Học sinh TPHCM đề xuất thay đổi giờ học
Nữ sinh Ngọc Thương đề xuất lùi giờ học. Ảnh: Lê Phương |
Nữ sinh Đỗ Bùi Ngọc Thương - Trường THPT Đào Sơn Tây (quận Thủ Đức) bày tỏ mong muốn được thay đổi giờ vào học thành 8h thay vì 7h như hiện nay.
“Để vào học, chúng em phải thức từ 5-5h30, không có thời gian tập thể dục ăn sáng, chúng em phải thường xuyên vội vã. Từ lúc em học lớp 1 đến lớp 12, cha mẹ phải cập rập chuẩn bị, ai cũng như vậy nên kẹt xe khói bụi… Tại sao chúng ta phải bắt đầu một ngày mới với nhiều áp lực và mệt mỏi như vậy, chịu khói bụi kẹt xe? Nếu thay đổi giờ học trễ hơn một chút thì học sinh chúng em sẽ có tâm trạng thoải mái hơn mỗi khi đến trường”, Ngọc Thương chia sẻ.
Trả lời vấn đề này, ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GDĐT cho biết: “Nếu dời giờ học lúc 8h thì giờ ra về sẽ rất trễ. Chúng ta phải sắp xếp để tan học trước 11h30. Giờ học còn phụ thuộc vào giờ đi làm của phụ huynh. Cha mẹ đi làm lúc 7h30 thì không thể đưa con đi học lúc này được. Lớp học 2 buổi sẽ dễ dàng điều chỉnh hơn. Tuy nhiên thành phố vẫn còn nhiều lớp học 1 buổi. Ngành sẽ lấy ý kiến để điều chỉnh phù hợp hơn”.
Cùng bàn về ùn tắc, kẹt xe, sinh viên Trần Quang Thuận, Trường Đại học Khoa học và Xã hội Nhân văn chia sẻ: “Từ thực trạng quá tải trong việc phục vụ nhu cầu đi lại của người dân TPHCM gây ùn tắc và nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Đặc biệt các bạn sinh viên là đối tượng sử dụng các phương tiện công cộng nhiều nhất nhưng còn nhiều khúc mắc không biết phải nói với ai. Em mong rằng thành phố sẽ sớm có kênh thông tin chung để lắng nghe tiếng nói của các bạn sinh viên trên địa bàn thành phố.”
Bên cạnh đó, nhiều học sinh, sinh viên đã mạnh dạn chia sẻ những suy nghĩ, đề xuất các ý tưởng về việc giải quyết nhiều vấn đề khó của thành phố như: xây dựng môi trường học đường kích thích sự sáng tạo, phong trào khởi nghiệp, giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng đô thị thông minh, nâng cao trách nhiệm xã hội khi tham gia các chủ trương, chương trình lớn của thành phố…
Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh Lê Thanh Bình cho rằng, trước hết phải trang bị kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ, công chức, đặc biệt là người cán bộ giải quyết thủ tục hành chính cho người dân; đồng thời có lộ trình nghiên cứu chế độ cũng như trách nhiệm của người giải quyết thủ tục hành chính cho công dân. Phải chăng đưa ra định mức cho người cán bộ trong tham gia giải quyết thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, cần xem xét ý thức, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác giải quyết thủ tục hành chính.
Nêu ý kiến xoay quanh Quyết định 6179 về Đề án “Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025”, Đào Thị Ánh, Phó Bí thư Đoàn Học viện Cán bộ TP. Hồ Chí Minh cho rằng, cần tập trung đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức trở thành nguồn nhân lực trẻ trong thời đại công nghiệp 4.0.
Cán bộ, công chức phải là người chủ động trong việc tiếp thu công nghệ thông tin nhằm nắm bắt kịp việc xây dựng đề án, tiến đến xây dựng chính quyền điện tử. Trong quá trình xây dựng đô thị thông minh thì nhất thiết phải phối hợp với người dân, giới thiệu các lộ trình xây dựng cho người dân biết để họ góp phần xây dựng thành phố thông minh hơn.