'Họ ghen tỵ vì tôi giàu và đi du lịch nhiều'
“Chúng tôi có quá nhiều đặc quyền”, Nga Nguyễn nói về lý do khiến cô và em gái hứng chịu chỉ trích sau khi mắc Covid-19. Song, cách hành xử với cộng đồng không hề được nhắc tới.
Trong bài viết đăng trên tạp chí The New Yorker (Mỹ) ngày 21/9, fashionista Nga Nguyễn nói cô và em gái - bệnh nhân mắc Covid-19 thứ 17 của Việt Nam - là nạn nhân của “class jealousy” (tạm dịch: ghen tỵ về đẳng cấp).
“Ở Việt Nam, chúng tôi có quá nhiều đặc quyền. Chúng tôi đi du lịch quá nhiều”, Nga Nguyễn nhận định về lý do hai chị em cô phải hứng chịu cơn bão chỉ trích từ dư luận sau khi xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.
Quan điểm trên nhanh chóng vấp phải sự phản đối trong cộng đồng mạng. Nhiều người cho rằng Nga Nguyễn và em gái không phải trường hợp bệnh nhân Covid-19 cá biệt có gia cảnh giàu sang, nhiều đặc quyền.
Việc họ trở thành tâm điểm chỉ trích, trong khi một số người giàu có khác nhận được sự quan tâm, sẻ chia khi mắc bệnh, xuất phát từ cách hành xử với cộng đồng, xã hội.
Nga Nguyễn gây tranh cãi với phát ngôn cho rằng mình và em gái bị cộng đồng mạng “ném đá” sau khi mắc Covid-19 vì “quá đặc quyền”, “đi du lịch quá nhiều”. Ảnh: SCMP, chụp màn hình. |
Lờ đi trách nhiệm với cộng đồng
Sau bài báo trên tạp chí Mỹ, N.H.N. - em gái Nga Nguyễn - bị “ném đá” nhiều hơn cả. Theo nhiều người, họ chẳng hề quan tâm N. là ai, gia cảnh giàu có thế nào, đi du lịch sang chảnh những đâu... cho đến khi cô được công bố là bệnh nhân thứ 17 mắc Covid-19 tại Việt Nam.
Khác với những nhân vật “vô tình gây lan truyền virus SARS-CoV-2” được The New Yorker đề cập, nguyên nhân khiến N. bị lên án dữ dội là gian dối khi không khai báo lịch sử đi tới vùng dịch (Italy) theo quy định xuất nhập cảnh. Thậm chí, N. đã sử dụng 2 hộ chiếu khác nhau để không bị phát hiện.
Giống như tất cả bệnh nhân Covid-19 ở Việt Nam, N.H.N. được điều trị miễn phí. Ảnh: Bộ Y tế. |
Để dẫn chứng cho việc “đặc quyền”, “giàu có” không phải lý do dư luận hướng mũi chỉ trích vào N.H.N., nhiều người đề cập tới câu chuyện của rich kid Tiên Nguyễn.
Cũng xuất thân giàu có, nổi tiếng với nhiều đặc quyền, đặc lợi nhưng Tiên Nguyễn lại được cộng đồng chia sẻ, quan tâm khi được công bố là bệnh nhân thứ 32 mắc Covid-19 tại Việt Nam.
Lý do cô chiếm được nhiều thiện cảm là nhờ khai báo y tế trung thực và có cách hành xử trách nhiệm với cộng đồng.
Sau khi gặp gỡ bệnh nhân thứ 17 tại London (Anh), không an tâm về sức khỏe, Tiên Nguyễn đã thuê máy bay riêng về Việt Nam. “Vì sự an toàn của bản thân, gia đình và cộng đồng, ba thu xếp máy bay riêng đưa tôi về Việt Nam sáng nay. Tôi đã tuân thủ quy định cách ly của Việt Nam”.
Xuất viện sau thời gian điều trị Covid-19, rich kid này có những dòng chia sẻ đầy biết ơn trên trang cá nhân: “Sinh con ra, lo lắng và hy sinh cho con lúc bình yên cũng như sóng gió là cha mẹ, mở rộng vòng tay đón con trở về trong lúc hoạn nạn là quê hương, là Tổ quốc Việt Nam”.
Sau khi tuyên bố khỏi bệnh, cô tiếp tục tự cách ly thêm 14 ngày tại khu biệt thự riêng của gia đình ở Hồ Tràm (Vũng Tàu).
Để bày tỏ lòng biết ơn, gia đình Tiên Nguyễn đã có một số hành động nhằm chung tay với chính phủ trong công cuộc chống dịch Covid-19.
Doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn - cha Tiên Nguyễn - miễn phí mặt bằng siêu thị miễn thuế Mộc Bài làm khu cách ly tránh dịch. Bên cạnh đó, nhà Tiên Nguyễn còn ủng hộ 25 tỷ đồng được chuyển thành trang thiết bị y tế phục vụ việc chữa trị cho các bệnh nhân Covid-19.
Gia đình Tiên Nguyễn có nhiều đóng góp cho hoạt động chống dịch Covid-19 ở trong và ngoài nước. Ảnh: @tiennguyenn, @ippg_vietnam. |
Gia đình ông Johnathan Hạnh Nguyễn còn trao tặng 750.000 khẩu trang y tế và 165.000 bộ trang phục bảo hộ chống dịch đến Bộ Ngoại giao Philippines.
Tờ South China Morning Post cũng có bài viết khen ngợi Tiên Nguyễn không chỉ có ý thức tự cách ly ngay cả khi đã khỏi bệnh, mà cô còn giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, ở trong và ngoài nước, thông qua các hoạt động quyên góp, từ thiện.
Khi người giàu dựa vào “đặc quyền” để lây lan dịch
Vậy có hay không việc người giàu bị ghen ghét, đố kỵ trong dịch Covid-19?
Tờ New York Times (Mỹ) đã đặt tên cho hiện tượng này là “quarantine envy” (tạm dịch: sự ghen tỵ khi cách ly).
Jens Lange, nhà tâm lý học tại Đại học Hamburg (Đức), nhận định đại dịch đã tạo ra những điều kiện chín muồi cho sự đố kỵ.
“Cốt lõi của lòng ghen tỵ là sự so sánh xã hội về hoàn cảnh của bản thân với người khác. Đó là điều cơ bản tồn tại ở tất cả nền văn hóa. Đại dịch làm gia tăng sự phân biệt giữa những người có đặc quyền và gặp bất lợi. Vì vậy, có nhiều cơ hội hơn để người ta so sánh bản thân với cá nhân khác theo những cách không tốt”, Lange nói.
Tờ báo Mỹ lấy ví dụ trường hợp tỷ phú David Geffen (Mỹ) đăng tải các bức ảnh về chiếc du thuyền khổng lồ của mình trên Instagram trong khi ông cách ly ở quần đảo Grenadines. Phản ứng dữ dội từ cộng đồng mạng đã khiến vị tỷ phú chuyển tài khoản của mình về chế độ riêng tư.
Thế nhưng, phản ứng chỉ trích của dư luận dành cho tầng lớp giàu có, nhiều đặc quyền đặc lợi xuất phát từ hành động của những người này trong đại dịch, không hẳn là vì họ sở hữu khối tài sản lớn.
Nhiều người giàu có bất chấp lệnh giãn cách xã hội để tổ chức tiệc tùng, đi du lịch xa hoa giữa dịch. Ảnh: Vanity Fair. |
Trong thời gian qua, nhiều người giàu có, nổi tiếng trên mạng ở Mỹ từng bị chỉ trích là thiếu trách nhiệm khi phớt lờ mọi yêu cầu phong tỏa, giãn cách xã hội để tiệc tùng, thoải mái di chuyển giữa các địa điểm.
Blogger thời trang Arielle Charnas từng phải đăng tải lời xin lỗi sau khi bị phát hiện bay từ New York đến Hamptons dù cô có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Hồi tháng 3, fashionista này bị chỉ trích vì lợi dụng quan hệ riêng để được ưu tiên xét nghiệm Covid-19 trong bối cảnh khả năng tiếp cận dịch vụ này tại Mỹ vô cùng hạn chế ở thời điểm đó.
Ngày 21/7, hơn 67 influencer (người có ảnh hưởng) đã tập hợp tại Nhà Hype để tổ chức sinh nhật cho một TikToker tên Larri Merritt. Vlogger Jake Paul cũng gây tranh cãi khi tổ chức tiệc ở nhà riêng. Gần 100 khách mời đều không đeo khẩu trang hay tuân thủ các quy tắc an toàn, giãn cách xã hội.
Hậu quả từ các sự kiện tụ tập đông đúc như trên là hàng loạt ca nhiễm SARS-CoV-2 được ghi nhận.
Trước tình trạng người trẻ ở bang Alabama liên tục tổ chức “tiệc mời gọi Covid-19”, bà Sonya McKinstry - Ủy viên Hội đồng thành phố Tuscaloosa - từng nói với CNN: “Điều này khiến tôi tức giận. Dịch bệnh nghiêm trọng, gây chết người lại bị xem nhẹ. Những người trẻ tham gia tiệc tùng không chỉ thể hiện sự vô trách nhiệm với bản thân, mà còn có nguy cơ nhiễm virus và lây lan cho người thân”.
Theo zingnews.vn