Họa sĩ Vũ Tuyên: Tôi chưa từng hối tiếc vì việc bỏ học đại học giữa chừng
Tìm đam mê từ những trang vẽ nghịch ngợm
Sinh năm 1977 tại Hà Nội, cậu bé Vũ Tuyên đã thích những nét vẽ những mảng màu từ thuở nhỏ. Anh kể lại: “Tôi vẫn còn nhớ ngày ấy tôi thích vẽ lắm, ngồi trong lớp thì chẳng tập trung học mà chỉ ngồi vẽ linh tinh, vẽ khung cảnh,... tôi vẽ ở bất kì nơi đâu, bất kì lúc nào. Lúc ấy tôi chỉ có điều kiện để vẽ bằng bút bi, bút chì và với vài mẩu giấy thừa mà thôi”.
Họa sỹ Vũ Tuyên |
Cậu bé Vũ Tuyên đã trải qua những ngày thỏa niềm yêu thích của mình ghế nhà trường với những dịp làm bích báo, những cuộc vui thể hiện tài vẽ trước bạn bè. Tốt nghiệp cấp 3, Vũ Tuyên thi đậu vào Đại học Giao thông vận tải nhưng rồi, học được 2 năm, Vũ Tuyên cảm thấy không muốn tiếp tục học nữa, lúc này khát vọng được vẽ, được đến với hội họa đã khiến anh khước từ những kế hoạch về tương lai và công việc mà bố mẹ anh đã "vẽ" ra cho mình.
Vẫn biết bỏ học sẽ phải hứng chịu hình phạt từ bố mẹ, nhưng Vũ Tuyên vẫn muốn tự khẳng định sự độc lập của mình bằng cách sang làng nghề Bát Tràng làm thợ nặn tượng, vẽ trên gốm cho các chủ làng nghề. Đây cũng là thời gian anh học được nhiều từ cuộc sống cũng như từ công việc ít nhiều dính dáng tới nghệ thuật.
Sau một thời gian làm ở Bát Tràng, anh quyết định đi học sơn mài ở Duyên Thái (huyện Thường Tín). Ở đây, anh được tiếp xúc với các nghệ nhân, với cách làm vóc, gắn dán chất liệu màu, mài và đánh bóng tranh…
Nỗi đam mê hội họa ngày càng trở nên rõ nét trong Vũ Tuyên. Đến tận bây giờ, anh vẫn nói với một niềm tin vững chắc: “Tôi chưa từng hối tiếc về việc bỏ học đại học. Tôi nghĩ, mỗi một việc trên đời đều có nhân duyên”.
Quyết tâm với ngòi cọ, anh vừa học vẽ vừa đi làm thêm đủ nghề từ bốc vác, phụ hồ, chạy bàn để vừa tự lo cho bản thân, vừa có tiền đi học. Theo lời anh kể, những năm cuối thế kỷ 20, tiền vẫn còn có giá, ngày ấy một bữa ăn chỉ khoảng 3-4.000 đồng nhưng một buổi học vẽ anh phải bỏ ra 10.000-15.000 đồng. “Gia đình tôi làm công nhân nên cũng không có điều kiện cho mình đi học. Ngày ấy học vẽ gần như chỉ dành cho giới thượng lưu học thôi”, anh Tuyên chia sẻ.
Đến với hội họa giống như một lối để anh tìm ra chính mình. |
Năm 1999, Vũ Tuyên thi đỗ vào khoa Hội họa của trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội (nay là trường Đại học Thủ đô). Đến năm 2002 anh ra trường, được nhận về dạy vẽ tại trường tiểu học và Trung học Yên Mỹ. Năm 2005, nhận lời mời của phòng Giáo dục quận Hoàng Mai, anh về dạy vẽ tại trường Tiểu học Đền Lừ.
Công việc dạy học cũng mang đến nhiều niềm vui, nhưng rồi một lần nữa, Vũ Tuyên lại cảm thấy không phù hợp. Cái chất nghệ sĩ trong anh không muốn sống trong một môi trường có tính chất mô phạm, hết ngày này sang ngày nọ vẽ đi vẽ lại một hình ảnh, nắn nót từng nét bút, tỉ mỉ và kiên nhẫn với từng nét vẽ nguệch ngoạc của học trò mà muốn quẫy đạp ở một nơi rộng lớn hơn, tự do hơn.
Chính vì vậy, Vũ Tuyên quyết định rời bỏ nghề giáo viên, sau đó anh bắt tay mở một xưởng làm phù điêu, vẽ tranh.
Triển lãm "Tìm": Tìm một hướng đi, tìm về bản ngã
Năm 2010, sau khi anh bỏ công việc làm xưởng phù điêu cũng là thời điểm Vũ Tuyên chính thức "bấm nút" khởi động cho mình trên con đường hội họa. Anh dành nhiều thời gian trong ngày để vẽ. Càng vẽ anh càng nhận ra rằng đây mới chính là con đường mà mình vẫn luôn tìm kiếm bấy lâu nay.
Trải qua thời gian dài, anh dần tìm ra được hướng vẽ và phong cách vẽ của mình. Mới đây, họa sỹ Vũ Tuyên đã tổ chức cho mình một triển lãm tranh mang một cái tên rất lạ “Tìm”. Anh cho biết, bản thân việc đi tìm tên cho một buổi triển lãm cũng giống như một cái nhân duyên. Với quan điểm, còn sống còn vẽ, còn đi 'tìm' những cái mới trong cuộc sống, vũ trụ, thiên nhiên, con người và chính bản thân mình..., ý nghĩa của "Tìm" trong triển lãm tranh lần này của Vũ Tuyên chính là như vậy.
Bức tranh mang tên "Yêu thương" lấy chủ đề hoa sen để tả về con người. Theo lời họa sĩ, đây là bức tranh thể hiện tình cảm gia đình, đài sen lớn là những lớp lớn, đài nhỏ ở dưới là con cháu lớp trẻ. Người lớn trong gia đình luôn che chở, bảo vệ cho con cái trước những sóng gió, khó khăn. |
Số tranh về chủ đề hoa sen chiếm một phần lớn trong buổi triển lãm, đây cũng chính là dòng tranh thể hiện phong cách của anh. Vũ Tuyên kể: “Tôi đã vẽ rất nhiều hoa, mỗi loài hoa lại có một vẻ đẹp riêng. Trước đây khi còn làm phù điêu, tình cờ là tôi đã vẽ phác thảo rất nhiều mẫu hoa sen. Rồi khi vẽ thì tôi lại vẽ thử hoa sen thì nhận thấy đây là loài hoa hợp với mình, hợp với tranh và hợp với cả tâm hồn thiền định của mình”.
Điểm đặc biệt trong tranh sen của Vũ Tuyên đó là anh dùng hoa sen để kể chuyện của con người, ít đưa vào những tâm lý tiêu cực mà thường chỉ dùng với những suy nghĩ tích cực, tươi sáng của con người vào mỗi bức tranh sen. Với cái tâm còn sống, còn vẽ, còn đi tìm, Vũ Tuyên vẫn luôn trân trọng và tìm về những giá trị mộc mạc lẩn khuất đâu đó trong xứ hoa lệ này.
Anh nói: “Tôi nhớ những ngày được về Thường Tín ở với bà nội. Tôi nhớ dáng lưng còng của bà, nhớ cổng làng cũ kĩ trầm mặc như khắc tạc vào dáng quê ở đó từ nghìn năm, nhớ về tuổi thơ của tôi trước nỗi sợ khi nhìn thấy con ngan sùi mào đi lạch bạch khắp sân tìm thứ gì đó để mổ… Tôi nhớ lắm những ảnh hình bình dị của làng mạc, thôn quê, cái đang dần bị chìm khuất đi bởi cuộc sống đô thị”.
Triển lãm "Tìm" của họa sĩ Vũ Tuyên được tổ chức tại tầng 1 - Trung tâm triển lãm nghệ thuật số 16, Ngô Quyền.
Tại triển lãm lần này, họa sĩ Vũ Tuyên giới thiệu khoảng hơn 50 bức tranh với nhiều chủ đề khác nhau.