Ho ra máu sau khi khỏi Covid-19, chàng trai hoảng hồn với kết luận của bác sĩ
Nhiễm Covid-19 không có biểu hiện nặng nhưng sau 2 tuần khỏi bệnh anh T. ở Hà Nội vẫn ho nhiều kèm khạc ra máu. Đi khám, anh ngã ngồi khi bác sĩ kết luận bệnh.
BS. Đào Huy Hiếu (thành viên Nhóm Bác sỹ quân y hỗ trợ online chăm sóc, điều trị F0 tại nhà, người có nhiều kinh nghiệm chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh) cho biết, mới đây anh đã cấp cứu, điều trị thành công cho một ca bệnh đặc biệt bị huyết khối (đông máu) do nhiễm Covid-19.
Bệnh nhân là nam 25 tuổi ở Hà Nội, cao 174 cm nặng 75kg. Bệnh nhân có tiền sử rối loạn lipid. Các chỉ số mỡ máu (Cholesterol) và tiểu đường (Glucose) của bệnh nhân này cũng rất cao. Bệnh nhân mới khỏi Covid-19 được 2 tuần, đến khám bệnh vì ho và khạc ra máu.
Ảnh minh hoạ |
Bệnh nhân được xét nghiệm D-dimer (chỉ số huyết khối trong máu) kết quả tăng khá cao. Ở người bình thường chỉ số này là 0-500 ng/mL thì chỉ số của bệnh nhân này lên tới 4.665 ng/mL.
"Chúng tôi nghĩ đến huyết khối phổi nên tiếp tục chụp CT và cho kết quả huyết khối hoàn toàn động mạch phổi phải", BS. Hiếu thông tin.
Ngay sau đó, bệnh nhân đã được điều trị tiêu sợi huyết thành công. Nhờ chẩn đoán kịp thời nên bệnh nhân đã thoát chết trong gang tấc. Hiện sức khoẻ bệnh nhân ổn định.
Từ trường hợp trên, BS. Hiếu đưa ra lời khuyên: Người bệnh sau khi âm tính với Covid-19 mà vẫn ho kéo dài, không cắt được cơn, có nhịp tim nhanh kèm theo khó thở và đặc biệt ho ra máu thì nên đi khám càng sớm càng tốt để tránh biến chứng đáng tiếc do hậu Covid-19.
Đặc biệt, nhóm có nguy cơ cao như người bệnh nền (huyết áp, mở máu, tiểu đường...) thì nên đi khám trước khi có triệu chứng xảy ra.
BS. Hiếu nhận định, thời gian gần đây người dân khá chủ quan vì cho rằng nhiễm Covid -19 không sao. Nhưng thực tế BS. Hiếu đã từng chứng kiến nhiều người sau khi khỏi Covid-19 vẫn ho nhiều và trầm cảm nhưng vẫn không chịu đi khám vì truyền tai nhau là hậu Covid không sao.
"Mọi người đang có tâm lý chủ quan khi mắc bệnh. Tất nhiên chúng ta không bi quan nhưng đừng chủ quan khi nhiễm bệnh mà cần theo dõi kỹ sức khoẻ sau khi nhiễm Covid-19. Hậu Covid-19 xảy ra chủ yếu ở nhóm không điều trị thuốc kháng virus ngay từ đầu.
Nhiều người không dùng thuốc kháng virus biểu hiện và triệu chứng từ nhẹ đến nặng. Ho kéo dài cả đêm, dẫn đến không ngủ được, viêm loét dạ dày. Thậm chí có người sinh trầm cảm, suy nghĩ tiêu cực, nghĩ đến việc tự tử. Vì thế, không nên chủ quan với hậu Covid-19", BS. Hiếu cảnh báo.
Với những bệnh nhân bị huyết khối phổi nếu không phát hiện sớm và xử trí, cục máu đông có thể gây hoại tử mô phổi dẫn đến suy hô hấp và tử vong. Theo các nghiên cứu y khoa cho thấy, có rất nhiều yếu tố nguy cơ gây ra cục máu đông, trong đó, có nguyên nhân liên quan đến bệnh lý như: Xơ vữa động mạch, rung tâm nhĩ, tiểu đường, ung thư, hút thuốc nhiều... Đông máu có thể xuất hiện ở nhiều lứa tuổi nhưng những đối tượng có yếu tố nguy cơ cao như đã nêu trên có thể làm tăng tỷ lệ rủi ro.
Để giúp giảm nguy cơ hình thành cục máu đông khi nhiễm Covid-19, các bác sỹ khuyên người bệnh tập thể dục thường xuyên, đi bộ ít nhất 30 phút mỗi ngày giúp cho máu lưu thông ổn định.
Đặc biệt, người bệnh sau khi khỏi cần giữ cân nặng hợp lý: góp phần giảm bớt áp lực lên tĩnh mạch và giảm nguy cơ đông máu. Uống nhiều nước: cung cấp đủ nước cho cơ thể là điều rất cần thiết, tránh bị mất nước có thể dẫn đến đông máu.
BS cũng nhấn mạnh, người xuất hiện cục máu đông có thể gây đột quỵ. Tuy nhiên, theo căn bệnh này có thể ngăn ngừa được. Bên cạnh thay đổi lối sống, lựa chọn và sử dụng sản phẩm bảo vệ sức khỏe có nguồn gốc từ thiên nhiên cũng là gợi ý để ngăn ngừa nguy cơ đông máu bất thường có thể dẫn đến bệnh tim và đột quỵ.
N. Huyền