Học sinh chất vấn khi tham gia phiên tòa về xâm hại tình dục trẻ em
Phiên tòa giả định “Xâm hại tình dục đối với trẻ em” vừa diễn ra tại Trường THCS Trần Văn Ơn (Q.1, TP.HCM) do Chi hội Luật sư bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM phối hợp với nhà trường tổ chức.
Nội dung phiên tòa giả định vụ án "Dâm ô với trẻ em" là trường hợp bé gái 10 tuổi bị người tình của mẹ xâm hại. Trong một lần, người đàn ông này dẫn bé gái ra ngoài chơi rồi đi nhậu với bạn. Sau khi nhậu say, gã này đã đưa con gái về nhà riêng rồi ôm bé ngủ, sau đó có hành vi sờ soạng bé. Đến sáng hôm sau, người mẹ nghe con gái kể lại mới đi tố giác với cơ quan chức năng.
Trong suốt phiên tòa, các luật sư vào vai diễn giả định đã xét hỏi, đối đáp có phần kịch tính để làm rõ hành vi phạm tội "Dâm ô với trẻ em".
Theo kết luận của Viện Kiểm sát, hành vi của người đàn ông này là nguy hiểm cho xã hội, xâm hại đến sự phát triển bình thường của trẻ em gái, làm ảnh hưởng đến trật tự trị an nên cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự để răn đe, giáo dục bản thân bị can.
Tình huống trên được xem là một sự việc rất dễ gặp trong đời sống hàng ngày, khi phụ huynh thiếu cảnh giác và thiếu sự quan tâm đến con cái.
Vì thế, trong quá trình xét xử, chủ tọa phiên tòa liên tục nhấn mạnh: “Phiên tòa hôm nay cũng cần phê phán trách nhiệm của cha mẹ người bị hại về việc thiếu quan tâm, hướng dẫn, giáo dục giới tính cho con. Để con gái đi chơi và qua đêm với người khác giới không cùng huyết thống mà không lo lắng hay hỏi han gì là quá vô tâm với con. Chính sự dễ dãi, chủ quan của mẹ đã đưa con mình trở thành nạn nhân của vụ án”.
Kết thúc phiên tòa giả định, các em học sinh đã không ngại khi đặt những câu hỏi trực tiếp với các luật sư như khi con bị xâm hại tình dục, cha mẹ có phải chịu trách nhiệm liên quan không? Trẻ em đường phố bị xâm hại thì giải quyết như thế nào? Nắm tay và ôm hôn nhau có bị coi là phạm tội không? Nếu nạn nhân tự nguyện để bị dâm ô thì có phạm tội không? Người xâm hại và người bị xâm hại cùng huyết thống thì sẽ bị xử lý thế nào?...
Trong quá trình xét xử cũng như giao lưu, các luật sư liên tục nhắn nhủ các em: “Cơ thể mình là của mình và không ai được đụng chạm vào, trừ bác sĩ thăm khám bệnh khi cần thiết và càng không dễ dãi với bạn bè đồng trang lứa. Vì thế, chính các con cũng phải học cách bảo vệ chính cơ thể của mình trước.
Nếu có hành động nào xâm phạm đến mình để thỏa mãn nhu cầu sinh lý của người đó, các con phải kịp thời dũng cảm lên tiếng để được sự giúp đỡ và được pháp luật bảo vệ, để kẻ phạm tội phải bị xử lý, tuyệt đối không nên nhút nhát hay sợ hãi”.
Luật sư Trần Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư thuộc Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM đã hướng dẫn học sinh ghi nhớ số điện thoại đường dây nóng trực 24/24h can thiệp và trợ giúp trẻ em bị xâm hại, bạo lực: Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM: 18009069; Trung tâm Công tác xã hội trẻ em TP.HCM: 19545559.