“Hoa tiêu” trên núi Bà Đen
Đến Khu di tích lịch sử văn hoá, danh thắng và du lịch núi Bà Đen (Khu du lịch núi Bà), tôi thường nghe các nhân viên ở đây kể về một người đàn ông tên Mạnh, sống lâu năm trên lưng chừng núi Bà. “Ông ấy rành núi Bà như lòng bàn tay. Mỗi khi có người bị thương, lạc đường hay tử vong trên núi, các nhân viên bảo vệ núi đều nhờ ông ấy giúp đỡ”- anh Sang, nhân viên Công ty cổ phần Cáp treo núi Bà kể như vậy.
Ông Mạnh tình nguyện quảy giùm chiếc ba lô nặng gần cả chục ký của một sinh viên. |
Bị cuốn hút bởi những câu chuyện về người đàn ông trên sườn núi, một ngày cuối tuần tôi quyết định leo núi tìm ông. Những ngày giữa tháng ba, nắng nóng lên mức đỉnh điểm. Ban ngày, núi Bà toả hơi nóng hầm hập cứ như hòn than đang cháy. Phía sau chùa Bà có một đường lên đỉnh núi. Con đường này chỉ mới có một đoạn ngắn khoảng 100m được xây bậc tam cấp. Phần còn lại đều là đường đá nguyên sơ, gập ghềnh, khó đi, muốn lên đỉnh núi nhiều lúc phải đu mình theo rễ cây, phải chui qua bụi rậm hoặc bò trên những tảng đá lớn.
Mất gần hai giờ mướt mồ hôi leo trèo, tôi mới gặp được ông Mạnh. Ông đang trông coi vườn cây ăn trái trên sườn núi và phụ vợ buôn bán trong một quán giải khát nhỏ ven đường. Đó là một người đàn ông có gương mặt sạm đen vì nắng gió, thân hình hơi bệ vệ không giống với sự tưởng tượng của tôi. Cứ ngỡ với thân hình như vậy, ông khó mà leo trèo một cách nhanh nhẹn, dẻo dai được trên địa hình dốc núi hiểm trở. Nhưng qua một ngày leo núi với ông, tôi mới nhận ra mình đã lầm.
Tên đầy đủ của ông là Lê Văn Mạnh, sinh năm 1964, ngụ khu phố Ninh Trung, phường Ninh Sơn, TP. Tây Ninh. Khoảng năm 1980, vợ chồng ông Mạnh lên núi Bà trồng cây ăn trái. Hiện họ có khoảng 3 ha vườn cây gồm các loại chuối, xoài, mãng cầu... Hai ông bà có cất một quán nhỏ ven đường để những lúc nông nhàn bán thức ăn, nước uống cho du khách lên xuống núi. Vừa làm vườn, vừa bán quán nên hơn 30 năm nay, vợ chồng ông Mạnh có mặt trên núi nhiều hơn ở nhà. Ngoài việc làm vườn, phụ vợ buôn bán, ông Mạnh còn cùng với một số người chuyên sống bằng nghề bốc vác thuê trên núi đi làm công quả, bằng cách đi tìm nguồn nước dẫn xuống cho các chùa. Chính vì thường xuyên leo trèo khắp nơi để tìm mạch nước nên ông Mạnh rành rẽ tất cả các ngõ ngách trên núi.
Hỏi về việc cứu hộ, cứu nạn, ông Mạnh kể: mỗi khi được đội bảo vệ núi báo tin “cầu viện” nhờ hỗ trợ tìm kiếm du khách đi lạc trên núi, thì việc đầu tiên mang tính chất quyết định mà ông cần phải biết là số điện thoại của nhóm người bị lạc, bị nạn. Ông nói: “Tôi sẽ gọi điện ngay cho nhóm người đó, hỏi xem họ xuất phát từ đâu, đã đi về hướng nào. Sau đó, tôi bảo họ quan sát xung quanh xem có những đặc điểm gì.
Ví dụ như cây to nhất ở đó là cây gì? Tảng đá to nhất ở đó có hình dáng như thế nào? Ở gần đó có dòng suối, bụi tre, bụi lồ ồ nào không?”. Từ những lời mô tả của người gặp nạn, ông Mạnh có thể dễ dàng hình dung được vị trí họ đang có mặt. Ông lập tức bảo họ dừng chân ngay tại đó, tìm củi đốt lửa lên, dĩ nhiên là phải nhắc họ nhớ cẩn thận canh chừng củi lửa để khỏi gây tai hoạ cháy rừng. Nếu người bị lạc sức lực còn khoẻ, ông chỉ cần tìm đến nơi để dẫn họ xuống núi. Gặp trường hợp du khách đã kiệt sức, hết thức ăn nước uống hoặc bị thương, bị nạn, ông cấp tốc đem lương thực, thực phẩm đến ứng cứu, đồng thời hướng dẫn đường đi cho đội bảo vệ đến trợ giúp.
Ông Mạnh kể lại một kỷ niệm khó quên của mình: mấy năm trước, có một thanh niên tên Minh ở TP. Hồ Chí Minh chuyên dẫn khách đi tour đưa một đoàn 13 người leo lên đỉnh núi Bà. Anh Minh có đem theo la bàn cùng những dụng cụ cần thiết nhưng không hiểu sao đoàn lại bị lạc, đến tối vẫn không xuống núi được. 8 giờ tối, anh Minh mới gọi điện thoại cầu cứu Công ty Du lịch Tây Ninh.
Công ty gọi cho ông Mạnh và đội bảo vệ nhờ giúp đỡ. Ông Mạnh lập tức liên lạc với anh Minh. Nghe qua lời miêu tả cảnh vật xung quanh của anh này, ông xác định được ngay khu vực đoàn bị lạc. Theo lời ông Mạnh hướng dẫn, anh Minh cũng đốt lửa lên làm hiệu nhưng vì quá cẩn thận anh lại đốt lửa… trong hốc đá, báo hại ông Mạnh mệt bở hơi tai mới tìm ra được. Tìm ra rồi, ông cùng đội bảo vệ đưa được đoàn du khách xuống đến ga cáp treo thì đã 3 giờ sáng.
Các thành viên trong đoàn khách bị lạc có gửi tiền bồi dưỡng công sức cho ông Mạnh nhưng ông không nhận. Sau lần đó, khi có dịp trở lại núi Bà, các vị khách nói trên đã ghé thăm, tặng ông Mạnh cùng các anh em trong đội bảo vệ mỗi người một cây đèn pin và một chiếc ao sơ mi nhãn hiệu Việt Tiến. “Hiện giờ tôi vẫn còn cất giữ chiếc áo ấy như một kỷ niệm đẹp”- ông Mạnh nói.
Nhưng không phải kỷ niệm nào cũng đẹp. Có những vụ mà đến nay, mỗi lần nhớ lại, ông Mạnh vẫn còn cảm thấy thương tâm. Một lần nọ, có một học sinh lớp 8, nhà ở xã Hiệp Tân, huyện Hoà Thành trong lúc đi chơi trên động Thanh Long không may bị trượt chân té ngã, đập đầu vào đá, bất tỉnh. Nhận được tin báo, ông Mạnh tức tốc chạy cắt ngang sườn núi tìm đến nơi. Nhìn thấy em này bị thương quá nặng, ông liền cõng lên vai, chạy một mạch tới nhà ga cáp treo, rồi theo cáp treo đưa nạn nhân xuống núi, xong lại theo xe ô tô đưa em này vào bệnh viện cấp cứu. Chỉ tiếc là do vết thương quá nặng, nạn nhân đã không qua khỏi. “Về đến nhà, tôi mới nhận ra chiếc áo của mình dính đầy máu”, người đàn ông dày dạn phong sương thở dài, bỏ dở câu chuyện.
Ông Mạnh không nhớ hết đã tham gia cứu nạn, cứu hộ bao nhiêu lần, bao nhiêu người. Ông chỉ nhớ rằng, cứ khi nào nhận được tin báo là cho dù đang bận việc gì, bất kể ban đêm hay ban ngày, trời mưa hay trời nắng ông đều tức tốc lên đường. Kể cả những vụ khiêng vác thi thể người tự tử, thân thể đã phân huỷ, bốc mùi hôi thối, ông cũng từng tham gia. Theo lời ông, muốn làm công việc cứu nạn, cứu hộ trên núi không chỉ cần có sức khoẻ và lòng nhiệt tình là đủ, mà còn phải có kinh nghiệm đi núi.
Bởi trên núi không phải lúc nào cũng sẵn có các bậc tam cấp, nhiều lúc phải vượt qua các tảng đá nằm chồng lên nhau một cách chông chênh, mà nếu như thiếu kinh nghiệm để bước đi sẽ dễ gây nguy hiểm cho chính mình và cho những người ở phía dưới. Có những tảng đá trong quá tình rơi xuống bị mắc lại do vướng dây leo, chỉ cần chút sơ sẩy, thiếu quan sát, nắm lấy sợi dây leo ấy giật lên… là coi như chuốc hoạ. Ông Mạnh chia sẻ kinh nghiệm của mình: “Mỗi lần đi dẫn đường tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn nếu gặp dây rừng giữa lối đi là tôi cẩn thận nắm dây rung lắc thử, nếu có tảng đá nào đang mắc kẹt thì chủ động cho nó lăn xuống trước, tránh gây nguy hiểm cho những người đi sau”.
Đang chuyện trò, ông Mạnh bảo tới giờ phải đi cõng trái cây, nước ngọt lên cho quán nước của người em ở phía trên đỉnh núi. Tôi xốc lại hành trang, hăm hở theo ông leo núi. Có dịp so tài, mới thấy lão nông có tướng tá bệ vệ ấy quả thật có sức khoẻ hơn người. Ông cõng trên vai hơn 30 ký lô thức ăn, nước uống mà vẫn phăm phăm bước trên dốc đá. Tôi trẻ hơn ông tới mười tuổi, hành trang gọn nhẹ, chỉ có chiếc máy ảnh và quyển sổ, thế mà bị ông bỏ rơi tuốt luốt phía sau. Mãi gần cả giờ sau tôi mới đến đích. Nghỉ ngơi chưa bao lâu, ông Mạnh lại xuống núi để trở về chỗ cũ phụ vợ buôn bán. Trên đường đi xuống, thấy có một cô gái (nghe nói là sinh viên ở TP. Hồ Chí Minh) đang ì ạch cõng túi hành trang, ông liền tình nguyện quảy giùm chiếc ba lô nặng gần cả chục ký và cứ thế thong dong bước.
Nói về ông Mạnh, anh Trần Văn Hưởng- Đội trưởng Đội bảo vệ núi Bà cho biết: “Ông ấy là người rất nhiệt tình trong công tác chỉ đường, cứu nạn, tìm người mất tích. Nhờ sự hỗ trợ của ông Mạnh mà chúng tôi đã nhanh chóng tìm được những người đi lạc cả ban ngày lẫn ban đêm”.
Với những đóng góp thầm lặng của mình, những năm qua, ông Mạnh được nhiều người yêu mến đặt cho biệt danh là “hoa tiêu trên núi”.
Theo Đại Dương/Báo Tây Ninh