Hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh anh minh, giản dị qua bộ phim "Nhà tiên tri"
Sau bộ phim “Thầu Chín ở Xiêm” công chiếu nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiếp đến là bộ phim “Nhà tiên tri” (dài hơn 100 phút). Đây là phim truyện nhựa mới nhất về hình tượng Hồ Chí Minhsẽ ra mắt khán giả tại Lễ khai mạc tuần phim kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9 vào đêm 19/8 tại Trung tâm chiếu phim quốc gia và phát hành trên toàn quốc từ 19/8/2015 đến 5/9/2015.
Bộ phim “Nhà tiên tri” (đạo diễn chính Vương Đức, kịch bản Hoàng Nhuận Cầm) đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đặt hàng và đầu tư ngân sáchvào sản xuấtnăm 2012và Hãng phim Truyện Việt Nam thực hiện năm 2014. Phim lấy bối cảnh lịch sử từ năm 1947-1950 tại Việt Bắc- nơi Bác Hồ đã tiên đoán về chiến thắng của quân và dân ta năm 1954, từ Việt Bắc tiến về tiếp quản Thủ đô.
Kịch bản “Nhà tiên tri" được được chuyển thể từhai truyện ngắn của Hồ Chí Minh viết trước năm 1954là “Việt Bắc anh dũng” và “Giấc ngủ 10 năm”. Đây là một điểm mới, sáng tạo của nhà thơ – nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm khi chấp bút, xây dựng kịch bản. Bộ phim "Nhà tiên tri" lấy bối cảnh lịch sử những năm 1947 – 1950 - thời điểm cuộc trường kỳ kháng chiến của chúng ta đầy cam go tại chiến khu Việt Bắc trong tình thế đất nước“ngàn cân treo sợi tóc”.Phim gợi liên tưởng đến tài năng, tài tiên đoán của Hồ Chí Minhthấy được những bước đi của lịch sử, về thắng lợi của cách mạng Việt Nam năm 1954.
Thách thức với những bộ phim về đề tài lịch sử, lãnh tụ khi cùng lúc là phải đảm bảo tính chân thực của sự kiện, nhất lại liên quan đến lãnh tụ và thứ hai phải đạt được tính nghệ thuật. Phim khởi quay từ tháng tháng 5/2014 và đóng máy vào tháng 2/2015 (tại quảng trường Đỏ- Nga). Bộ phim đã thực hiện nhiều cảnh quay trong nước (Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang…) và ngoài nước (Matxcova-Nga). Nội dung phim đã trung thành với bối cảnh lịch sử (1947-1950), đã tái hiện được một thời kỳ vô cùng khó khăn của quân đội ta khi lực lượng mỏng, vũ khí đạn dược hết sức thô sơ, lại chưa có sự hợp tác với những người bạn lớn như Liên xô, Trung Quốc. Phim làm sống động sự kiện mùa Đông năm 1947, Pháp mở chiến dịch Lê – A hòng tiêu diệt cơ quan đầu não của ta ở Bắc Kạn; Phim dựng lên những bối cảnh cảnh hoành tráng của sự kiện Quân đội ta đã giáng cho kẻ thù những đòn thích đáng làm thất bại hoàn toàn âm mưu thâm độc và dã tâm của thực dân Pháp khi tái dựng lại những trận đánh lớn như trận Đông Khê, trận Sông Lô, trận đánh đèo Bông Lau... Niềm phấn khởi giải phóng Đông Khê, bắt sống hai binh đoàn Pháp và tiếp tục chiến dịch Biên giới.
Bộ phim “Nhà tiên tri” đã xây dựng thành công và làm nổi bật hình tượng Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo tại thời điểm lịch sử quan trọng, trong đó số phận Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn bó chặt chẽ với số phận dân tộc và nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa non trẻ mới ra đời, giai đoạn trứng nước của chính phủ kháng chiến trước đạo quân viễn chinh Pháp đầy sức mạnh.Hình ảnh Bác Hồ là nhân vật trung tâm xuyên suốt các sự kiện và tuyến nhân vật. Phim có những cảnh quay chân thực, cảm động khiến khán giả không nén nổi xúc động khi chứng kiến cảnh Bác và các đồng chí lãnh đạo, chiến sĩcùng “nếm mật nằm gai” tại chiến khu Việt Bắc; cảnhnghẹt thở khi Trung ương Chính phủ đã kịp sơ tán trước sự vây ráp của kẻ thù; cảnh tác chiến trong điều kiện thế tương quan giữa ta và địch quá chênh lệch; cảnh trao quyết định phong Đại tướng cho Võ Nguyên Giáp; cảnh cô cấp dưỡng bị mắc lựu đạn của Pháp trên đường đi hái rau đầy xúc động...
Thành công nhất ở phim “Nhà tiên tri” chính là phẩm chất anh minh, thông tuệ của Hồ Chí Minh ở góc nhìn gần, đời thường. Nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm và đạo diễn phim Vương Đức đều chung quan điểm là thể hiện hình tượng Bác một cách hết sức bình dị, tự nhiên không thần thánh hóa. Vì thế, Bác hiện lên trong lòng nhân dân vừa giản dị, vừa vĩ đại, hòa vào không gian núi rừng, người dân Việt Bắc, như một chiến sĩ trong cuộc kháng chiến trường kỳ. Những chiến lược, quyết sách lớn được Bác phổ biến tới chiến sĩ, đồng bào theo một cách rất đơn giản, dễ hiểu. Bác hiện lên rất gần gũi, giản dị từ trang phục, nói năng, đi lại... Giản dị đến mức tù binh Pháp không thể ngờ người đứng trước mặt mình ở vai cố vấn Chính trị của Chính phủ Hồ Chí Minh ấy lại chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh mà chúng dày công truy đuổi. Bác gần gụi đến mức không thể có sự gần gũi nào hơn…Có lẽ xúc động nhất là cảnh quay đặc tả Bác Hồ trong trận ốm để thấy cái “sốt run người vầng trán mướt mồ hôi”. Hơn nữa, trận sốt rét ấy lại đặt trong cảnh bị truy đuổi, bom đạn giội tứ phía. Cảnh đau đớn phải nén tình nhà khi nhận điện anh cả Khiêm mất trong lúc trao trả tù binh Pháp... Đạo diễn Vương Đức và ê kíp làm phim đã rất tài tình khi chọn những cảnh hiếm hoi thư thái của Bác khi là một thi nhân giữa núi rừng Việt Bắc “Trăng vào cửa sổ đòi thơ”; cảnh đi thuyền trên sông Đáy thơ mộng, cảnh Bác Hồ câu cá, lúc Người trò chuyện, đặt tên cho chiến sĩ…Có một hình ảnh mang tính biểu tượng được khéo léo lồng ghép nhiều lần, vào những thời gian và địa điểm khác nhau trong phim, đó là cánh chim bồ câu. Chim bồ câu “ nhặt thóc bên bồ công văn” ở rừng sâu Việt Bắc, hay cánh chim tung bay trên quảng trường Đỏ của nước Nga đều chung thông điệp về khát vọng hòa bình, tự do. Dù ở góc quay nào, hình tượng Người cũng được hiện lên ở sự giản dị, gần gũi, ấm áp, thân thương. Gần như không thấy đâu là ranh giới giữa một vị Chủ tịch nước với anh em chiến sĩ, với nhân dân. Hình tượng Bác thể hiện trong sự chỉ đạo sáng suốt cùng các đồng chí lãnh đạo Trung ương Đảng lái con thuyền cách mạng vừa phải vượt khỏi vòng vây truy đuổi của kẻ thù, vừa có những quyết định đúng đắn cho cách mạng Việt Nam. Sự sáng suốt đó thể hiện rất rõ ở một thời điểm cực kỳ quan trọng trong cuộc chiến là chúng ta đã chuyển từ phòng ngự chiến thuật du kích sang chủ động tấn công tiêu diệt địch. Phim cho thấy khả năng dự báo, tiên đoán tình tình của Người.Phim có nhiều tình tiết mới lần đầu được lên màn ảnh. Đó là cảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đi tàu hỏa sang Liên xô gặp Stalin năm 1950 và cuộc đối thoại giữa hai lãnh tụ.Năm 1950, Bác Hồ đã bí mật dẫn đầu phái đoàn của chúng ta qua Trung Quốc rồi sang Liên Xô- một chuyến đi khó khăn vì diễn ra trong thời kỳ chiến tranh ác liệt giữa ta và Pháp sau chiến thắng Biên giới. Bác phải đổi nhiều phương tiện đi lại từ đi bộ, xe ô tô rồi tàu hỏa, máy bay.Những người tháp tùng Bác là đồng chí Trần Đăng Ninh và đạo diễn Phạm Văn Khoa. Tới Liên Xô, Bác được đón trọng thể tại sân bay Vnucovo sau đó ra Quảng trường Đỏ viếng Lênin rồi gặp Stalin tại Điện Kremlin. Đây là cuộc gặp gỡ rất quan trọng đánh dấu mối quan hệ chính thức giữa 2 nhà nước và tạo thế “thoát vòng vây” cho Nhà nước cộng hòa non trẻ. Cuộc gặp gỡ này cũng là dấu ấn đầu tiên cho tình hữu nghị lâu dài hàng chục năm sau của hai dân tộc. Đó là cảnh anh La Văn Cầu chặt đứt tay mình tại trận Đông Khê. Cảnh cụ Nguyễn Văn Tố dụ địch tự nhận là Hồ Chí Minh để cứu Chủ tịch khi chúng truy đuổi gắt gao và cụ đã anh dũnghy sinh. Cảnh chiến sĩ Nguyễn Danh Lộc chạy 4 đêm, 3 ngày liền trong rừng mang tài liệu lấy từ chiếc máy bay bị rơi của đại tá Pháp về Bộ Tổng tham mưu để chúng ta có giải pháp ứng phó kịp thời với chiến dịch Lê-A và anh chiến sĩ đã ngã xuống khi hoàn thành nhiệm vụ…
Bên cạnh hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh, phim còn xây dựng các nhân vật là nhà lãnh đạo Trung ương, Chính phủ và các đồng chí cận vệ luôn đảm bảo an toàn cho Bác. Đó là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà khoa học Trần Đại Nghĩa, bác sĩ Đặng Văn Ngữ, là những chiến sĩ được Bác đặt tên: Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi, Chín…
Đạo diễn Vương Đức rất có tài thổi hồn cho bộ phim đầy sự kiện lịch sử nhưng lại vô cùng lãng mạn. Tác giả của các bộ phim “Cỏ lau”, “Những người thợ xẻ”…được nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn nhận xét “rất có duyên với phim về đề tài rừng núi”. Đạo diễn cho biết “Khi làm phim này, chúng tôi cố đã cố gắng sử dụng các chi tiết sinh động để phản ánh cuộc chiến gian khổ ác liệt, sự thông minh, tài trí, dũng cảm của quân đội ta trong điều kiện vũ khí thô sơ, thiếu thốn”.Tại chiến trường Việt Bắc năm 1947 - 1948, Bác đã nhìn thấy ngày 10/10/1954 là Ngày Giải phóng Thủ đô. Và tôi nghĩ, với tấm lòng nghĩ về Bác, nhớ về Bác và học tập Bác, đoàn làm phim "Nhà tiên tri" sẽ lại cống hiến cho người xem một bộ phim đích thực và chân chính”.
Làm nên thành công của bộ phim ngoài kịch bản, đạo diễn phải phải kể đếnnhững nghệ sĩ tâm huyết với hình tượng lãnh tụ Hồ Chí Minh. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã góp công biên tập từ kịch bản ban đầu. Nhạc sĩ – TS Đỗ Hồng Quân có duyên với nhạc phim. Họa sĩ Phạm Quốc Trung sáng tạo hình ảnh đầy ấn tượng. Nhà quay phim Vũ Quốc Tuấn đến với “Nhà tiên tri” với một chuỗi những bộ phim truyện nhựa đáng nể trước đó, như: Hoa của trời (1995), Đầm hoang (1996), Hà Nội mùa đông 46 (1997), Những người thợ xẻ (1998), Giải phóng Sài gòn (2000), Rừng đen (2008) và Nhìn ra biển cả (2009). Và rất nhiều nghệ sĩ khác.
Một thách thức là chọn diễn diên, đặc biệt là nhân vậtchính. Vương Đức chọn NSND Bùi Bài Bình vào vai Chủ tịch Hồ Chí Minh với lý giải “Mặc dù Bùi Bài Bình không có ngoại hình tương tự Hồ Chí Minh ngoài đời, nhưng tôi chọn Bùi Bài Bình bởi anh ấy là một nghệ sĩ tài năng và tâm huyết. Vai nhân vật lịch sử Hồ Chí Minh cần đến một nghệ sĩ thực sự tài năng. Bùi Bài Bình có đủ tố chất như thế”. Để hóa thân thành lãnh tụHồ Chí Minh, Bùi Bài Bình phải nghiên cứu kỹ những tư liệu trong và ngoài nước về lãnh tụ ở giai đoạn 1947 - 1950. Anh đi làm lại chiếc răng khểnh, nuôi râu và giảm từ 56 kg xuống còn 50kg để có ngoại hình như Hồ Chủ tịch. Anh chia sẻ "Tôi mày mò học ba ngôn ngữ là tiếng Nga, Pháp và Trung. Tôi không cần nói được chuẩn các câu ngoại ngữ trong phim nhưng phải nói đúng khẩu hình để người lồng tiếng sau đó làm việc được". Với lao động sáng tạo không ngừng,NSND Bùi Bài Bình đã lột tả được thần thái, cốt cách của vị cha già dân tộc, nhất là “đôi mắt biết nói” đã thể hiện rất thành công. Ngoài ra, đạo diễn chọn những nghệ sĩ vào vai Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bác sĩ Đặng Văn Ngữ, kỹ sư Trần Đại Nghĩa… Đạo diễn Vương Đức khá kỳ công nhờ sự giúp đỡ của xưởng Mosfilm (Nga) chọn trong 100 diễn viên để có một nhân vật đóng Stalin.
Và cái tên “Nhà tiên tri” – Thông điệp chính của bộ phim đã được nhà biên kịch, đạo diễn bàn thảo và định đổi tên phim khá nhiều lần. Một số tên đã được đưa ra như: Trong vòng vây, Người đến hòa bình, Rừng mơ, Người hiền…Nhưng cuối cùng sau quá trình nghiên cứu về Người, nhóm thực hiện dự án quyết định lấy cái tên đầu tiên: “Nhà tiên tri”. Nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm – người trung thành với đề tài chiến tranh cách mạng và người lính cho biết nối tiếp bộ phim "Hà Nội mùa Đông năm 1946" là người lính Hồ Chí Minh trong bộ phim "Nhà tiên tri". Anh nung nấu hình tượng Hồ Chí Minh ở từng thời điểm lịch sử. Sau kịch bản "Hà Nội mùa Đông năm 1946", từ năm 2007anh bắt tay xây dựng kịch bản này. Đến năm 2011 kịch bản mới “trình làng” và chính anh đã giải thích cho niềm say mê ấy “Tôi đã bỏ ra nhiều năm để đọc, để nghiên cứu về cuộc đời Bác qua nhiều tài liệu của nhiều tác giả trong và ngoài nước. Trước khi bắt tay vào dự án này, tôi còn đọc và tìm hiểu nhiều tài liệu của tác giả ở các nước, như: Nga, Mỹ, Trung Quốc… viết về Người. Từ những tác phẩm của Bác, về Bác, tôi đều thấy toát lên sự thông tuệ, anh minh, tài phán đoán tình huống, sự sáng suốt trước mọi biến cố… để có những quyết định đúng đắn ở vị trí Chủ tịch nước Việt Nam non trẻ trong thời điểm cuộc chiến đầy cam go”. Bác Hồ đã linh cảm và tiên đoán rất chính xác. Ngay lúc bắt đầu kháng chiến, Hồ Chủ tịch ra lệnh: Trường kỳ kháng chiến, để đánh tan mưu mô "Đánh mau thắng mau" của thực dân. Ngày trước khi Trung đoàn Thủ đô rút khỏi Hà Nội, Hồ Chủ tịch đã đoán trước: Địch sẽ cố chiếm mấy thành thị và mấy đường giao thông. Bộ đội chúng càng rải rác, lực lượng chúng càng mỏng manh, ta càng dễ tiêu diệt chúng. Khi chuyển đến địa điểm mới, Bác đã nói ở đây không an toàn, phải chuyển ngay và ngay sau khi chuyển lán, thực dân Pháp đã tới truy tìm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có lần Bác nói với chiến sĩ người Cao Bằng “đến năm 1950 đồng chí sẽ được về thăm quê. Quả nhiên, năm 1950, Cao Bằng được giải phóng chúng ta đã đánh thông biên giới. Năm 1950, Bác tiếp tục tiên đoán, sau khi giải phóng Đông Khê, quân ta sẽ tiến về Hà Nội mà không cần nổ súng… Thực tế lịch sử đã chứng minh những tiên đoán của Bác hoàn toàn đúng. Năm 1954, sau chiến thắng Điện Biên lịch sử, hiệp định Genève được kí kết, Pháp rút khỏi Đông Dương, quân ta tiến về Hà Nội mà không cần nổ súng… Người như nhìn thấy được những bước đi của lịch sử, của tương lai, giống như một nhà tiên tri”.
Thách thức làm phim về đề tài lãnh tụ như đã nói. Có thể còn vài điều “chưa tới”, hoặc còn “những mong ước hơn nữa” từ phía công chúng là điều không tránh khỏi, nhưng như đạo diễn Vương Đức – Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam thì “Bộ phim “Nhà tiên tri” của chúng tôi đã được bắt đầu bằng sự trân trọng, nghiêm túc, sự tiếp cận kho tư liệu khổng lồ về Hồ Chí Minh. Trong điều kiện kinh phí eo hẹp, nhưng chúng tôi đã nhận được giúp đỡ đầy tâm huyết của lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các ban ngành, đơn vị, địa phương nơi đoàn làm phim thực hiện. Những nghệ sĩ chúng tôi đã gửi gắm nhiều tâm huyếtđể mang“Nhà tiên tri” đến công chúngkhông chỉ một câu chuyện lịch sử về một nhân vật lịch sử lớn, mà bộ phim còn đề cập đến vấn đề lớn nhất của tất cả các lãnh tụ và các dân tộc trên thế giới này, đó là vấn đề về chiến tranh và hòa bình. Là câu chuyện lịch sử, chúng tôi cho rằng vẫn còn đầy sức sống giữa thời đại hôm nay, khi câu chuyện về Biển Đông vẫn còn nhức nhối. “Nhà tiên tri” là câu chuyện về chiến tranh và hòa bình và chúng tôi hy vọng sẽ được khán giả đón nhận bởi thông điệp quan trọng là khát vọng hòa bình, ý chí độc lập của dân tộc anh hùng và hình tượng lãnh tụ Hồ Chí Minh - chiến sĩ và thi sĩ.
TS. Lê Thị Bích Hồng