đấy. Xã có 2 CLB đều nằm ở các thôn, với khoảng 60 người. Anh em hội viên làm ăn rất khá, người ít thì cũng khoảng 200 triệu đồng mỗi năm, người nhiều thì năm đến sáu trăm triệu đồng”. “CLB của những nông dân triệu phú” này thực sự là một mái nhà chung để tất cả hội viên (và cả những người có ý định tham gia hội) chia sẻ bí quyết, kinh nghiệm của riêng mình đối với cây sầu riêng và các loại cây ăn trái có thế mạnh khác cho nhau. Thường thì mỗi tháng một lần gặp mặt, tần suất họp có thể tăng lên tùy theo diễn biến “đau bệnh” thất thường của cây trong từng thời vụ. Hội viên tham gia CLB không phải đóng hội phí, họ chơi chung một quỹ đóng góp, ai có việc cần thì lấy trước và trích phần trăm từ quỹ ấy để trà nước. Anh Phạm Doãn Chín - Chủ tịch CLB chia sẻ: “Chúng tôi tập hợp với nhau chủ yếu là để chia sẻ kinh nghiệm, bởi cây ăn trái trông vậy nhưng rất khó trồng và chẳng có loại cây nào có khuôn mẫu chăm sóc riêng. Đặc biệt là cùng một vùng, nhưng cây trồng trên đất nhà ai, thì riêng người ấy mới hiểu được. Mỗi năm chúng tôi đều tự bỏ tiền để đi tham quan, tiếng là vậy nhưng thực ra đi đến các vùng, các gia đình có tiếng về cây sầu riêng để học hỏi kinh nghiệm, bí quyết trồng của họ, cũng không dễ để có được chỗ đứng cho cây sầu riêng trên đất Hà Lâm như ngày hôm nay đâu...”.
Câu chuyện của cây sầu riêng trên đất Đạ Huoai, là một câu chuyện dài. Sầu riêng đã bén rễ nơi cửa ngõ phía Nam của Lâm Đồng từ khá lâu, nhưng đó chỉ là loại sầu riêng hạt, năng suất không cao, được các hộ trồng nhan nhản ở vườn nhà, chủ yếu là để ăn chơi trong gia đình (rất ít hộ chuyên canh). Khoảng 10 năm trước, sầu riêng ghép giống Thái Lan, hay còn gọi là Mongthong được Công ty DONA (Đồng Nai) lai tạo, mang về đầu tư giống và hướng dẫn cho người dân nơi đây trồng, tuy nhiên gần như chúng đã bị “xóa sổ” trên diện rộng. Một phần vì cây sầu riêng rất khó trồng, lắm bệnh, nhiều công đoạn chăm sóc, thêm nữa người dân lại quen lối canh tác cũ gần như phó mặc “cho trời” nên cây sầu riêng ghép (hạt lép) gần như “chết mòn”. Cây sầu riêng chỉ được khôi phục và dần trở thành thương hiệu như ngày hôm nay là nhờ những người có tâm huyết với cây, với đất như anh Chín. “Cây sầu riêng bắt đầu được vực dậy từ khoảng năm 2008. Cho đến nay, nhiều người đã khá giả lên nhờ nó đấy anh à! Làm sầu riêng với khoảng 2 mẫu, trên 200 gốc, mỗi năm, tôi đã có vài trăm triệu đồng. Nhà cửa, xe cộ, đồ dùng khang trang tươm tất cũng từ sầu riêng cả”, anh Chín chia sẻ.
Ở Hà Lâm, cây sầu riêng là chủ đạo, tuy nhiên người nông dân, đặc biệt là anh em hội viên của CLB những người làm vườn có thu nhập cao đã biết trồng xen các loại cây khác dưới tán sầu riêng, như chè, măng cụt, mít, chôm chôm để kiếm thêm thu nhập, ổn định và làm giàu. Anh Trần Khắc Tất - hội viên của CLB cho biết: “Tôi trồng chè, măng cụt, điều để trang trải tiền sinh hoạt cho gia đình, còn sầu riêng là tiền để dành, gần như không phải đụng đến. Vườn nhà có 250 cây sầu riêng, do giá ổn định nên mỗi năm sau khi trừ chi phí gia đình thu nhập khoảng 400 triệu đồng”.
Họ chưa hẳn đã là những nông dân “đại gia” như những người trồng rau, hoa của Đơn Dương, Đà Lạt, Đức Trọng, nhưng với những nông dân nơi xứ nghèo Đạ Huoai, thu nhập hàng trăm triệu đồng từ chính mảnh đất vườn nhà lại là điều đáng mơ ước của bất kỳ ai. Ước mơ của anh Chín và những người bạn trong CLB của mình thật đáng trân trọng: “Chỉ cần giá sầu riêng ở mức ổn định từ 15-20.000đ/kg, chắc chắn đời sống người dân nơi đây sẽ từ khá đến giàu. Và chúng tôi tin sẽ xây dựng được thương hiệu cho sầu riêng của Đạ Huoai, khó đấy, nhưng sẽ làm được”.
LINH ĐAN/Báo Lâm Đồng