Học Boracay, Đà Nẵng làm du lịch cộng đồng ở bãi biển Mân Thái–Thọ Quang
Ngày 25/11, ông Nguyễn Đức Vũ, Trưởng BQL Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho hay, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Trung Chinh vừa ký Quyết định số 5204/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Phát triển du lịch cộng đồng tại khu vực bãi biển thuộc hai phường Thọ Quang – Mân Thái (quận Sơn Trà) do Sở Du lịch Đà Nẵng chủ trì.
Đà Nẵng sẽ phát triển du lịch cộng đồng tại khu vực bãi biển Mân Thái, Thọ Quang (Ảnh: HC) |
Theo đó, Đề án nhằm định hướng phát triển, giải pháp quản lý (an ninh trật tự, an toàn, vệ sinh môi trường…), đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch các khu dịch vụ nhằm tạo điểm vui chơi giải trí, mua sắm ngày và đêm cho du khách. Đồng thời tạo sản phẩm du lịch đặc trưng phù hợp với nhu cầu khách du lịch trên toàn tuyến biển Thọ Quang – Mân Thái.
“Trên cơ sở học tập, tham khảo mô hình du lịch cộng đồng tại đảo Boracay - Philippines và tình hình thực tế phát triển du lịch biển theo định hướng phát triển du lịch Đà Nẵng giai đoạn 2016 – 2020, Đề án sẽ huy động cộng đồng tham gia kinh doanh du lịch, qua đó góp phần nâng cao thu nhập cho người dân khu vực và phát triển kinh tế địa phương.
Đặc biệt, Đề án nhằm khai thác lợi thế, tiềm năng tài nguyên du lịch địa phương để tạo sản phẩm mới thu hút người dân và du khách đến tham quan vui chơi, giải trí, mua sắm, ẩm thực về đêm tại bãi biển Thọ Quang, Mân Thái. Khai thác du lịch kết hợp bảo tồn làng nghề thủy sản truyền thống; giới thiệu các tập quán, sản phẩm làng chài đến với du khách, hình thành khu vực để du khách khám phá, trải nghiệm biển Đà Nẵng!” – ông Nguyễn Đức Vũ nói.
Được biết, qua khảo sát thị trường khách tại khu vực này chủ yếu là Hàn Quốc, Trung Quốc và khách nội địa chiếm tỷ lệ cao cùng một bộ phận khách Âu, Úc; hoạt động chủ yếu là tham quan bán đảo Sơn Trà, chùa Linh Ứng, sử dụng dịch vụ lưu trú, ẩm thực hải sản. Hiện bãi tắm Mân Thái chỉ mới hình thành khu vực bán nước giải khát với các chòi cách điệu và khu vực biển tổ chức mô hình để khách tham quan, chụp hình cưới…
Ông Nguyễn Đức Vũ cho hay, trên cơ sở tham khảo, học tập mô hình dịch vụ du lịch cộng đồng tại đảo Boracay (Philippines) và căn cứ tình hình thực tế bãi biển Thọ Quang – Mân Thái, tại khu vực này sẽ quy hoạch sắp xếp thành 6 cụm dịch vụ với diện tích mỗi cụm 840m2, dài 70m, rộng 12m (từ bờ kè ra mép biển).
Mỗi cụm, kinh doanh và bố trí ít nhất 5 trong 9 loại hình dịch vụ kèm theo dưới đây: Dịch vụ cafe, bar tại bãi biển (Kinh doanh các loại nước uống giải khát); Dịch vụ massage truyền thống (Massage body, massage chân...); Dịch vụ ẩm thực bãi biển (Cung cấp các món ăn đặc sản của biển Đà Nẵng); Quầy lưu niệm (Trưng bày, kinh doanh các mặt hàng lưu niệm đặc trưng của Đà Nẵng).
Ngoài ra, dịch vụ “thử làm ngư dân” (lắc thúng chai, đan thúng, đan lưới, kéo lưới, câu cá cùng ngư dân,…), nghệ thuật sắp đặt thuyền thúng: Tạo điều kiện cho du khách có cơ hội trải nghiệm cùng ngư dân kéo lưới, đan thúng, đan lưới, trang trí và sắp xếp thuyền thúng có thẩm mỹ.
Du khách sẽ được trải nghiệmcùng ngư dân kéo lưới, đan thúng, đan lưới, sắp xếp thuyền thúng, lắc thúng chai... |
Trong khi đó, mô hình chụp ảnh lưu niệm sẽ hình thành các mô hình tượng cát, mô hình thuyền thúng,... tại bãi biển phục vụ người dân và du khách chụp ảnh lưu niệm; đắp tượng cát và chụp hình lưu niệm với tượng cát (thay đổi chủ đề theo sở thích khách du lịch).
Khu tổ chức sự kiện, sinh hoạt cộng đồng sẽ tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch; hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm; hoạt động sự kiện ngoài trời (tạo hình trên cát, thả diều nghệ thuật, vẽ tranh…); chương trình đốt lửa trại cho người dân và du khách vui chơi về đêm.
Dịch vụ thể thao giải trí biển, lặn ngắm san hô sẽ tổ chức các chương trình khám phá du lịch biển, lặn ngắm san hô, vui chơi thể thao giải trí biển. Trong đó, ẩm thực hải sản sẽ kết nối với Chợ Mai (quy hoạch mới) buôn bán các loại hải sản tươi sống và hàng lưu niệm, với 2 phân khu riêng biệt Khu chợ hải sản và các nhà dân phục vụ dịch vụ chế biến, ẩm thực hải sản để bổ trợ lẫn nhau (Với mô hình khách có thể đi chợ và thuê nấu ăn).
Tại khu vực phía Tây đường Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp thuộc 2 phường Thọ Quang, Mân Thái cũng sẽ vận động người dân, quy hoạch sắp xếp tổ chức các loại hình dịch vụ, tiện ích phục vụ du lịch như: khu phố bích họa, nhà dân bán hải sản, loại hình lưu trú homestay, du lịch tín ngưỡng dân gian, điểm bán đặc sản làng nghề truyền thống…
Ông Nguyễn Đức Vũ cũng cho biết, để phát triển du lịch cộng đồng tại bãi biển Thọ Quang - Mân Thái đạt hiệu quả cần phải định hướng thị trường khách phù hợp với mô hình phát triển. Theo đó, sẽ tập trung khai thác thị trường khách nội địa yêu thích loại hình dịch vụ du lịch trải nghiệm, khám phá; đối với thị trường khách quốc tế tập trung vào thị trường khách truyền thống (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc) và thị trường khách tiềm năng (châu Âu, châu Mỹ).
Được biết, phạm vi nghiên cứu, thực hiện Đề án là khu vực ven biển thuộc 2 phường Thọ Quang, Mân Thái (quận Sơn Trà), chiều dài bãi biển khoảng 1,2km từ phía Bắc dự án Fusion Suites Danang Beach đến giáp Nhà trưng bày Hoàng Sa và khu dân cư dọc tuyến phía Tây đường Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp.
Diện tích nghiên cứu của Đề án khoảng 35ha (cách trung tâm TP Đà Nẵng khoảng 8km). Phía Đông: giáp Biển Đông; phía Tây giáp đường Nguyễn Trọng Nghĩa; phía Nam giáp đường Hồ Thấu; phía Bắc giáp đường Phan Bá Phiến. Cơ quan chủ trì Đề án là Sở Du lịch Đà Nẵng. Thời gian thực hiện 5 năm (2019-2023).