Học sinh cần được học cách like, share đúng cách
Ảnh minh họa |
Bắt đầu từ Trường THPT Nguyễn Du (quận 10), gần 1.500 học sinh của Trường THPT Nguyễn Du đã được nghe các chuyên gia cung cấp kiến thức cũng như trang bị các kỹ năng cần thiết khi tương tác trên môi trường mạng xã hội như tư duy phản biện, sự thấu cảm, tôn trọng trong giao tiếp... Bên cạnh đó, cũng thông qua chương trình, giáo viên được cung cấp tài nguyên giảng dạy và tập huấn hướng đến mục tiêu xây dựng cộng đồng công dân số có trách nhiệm.
Các chuyên gia đã giúp học sinh phân biệt 3 loại bài viết trên mạng xã hội: đó là bài viết thông tin sự thật (còn gọi là tin tức), bài viết thông tin sai lệch (quảng cáo sai sự thực, tin tức giả, bài báo hoặc hình ảnh đã qua chỉnh sửa...) và bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của người viết.
Từ đó, học sinh sẽ học được cách không nên vội vàng like hoặc share nếu chưa xác định được thông tin đúng hay sai và trả lời được những câu hỏi như: Hình ảnh đó có thật không? Có phải nội dung mồi nhấp chuột hay không? Nguồn thông tin là gì? Có các nguồn thông tin khác nào để kiểm chứng?...
Sau khi xác định được nguồn tin, các em cần học cách chia sẻ thông tin đúng và ứng xử thông minh, cụ thể là góp phần ngăn chặn sự lan truyền của thông tin sai lệch. Song, để làm được điều đó, học sinh cần được trang bị tư duy tích cực và tư duy phản biện, giúp bảo vệ bản thân trước những tác động của mạng xã hội.
Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du cho biết, tuổi trẻ học đường hôm nay sử dụng công nghệ rất nhiều, hầu như em nào cũng có điện thoại thông minh. Tuy nhiên, nếu các em sử dụng không có chọn lọc, không định hướng thì tác động của một số thông tin sai lệch có thể dẫn đến hậu quả khôn lường như bị lôi kéo vào các tổ chức phản động, tuyên truyền thông tin sai lệch, tham gia xung đột từ môi trường mạng đến đời thực.
Thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ việc đáng tiếc liên quan đến xung đột của học sinh trên mạng xã hội. Theo ông Huỳnh Thanh Phú, nếu nhà trường có kênh phản ảnh thông tin kịp thời giúp học sinh có thể chia sẻ, giải tỏa khúc mắc, bày tỏ tâm tư, tình cảm sẽ giúp ngăn chặn những hành xử tiêu cực không đáng có.
Ngoài Trường THPT Nguyễn Du, hoạt động này sẽ diễn ra ở 4 trường trung học khác gồm THCS Lê Quý Đôn (quận 3), THCS Phạm Văn Chiêu (quận Gò Vấp), THPT Marie Curie (quận 3) và THPT Trần Hữu Trang (quận 5).