Học sinh lớp 9 sẽ học về cuộc chiến vệ quốc 1979
Hội thảo khoa học quốc gia “Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc - 40 năm nhìn lại” - Ảnh: VĨNH HÀ |
Đây là một trong những thông điệp đã được các nhà nghiên cứu, nhà sử học lên tiếng tại Hội thảo khoa học quốc gia về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (1979-1989) tổ chức ngày 15-2 ở Hà Nội.
"Chúng ta chưa có công trình nào nghiên cứu về cuộc chiến này. Nếu không có nghiên cứu về cuộc chiến này, chắc chắn chúng ta sẽ bị động trong tương lại" -Thiếu tướng Lê Cương (nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Bộ Công an- |
Không thể chấp nhận vỏn vẹn 11 dòng trong sách giáo khoa
Trao đổi tại hội thảo, GS.TS Phạm Hồng Tung - Viện Việt Nam học và khoa học phát triển (ĐHQG Hà Nội) - cho biết cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở vùng biên giới phía Bắc (1979-1989) và cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia vùng biên giới phía Bắc và ở Biển Đông (1979-1991) là quá trình lịch sử có thật và có ý nghĩa quan trọng trong lịch sử Việt Nam hiện đại.
Nhưng cho tới nay, nội dung này chưa được nghiên cứu, trình bày đầy đủ trên các diễn đàn công khai của Việt Nam. Đặc biệt là thiếu vắng trong sách giáo khoa lịch sử của nhà trường phổ thông các cấp.
GS Tung viện dẫn nội dung về cuộc chiến biên giới phía Bắc chỉ được đề cập 4 câu, vỏn vẹn 11 dòng trong sách giáo khoa lịch sử lớp 12. Đáng nói là trong quá trình giảng dạy ở trường phổ thông, nội dung này cũng đã lược đi với lý do "giảm tải".
"Trong các kỳ thi tốt nghiệp, thi học sinh giỏi hay các hoạt động tuyên truyền cho học sinh, nội dung về chiến tranh biên giới phía Bắc đã không được đề cập, đây là điều không thể chấp nhận được" - GS Tung thẳng thắn nêu ý kiến.
Theo PGS, thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược Bộ Công an: "Chúng ta có hàng ngàn luận án thạc sĩ, hàng trăm luận án tiến sĩ nghiên cứu về các trận chiến Bạch Đằng, 3 lần thắng quân Nguyên, trận Chi Lăng, Ngọc Hồi, trận Điện Biên Phủ, tổng tiến công Mậu Thân 1968 và cuộc đại thắng mùa xuân 1975.
Nhưng chúng ta chưa có công trình nào nghiên cứu về cuộc chiến này. Nếu không có nghiên cứu về cuộc chiến này, chắc chắn chúng ta sẽ bị động trong tương lai".
"Hơn 60 bài tham luận của các nhà nghiên cứu gửi đến hội thảo cho thấy ta có đủ cơ sở để đánh giá chính xác, khách quan cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc" - PGS.TS Trần Đức Cường, phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, cho biết.
Nhiều ý kiến của các nhà nghiên cứu, nhà sử học tại hội thảo cũng cho rằng cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc cần được đưa vào sách giáo khoa phổ thông, cùng với đó là công khai các nghiên cứu về cuộc chiến này.
"Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc cần có vị trí xứng đáng trong các bộ lịch sử, sách giáo khoa" - GS.TSKH Vũ Minh Giang (ĐHQG Hà Nội) khẳng định.
PGS, thiếu tướng Lê Văn Cương (nguyên viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược Bộ Công an) |
Để thế hệ trẻ hiểu được giá trị của hòa bình
Đây là khẳng định của GS.TS Phạm Hồng Tung với tư cách chủ biên chương trình lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới được ban hành. Theo GS Tung, từ lớp 9, trong mạch nội dung "Việt Nam trong những năm 1976-1991" sẽ đề cập đến hai cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc.
"Với tính chất của một nội dung thông sử, vấn đề này cũng sẽ được trình bày ở mức tóm lược những nguyên nhân, diễn biến, chủ yếu làm rõ vị trí và ý nghĩa của chúng trong diễn trình lịch sử dân tộc" - ông Tung cho biết.
Nội dung về chiến tranh biên giới tiếp tục trở lại ở các chủ đề, chuyên đề môn lịch sử ở bậc THPT. Trao đổi về nguyên tắc khi đưa nội dung về cuộc chiến biên giới vào sách giáo khoa và các nội dung tuyên truyền cho người dân và học sinh, GS.TS Phạm Hồng Tung bày tỏ quan điểm coi trọng bản chất nhân văn của giáo dục lịch sử là hướng đến hòa bình, hữu nghị, hợp tác. Theo đó, sẽ hướng dẫn học sinh tìm hiểu nguyên nhân của cuộc chiến.
Phân tích về sự mâu thuẫn trong cách trình bày, nhìn nhận, đánh giá về chiến tranh biên giới phía Bắc của Việt Nam và Trung Quốc, trong đó cách làm của Trung Quốc gây hiểu nhầm, sai lệch sự thật, GS.TS Phạm Hồng Tung cũng bày tỏ mong muốn bằng trách nhiệm và hiểu biết khoa học, giới sử gia và cải cách giáo dục học các nước hữu quan cần phải ngồi với nhau bằng sự thiện chí để tìm một tiếng nói chung trong việc trình bày, nhìn nhận sự kiện lịch sử này trên nguyên tắc nhân bản, tiến bộ, yêu hòa bình, khách quan trung thực, lịch sử toàn diện, cụ thể và thực chứng. Và đó cũng là cách để có thể đi đến hòa giải lịch sử, không khoét sâu hận thù.
Ở vị trí chủ trì hội thảo, một trong những nội dung chủ chốt được PGS.TS Trần Đức Cường kết luận là đến lúc Việt Nam cần phải công bố công khai các nghiên cứu với đầy đủ chứng lý đề cuộc chiến để phản bác lại luận điệu xuyên tạc, tuyên truyền cho người dân hiểu về cuộc chiến đấu chính nghĩa này. Từ đó rút ra bài học, nâng cao sự cảnh giác, ý thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.
Đó cũng là cách để tri ân những người đã ngã xuống để bảo vệ Tổ quốc, để thế hệ trẻ ngày nay hiểu được giá trị của hòa bình và chúng ta gìn giữ.
Khép lại quá khứ không phải không được nói về quá khứ
Hoàn toàn không nhắc tới lịch sử, cho dù sự kiện ấy như thế nào sẽ đồng nghĩa với việc che giấu lịch sử, điều không thể và không nên làm. Trình bày khách quan, khoa học về cuộc chiến 1979 là cách tốt nhất để đẩy lui luận điệu xuyên tạc, dùng lịch sử để kích động, đồng thời cũng là cách tốt nhất để giáo dục thế hệ trẻ truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm của dân tộc. GS.TSKH VŨ MINH GIANG (Đại học Quốc gia Hà Nội) |