Hoãn siết nợ xấu "02", ai hoan hỉ nhất?
Ngày 27/5, NHNN đã ban hành Thông tư số 12/2013/TT-NHNN sửa đổi một số điều của Thông tư số 02/2013/TT-NHNN ngày 21/1/2013 của Thống đốc NHNN quy định về phân loại tài sản có, mức trích và phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Theo lý giải từ phía cơ quan quản lý thì việc điều chỉnh thời gian thi hành Thông tư 02 chính là tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN) tiếp cận vốn vay ngân hàng (NH), hỗ trợ thúc đẩy tín dụng nền kinh tế, giảm mặt bằng lãi suất cho vay... Cùng với đó, NH có thêm thời gian chủ động xây dựng lộ trình thực hiện và chuẩn bị các điều kiện áp dụng đầy đủ hơn thông tư này.
Đón nhận thông tin này, ông Nguyễn Đức Hưởng – Phó Chủ tịch NHTMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) cho rằng, là một bước đi sáng suốt của NHNN trong lúc thị trường đang "rối" vì tín dụng ì ạch thời gian qua. Theo ước tính của ông Hưởng, nếu thi hành Thông tư 02 thì những khoản nợ “sắp xấu” sẽ biến thành nợ xấu, như vậy con số nợ xấu trong hệ thống ngân hàng sẽ tăng khoảng 10-12% nữa.
Ông Hưởng cũng cho rằng, chưa “siết” phân loại nợ không chỉ NH vui mà cả DN cũng “vui lây”, đặc biệt là các DN kinh doanh bất động sản.
Việc gia hạn thời gian áp dụng Thông tư 02 khiến cả ngân hàng và doanh nghiệp thở phào |
Thực tế nếu lúc này nếu các NH buộc phải phân loại và cơ cấu lại nợ thì chắc chắn hầu hết DN sẽ "rớt hạng", bị xếp vào nhóm khách hàng "xấu". Như thế, con số nợ xấu trong hệ thống NH cũng sẽ "dâng" lên rất nhanh. "Con số nợ xấu hiện tại thì có rồi, nhưng nếu “siết” phân loại nợ lúc này thì nợ sắp xấu sẽ trở thành nợ xấu. Như thế, số nợ xấu sẽ tăng lên thêm 10-12% nữa...Hệ quả là xếp hạng DN giảm, cơ hội tiếp cận vốn của DN càng khó khăn hơn"- Phó Chủ tịch LienVietPostBank cho hay.
Ví việc hoãn thời gian thi hành Thông tư 02 như “chiếc bình ôxy cứu DN”, ông Hưởng nhấn mạnh, “NHNN đã hội chuẩn đúng bệnh lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng, đã bốc thuốc phù hợp và tạo điều kiện cho DN tiếp tục thở bình ôxy cứu DN trong khó khăn nhất định. Trong bối cảnh hiện nay cứu DN chính là gỡ khó cho nền kinh tế”- ông nói.
Còn đối với NH, cái lợi cho việc giãn thời gian điều chỉnh thì đã rõ. Các nhà băng sẽ không phải “đau đầu” trong việc tăng trích các khoản trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản nợ xấu mới phát sinh, cũng không phải lo lợi nhuận sụt giảm thêm nữa. Vì thế, trong lúc "cái khó đang bủa vây DN", việc hoãn áp dụng Thông tư 02 được lãnh đạo nhà băng này cho là "tiện cả đôi đường".
Còn TS. Vũ Đình Ánh chia sẻ, đây là sự lựa chọn khôn ngoan của nhà điều hành, bởi nếu áp dụng phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro theo cách mới, “dòng tín dụng giống như vòi nước đang ri rỉ chảy, sẽ ngay lập tức bị “vặn nghẹt” lại. Cả DN và NH đều rơi vào tình trạng “khó chồng khó”.
Trước lo ngại nếu hoãn Thông tư 02 sẽ khiến nợ xấu “càng bị giấu nhẹm, không rõ ràng sẽ khó xử lý”, ông Ánh bày tỏ quan điểm, kể cả khi con số nợ xấu rõ ràng thì cũng không thể một lúc xử lý được hết.
“Ưu tiên xử lý nợ xấu là cấp bách, nhưng không thể vội vàng. Việc thành lập Công ty Quản lý tài sản (VAMC) sẽ là bước đi đầu tiên để xử lý “cục máu đông” này. Xử lý tới đâu, như thế nào thì phải chờ VAMC đi vào hoạt động, rõ hình hài thì mới biết hiệu quả xử lý nợ xấu tới đâu. Tôi muốn nhấn mạnh, trách nhiệm xử lý nợ xấu vẫn phải thuộc các NH, Nhà nước chỉ hỗ trợ xử lý thôi. Còn trước mắt “siết” phân loại nợ ngay, không những không “xử” được nợ xấu cũ mà còn có thể gây ra đổ vỡ cả hệ thống” – chuyên gia Vũ Đình Ánh chia sẻ.
Có thể thời điểm hiện tại gia hạn thêm thời gian phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro theo chuẩn mới của cơ quan quản lý là sự lựa chọn tình thế khôn ngoan, nhưng về lâu dài việc xử lý nợ xấu là yêu cầu bắt buộc.
Trong một nghiên cứu công bố mới đây về tình hình kinh tế Việt Nam của một nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, các chuyên gia cho rằng, rõ ràng Việt Nam đã và đang trải qua những năm tháng mà nhiều cơ hội tăng trưởng nhanh đi liền với cải cách kinh tế đã bị bỏ lỡ.
Nợ xấu tính tới tháng 2/2013 là khoảng 180.000 -300.000 tỷ đồng, như vậy không thể chần chừ thêm nữa trong việc xử lý “cục máu đông” này. Có “dọn dẹp” sạch được nợ xấu, cắt bỏ những chỗ đau thì dòng tiền mới khơi thông, DN mới “khỏe” trở lại, nền kinh tế mới phát triển bền vững.