Hỗ trợ DN sau đại dịch: Xem xét kéo dài đến hết năm 2022 - 2023
Hỗ trợ tín dụng đi kèm hỗ trợ các chương trình đầu tư cần thiết cho doanh nghiệp, đặc biệt là tạo điều kiện cho vay ngắn hạn với lãi suất ưu đãi nhằm giảm chi phí vốn là kiến nghị giải pháp tháo gỡ cho DN hàng không
Hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh trong đại dịch là vấn đề nóng hiện nay.
Theo ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đồng hành với người dân, doanh nghiệp Đảng, Nhà nước và Chính phủ luôn thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn, thách thức mà cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đang đối mặt.
Nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực từ miễn, giảm, giãn các khoản thuế, tiền thuê đất; cắt giảm thủ tục hành chính; hỗ trợ lãi suất,… liên tục được Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành ban hành để giúp cho các doanh nghiệp, người dân vượt qua những khó khăn như Nghị định 52, Nghị định 75, các Nghị quyết 84/NQ-CP, Nghị quyết số 42/NQ-CP, Nghị quyết 68/NQ-CP.
Hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh... (Ảnh minh họa) |
Mới đây nhất, ngày 19/10, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết số 406 về một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19. Trong đó quy định cụ thể về 4 giải pháp miễn, giảm thuế của năm 2021 với 3 lần đầu tiên được áp dụng. Đó là giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn thuế phải nộp phát sinh trong các quý 3 và 4 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh; giảm mức thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa, dịch vụ trong một số ngành nghề và miễn tiền chậm nộp.
“Đây là một trong những chính sách quan trọng hỗ trợ doanh nghiệp, để doanh nghiệp có thể sớm vượt qua khủng hoảng của Covid-19.
Tuy nhiên, để cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục phục hồi, các chính sách hỗ trợ cũng cần đồng bộ và thống nhất để chính những chính sách này cộng hưởng sức mạnh. Trên phương diện kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh cũng phục vụ trực tiếp cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế, ổn định đời sống xã hội”, ông Vinh kiến nghị.
Ông Bùi Doãn Nề, Tổng Thư ký Hiệp hội Hàng không Việt Nam chia sẻ, sau đại dịch, hướng ưu tiên của các doanh nghiệp hàng không là tiếp tục tiết kiệm chi phí. Do đó, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nên xem xét, kéo dài đến hết năm 2022, thậm chí đến hết năm 2023.
Đồng thời, hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp để họ cải thiện dòng tiền và có vốn hoạt động. Hỗ trợ các chương trình đầu tư cần thiết cho doanh nghiệp, đặc biệt là tạo điều kiện cho vay ngắn hạn với lãi suất ưu đãi cho các hãng hàng không trong nước nhằm giảm chi phí vốn.
Ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Quản lý thuế Doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế, (Bộ Tài chính) cho biết, năm nay, Chính phủ cũng đã trình Quốc Hội cho phép doanh nghiệp được giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp của năm 2021.
Tuy nhiên, ông Phụng cho rằng, do nguồn lực của đất nước có hạn, nên việc giảm thuế này chỉ áp dụng đối với những doanh nghiệp có mức doanh thu năm dưới 200 tỷ đồng, đồng thời doanh thu năm 2021 phải thấp hơn doanh thu năm 2019.
“Có rất nhiều kiến nghị xoay quanh chính sách này, tuy nhiên phải lý giải rằng các doanh nghiệp đang hoạt động có rất nhiều loại hình, nếu hỗ trợ cho tất cả các doanh nghiệp, thì nguồn thu ngân sách sẽ không bảo đảm. Do đó, trong lúc khó khăn những doanh nghiệp nhỏ và vừa, dễ bị tổn thương cần được hỗ trợ nhiều hơn.
Cho dù biết rằng, doanh nghiệp lớn có khó khăn lớn, doanh nghiệp nhỏ có khó khăn nhỏ, nhưng đứng về lĩnh vực tài chính ngân sách, thì nguồn lực quốc gia chưa đủ, chưa có điều kiện để chia sẻ với doanh nghiệp lớn bằng tiền mặt, vì vậy sẽ chia sẻ bằng cơ chế chính sách, bằng những động thái để tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể phát triển, phục hồi nhanh”, ông Phụng nói.
Ngoài ra, trong năm 2020, đã có trên 30 loại phí và lệ phí liên quan đến hoạt động doanh nghiệp có ảnh hưởng bởi Covid-19 đã được giảm từ 30-70% và điều này đã tác động rất lớn đến các doanh nghiệp. Sáng ngày 27/10, Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 92/NĐ-CP, để triển khai thực hiện Nghị quyết 106 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, đây là một tín hiệu tốt đối với các doanh nghiệp trong thời gian tới.
Tuy nhiên, theo ông Phụng, cần có một số giải pháp chính sách cần thực hiện như có những giải pháp về vĩ mô, quyền kinh doanh, chi tiêu công mà doanh nghiệp có cơ hội tham gia triển khai để tăng sức lan toả.
“Phải có chính sách đồng bộ, tránh tình trạng xung đột, triệt tiêu lẫn nhau. Cần phải ngồi lại với nhau để bảo đảm sự thống nhất và tính khả thi để doanh nghiệp có thể thực hiện.
Cần tiếp tục kêu gọi doanh nghiệp tham gia và chia sẻ cùng Chính phủ trong việc phòng chống dịch bệnh. Đã đến lúc phải huy động nguồn lực của người dân, trong đó có sự đóng góp của doanh nghiệp”, ông Phụng cho hay.
Khôi Nguyên
* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.