Hoa văn Đại Việt và câu chuyện về 8x, 9x quyết bảo tồn mỹ thuật truyền thống
Hơn 250 mẫu hoa văn Đại Việt từ thời Lý đến thời Nguyễn đã được sưu tầm và từng bước đi vào cuộc sống hiện đại qua các sản phẩm ứng dụng như quần áo, lịch để bàn, bao lì xì, móc chìa khóa…
Những 8x, 9x quyết bảo tồn mỹ thuật truyền thống
Hơn 3 năm trước, một cuộc thi vẽ truyện tranh lịch sử được tổ chức với sự tham gia của đông đảo giới trẻ, nhưng vấn đề nan giải xuất hiện, đó là tìm kiếm trên mạng chỉ toàn ra hoa văn Trung Quốc và các nước lân cận trong khu vực.
Một số bạn trẻ trong nhóm Đại Việt Cổ Phong đã nảy sinh ý tưởng triển khai dự án gây quỹ cộng đồng (crowdfunding) nhằm sử dụng công nghệ vector để vẽ lại toàn bộ các hoa văn cổ tiêu biểu của Việt Nam với mong muốn bảo tồn, tôn vinh những hoa văn phổ biến, biểu trưng và đặc sắc trong mỹ thuật truyền thống qua các triều đại phong kiến tự chủ (từ thời Lý đến thời Nguyễn). Và dự án hoa văn Đại Việt đã ra đời.
Nhà sử học Dương Trung Quốc đánh giá cao ý nghĩa của dự án Hoa văn Đại Việt. |
Lúc đầu, các bạn trẻ chỉ đặt mục tiêu 100 triệu đồng, nhưng thật bất ngờ, chỉ trong vài tháng, tổng số tiền gây quỹ đã đạt gần 200 triệu đồng. Với số vốn đó, nhóm dự án đã bắt tay vào việc sưu tầm, nghiên cứu. Kết quả là 250 vector hoa văn Đại Việt được tổng hợp, đưa vào sách chú thích Hoa Văn Đại Việt, sách tô màu Hoa Văn Đại Việt, và nhiều sản phẩm ứng dụng hiện đại như: Lịch tết, lì xì, áo phông, móc chìa khóa, ốp điện thoại…
Kể về hành trình làm dự án, Nguyễn Ngọc Huyền, sinh viên K59 Khoa Lịch sử, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội nhớ lại: “Chúng em đã dành rất nhiều tâm sức. Đầu tiên là phải nghiên cứu, xác định số lượng hoa văn của từng triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn, chọn các loại hoa văn hóa lá, hoa văn động vật, hoa văn con người nổi bật của từng triều đại. Sau đó mới đi tìm trong sách cũng như trên thực tế ở các bảo tàng, di tích… Đến giờ, nhóm dự án đã sưu tầm được 250 mẫu hoa văn Đại Việt, trong đó có cả những mẫu hoa văn được tìm thấy trong thực tế chưa từng có trong sách”.
Triển lãm về Hoa văn Đại Việt thu hút sự quan tâm của nhiều bạn trẻ. |
Các mẫu hoa văn Đại Việt có hai trường phái: cung đình và dân gian. Hoa văn cung đình thì xa hoa, cầu kỳ, còn hoa văn dân gian lại rất giản dị, thuần phác. “Hoa văn của mỗi thời kỳ có một đặc trưng riêng. Chẳng hạn đầu rồng thời Trần có cả nét Trung Hoa và Chăm-pa, nhưng Trung Hoa và Chăm-pa đều không có đầu rồng như thế, chỉ riêng có ở Đại Việt.
Việc dựng véc-tơ của nhiều loại hoa văn Đại Việt khá mất công, nhất là mẫu phượng bào của hoàng hậu nhà Nguyễn: Tư liệu chỉ có trong sách, cần phải scan lại trang sách này để nhân viên thiết kế làm, nhưng người thiết kế không thông thạo lịch sử văn hóa truyền thống nên có một số đường nét họ không luận ra được, nhóm làm dự án phải hướng dẫn vẽ lại những chỗ khó đó”, Nguyễn Ngọc Huyền kể thêm.
Đưa nét hoa văn cổ vào đời sống hiện đại
Với 250 mẫu hoa văn Đại Việt trong tay, nhóm dự án đã chia sẻ miễn phí 200 véc tơ hoa văn số hóa để cộng đồng có thể sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau như thiết kế, đồ họa... Ngay sau khi nhóm dự án công bố những véc tơ này, nhiều hoa văn đã được các tổ chức, cá nhân khác sử dụng để làm các sản phẩm như trang phục, đồ lưu niệm, hộp đựng bánh kẹo, quà tặng... Cũng có đoàn làm phim liên hệ với nhóm để nhờ tư vấn hoa văn cho trang phục cổ.
“Nhóm dự án Hoa Văn Đại Việt muốn tạo một nguồn tư liệu phong phú cho những người làm sáng tạo, văn hóa ở Việt Nam với hy vọng thời gian tới, Việt Nam sẽ có những tác phẩm đặc trưng văn hóa Việt có tầm vóc, chống lại sự xâm lăng văn hóa (thông qua văn học, phim ảnh…) của các nước lân cận trong khu vực”, Nguyễn Thanh Hiếu bày tỏ. |
50 hoa văn đặc biệt còn lại là quà tặng cho những người đóng góp trên 500.000 đồng trong quá trình gây quỹ của nhóm Đại Việt Cổ Phong, kèm theo sách chú thích Hoa văn Đại Việt.
“Lúc làm dự án, chúng em cũng băn khoăn về việc mất rất nhiều công sức vẽ lại hoa văn rồi nhưng nhiều người vẫn không biết đến hoa văn đó hoặc dùng tùy tiện. Không loại trừ tình huống có người dùng hoa văn không chính xác, có thể phạm húy. Bản thân em từng thấy có bạn may đồ cách tân, dùng nguyên hoa văn phượng ổ trên áo công chúa nhà Nguyễn nhưng lại may vào phần dưới váy, nhìn phản cảm. Vì thế, nhóm dự án đã quyết định phải làm sách chú thích, giải thích cho mọi người biết rõ hoa văn này biểu tượng thế nào, tượng trưng cho điều gì, nên được dùng ở đâu, nơi trang trọng hay dân dã…Sau 3 năm, mới đây, nhóm dự án đã tái bản cuốn sách chú thích này để có thêm nhiều người hiểu đúng, dùng đúng hoa văn Đại Việt trong đời sống”, nữ sinh khoa Lịch sử chia sẻ.
Không chỉ dừng ở đó, các bạn trẻ 8x, 9x trong nhóm dự án còn mạnh dạn sáng tạo ra nhiều sản phẩm hiện đại có ứng dụng hoa văn Đại Việt.
Danh mục sản phẩm có ứng dụng hoa văn Đại Việt khá đa dạng, từ quần áo đến lịch để bàn, phong bao lì xì... |
Trao đổi với PV Infonet, Nguyễn Thanh Hiếu, từng học chuyên ngành Thiết kế đồ họa của Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, thành viên của nhóm dự án khẳng định: “Chúng em muốn đưa hoa văn tiếp cận gần hơn đời sống hiện đại chứ không đơn thuần là chỉ phục dựng, tái hiện hoa văn cổ. Việc đưa hoa văn Đại Việt ứng dụng vào những sản phẩm thân thiện với đời sống sẽ khiến những nét hoa văn cổ đến với cộng đồng một cách dễ dàng hơn. Hiện giờ, danh mục sản phẩm có ứng dụng hoa văn Đại Việt được nhóm dự án thương mại hóa đã khá đa dạng như: Lịch để bàn, lì xì, các mẫu áo puddy, áo nỉ… đa số là các sản phẩm hướng đến giới trẻ”.
“Đa số hoa văn đã đẹp sẵn, đưa lên sản phẩm rất dễ bắt mắt. Chúng em đã cẩn thận lọc hoa văn đẹp nhất để đưa vào các sản phẩm như lịch, phong bao lì xì, sổ tay, bìa sách… Không chỉ dừng ở việc đơn thuần bán sản phẩm, dự án của chúng em còn mong muốn có thể gây dựng được cộng đồng chia sẻ hoa văn, đặc biệt là tiến tới đưa các sản phẩm ứng dụng hoa văn Đại Việt vào ngành du lịch, góp phần quảng bá hình ảnh, văn hóa Việt Nam ra thế giới”, Nguyễn Thanh Hiếu tâm sự.
Một dự án nhiều ý nghĩa Đối với công cuộc phục cổ thì dự án Hoa Văn Đại Việt tạo cơ sở thực hiện các dự án, chương trình phục cổ như phim lịch sử, dã sử, truyện tranh có yếu tố lịch sử... Việc phục chế các hoa văn cổ sẽ là bước nền quan trọng để nghiên cứu và phục dựng các khía cạnh phức tạp hơn của văn hóa truyền thống dân tộc như trang phục, kiến trúc, đồ dùng. Đối với nghiên cứu văn hóa, việc nghiên cứu nguồn gốc, ý nghĩa biểu trưng của các hoa văn cũng là một yếu tố quan trọng giúp tiếp cận dễ dàng hơn tới các vấn đề khác của lịch sử-văn hóa, tín ngưỡng. Đối với việc ứng dụng vào các sản phẩm thiết kế hiện đại, việc số hóa kho tàng hoa văn xưa của người Việt nhằm tạo nên một cộng đồng chia sẻ hoa văn online mang tính bài bản, chuyên nghiệp, đưa những hoa văn đó vào các sản phẩm thiết kế phục vụ cho các ngành công nghiệp in ấn, chế tạo, phim ảnh... |