Hiệu trưởng trường Y hoài nghi "tuyên bố tạo ra em bé biến đổi gen"
Nếu cắt “nhầm” sang gen 17 thì tạo ra đột biến gen và chắc chắn sẽ gây ra hậu quả cực kỳ nghiêm trọng.
Tôi hoài nghi thông tin này
Ngày 26/11, nhà khoa học He Jiankui thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Nam (SUST) Trung Quốc tuyên bố đã tạo ra hai bé gái sinh đôi được chỉnh sửa gen bằng cách sử dụng kỹ thuật CRISPR loại bỏ một gene có tên là CCR5, nhờ đó có khả năng miễn nhiễm với HIV. Kết quả nghiên cứu này vẫn chưa được xuất bản trên tạp chí khoa học nào, được tuyên bố một ngày trước hội nghị về gen diễn ra ở Hong Kong và đang gây ra phản ứng quyết liệt từ các nhà khoa học thế giới.
Chia sẻ thông tin này với phóng viên Báo điện tử Infonet, hiệu trưởng trường ĐH Y Hà Nội GS. TS. Tạ Thành Văn cho biết: Có biết thông tin qua báo chí, nhưng để trả lời báo chí trước công luận phải có bằng chứng khoa học – là những bài báo, hoặc những công trình khoa học đăng trên những tạp chí có uy tín chứ không phải từ những hãng tin truyền thông.
GS. TS Tạ Thành Văn |
Theo đó, những bằng chứng khoa học này GS Văn “chưa tiếp cận, có thể có rồi nhưng tôi chưa kịp đọc hoặc có thể chưa có”. Nhưng theo logic của một người làm trong lĩnh vực này, GS Tạ Thành Văn cho rằng “nói có gì đó tin ngay thì anh chưa tin. Bởi cũng giống như cách đây khoảng 7-8 năm, rộ lên trên toàn thế giới thông tin một em bé ra đời bằng kỹ thuật nhân bản giống như tạo ra cừu Dolly do một nhóm khoa học khi thì Mỹ, Ý thực hiện. Nhưng đến giờ, đã 10 năm trôi qua không có thông tin gì trở lại về vấn đề này”.
Tương tự, GS Văn dẫn chứng sự kiện, ngày con cừu dolly (Anh) sinh ra năm 1996, cả thế giới đổ xô vào tạo ra các động vật sinh sản qua con đường nhân bản gen. Ở một số nước đã tạo ra một số loại chẳng hạn như chuột, bò.... Trong đó có một số nhóm quyết định làm trên người.
“Thế giới phản ứng dữ dội điều này, vì nó trái với tự nhiên. Chính phủ Mỹ cũng đưa ra quy định các ngân sách của nhà nước không tài trợ cho làm nhân bản trên người. Rồi đâu đó có một số nhóm cũng công bố nghiên cứu nhưng đến nay không có minh chứng nào cả. Và việc này nhiều năm qua đã đi vào quên lãng.
Do đó, câu chuyện mới được tuyên bố ở Trung Quốc cũng tương tự những trường hợp này, không khác gì. Vì thế tôi chưa thể khẳng định có hay không nhưng tính hoài nghi nhiều hơn- trên 90% thông tin không phải thông tin thật. Tuy nhiên nếu sự thật chỉ là 10% hoặc 1% thôi thì cũng là quý”, GS Văn nhấn mạnh.
Sửa chữa gen không dễ thực hiện
GS Văn cũng cho biết thêm, công nghệ sửa chữa gen không phải bây giờ mới có mà trên thế giới cũng đã có nhiều nghiên cứu. Theo đó, “năm 2000, khi ở Mỹ thì trong phòng nghiên cứu của giáo sư của tôi có 1 nhóm đã nghiên cứu về vấn đề này. Họ dung 1 enzim có bản chất ARN, chỉnh sửa, cắt các đoạn gen (cắt đoạn này nối với đoạn kia) để nghiên cứu cơ chế bệnh sinh ở mức độ phân tử 1 số bệnh. Các công đoạn này được thực hiện trong phòng thí nghiệm.
Và khi trở về Việt Nam, vào khoảng năm 2006, nhóm nghiên cứu của tôi ở Trường Đại học Y Hà Nội triển khai đề tài nghiên cứu của Bộ Y tế và đã phân lập được gen của bệnh ưa chảy máu (Hemophillia) và đưa vào hệ thống vector của virus nhằm tổng hợp yếu tố VIII tái tổ hợp và thử nghiệm liệu pháp điều trị gen cho bệnh này ở mô hình chuột thực nghiệm. Nhưng sau đó do không có kinh phí nên phải dừng lại ở mức độ tổng hợp yếu tố VIII tái tổ hợp ở quy mô trên phòng thí nghiệm và chúng tôi không thể tiếp tục thử nghiệm liệu pháp điều trị gen”.
Do đó, GS Văn khẳng định “chỉnh sửa gen không phải là vấn đề mới, rất nhiều phương pháp tiếp cận với những quy trình kỹ thuật khác nhau. Gần đây nhất các nhà khoa học đã tìm ra phương pháp mới đặc hiệu hơn rất nhiều, gọi CRISPR 9, có thể “cắt và dán” chính xác các đoạn ADN để loại bỏ các gen không mong muốn hoặc để chèn những gen mong muốn, họ hy vọng sửa chữa gen này gen kia chữa các bệnh lý di truyền. Nhưng với những kiến thức mà anh có được ngày hôm nay thì việc này hiện vẫn chỉ hoàn toàn trong giấc mơ, nói thì rất dễ nhưng có rất có nhiều trở ngại về mặt kỹ thuật mà các nhà khoa học ngày nay chưa thể vượt qua”.
Đơn giản như những bệnh lý đơn gen, nghĩa là bệnh gây ra chỉ do một gen lỗi và bác sĩ chỉ phải sửa chữa một gen đó, nếu thành công người bệnh sẽ vượt qua bệnh tật. Điều này tưởng chừng đơn giản giống như việc “thay săm, thay lốp xe” thôi GS Văn cho biết có rất, rất nhiều trở ngại về mặt công nghệ.
“Cơ thể con người có khoảng 25.000 gen, muốn sửa gen thứ 15 thì phải thay thế, phải cắt đúng gen 15 đi, cài gen mới vào. Chỉ cần “nhầm” cắt sang gen 17 thì tạo ra đột biến gen, và gây ra bệnh mới đặc biệt nghiêm trọng. Trong 25.000 gen đấy phải định vị làm sao 1 trong số này là gen bệnh …trong nhân bé tý. Mà nếu nối tất cả 25.000 gen trong 1 tế bào này lại với nhau, chiều dài khoảng 2 m, chưa kể cấu trúc gen trong tế bào không thẳng mà tồn tại dưới nhiều hình thức gấp, xoắn, cuộn… giống như cuộn len rối tung, làm sao tìm đúng 1 đoạn ngắn trong cuộn len to như thế là cả một vấn đề khó khăn. Cắt hay them nhầm chỗ là tạo đột biến gen ngay tức thì. Với sự ra đời CRISPR 9 khá đặc hiệu nhưng không phải là tất cả. Đặc hiệu hơn tất cả các kỹ thuật khác nhưng không phải chính xác 100%”, GS Văn nhận định.
Điều này cũng chứng minh vì sao, trên thế giới nhiều nước nghiêm cấm nhân bản con cừu Dolly vì khi tạo ra đa phần bị đột biến, quái thai. “Thực ra nếu làm trên tế bào so ma thì không gây hậu quả nghiêm trọng vì nếu hỏng chỉ hỏng một chỗ. Còn làm trên tế bào phôi cực kỳ nguy hiểm, phôi nghĩa là một cơ thể sống, con người nếu can thiệp vào chẳng may lỗi sinh ra sẽ là những người quái thai, dị dạng”, GS Văn chia sẻ.
Ông cho rằng, nếu thông tin của nhà khoa học Trung Quốc đưa ra là sự thật thì “đúng là bước tiến vĩ đại của loài người chứ không chỉ riêng nhóm nghiên cứu”. Nhưng theo Hiệu trưởng trường ĐH Y Hà Nội làm đến đâu, làm ở mức độ nào và đối với bệnh lý nào thì cần phải xem xét. “Vì hiện nay thế giới cấm nhân bản người theo mô hình con cừu doly”.
“Trước cái mới hết sức cân nhắc, đồng thuận tới đâu, ở giới hạn nào để đảm bảo y đức, song không cản trở sự phát triển của khoa học và sự phát triển tự nhiên loài người. Nếu tạo ra một con người bằng công nghệ giống như tạo ra cừu Dolly chẳng có bố, không có mẹ…tính pháp lý sẽ như thế nào. Điều này sẽ đảo lộn toàn bộ trật tự loài người hiện nay. Giờ sửa chữa gen, can thiệp vào sâu như thế vậy hậu quả như thế nào, phải lường hết. Nhưng cấm hoàn toàn thì không nên, nhưng giới hạn đến đâu và khi nào cho phép thử nghiệm trên người, áp dụng ở những bệnh lý nào thì phải cân nhắc, hết sức thận trọng. Điều này không chỉ Việt Nam mà cả thế giới đều phải cân nhắc kỹ”, GS Văn cho hay.
Chia sẻ thêm về điều này, ông Trần Huy Thịnh, PGĐ Trung tâm kiểm chuẩn (Đại học Y Hà Nội) cũng cho biết, đây là thông tin mới chỉ tuyển bố từ nhà khoa học không nổi tiếng. Thậm chí theo thông tin ông Thịnh có được thì những nơi nhà khoa học này từng làm việc “đều phủ nhận thông tin này. Về mặt khoa học, sửa chữa gen cho các bệnh xuất phát từ gốc tổn thương ở gen. Để chữa triệt để cần có can thiệp ở gen nhưng can thiệp ở mức độ nào, can thiệp đến đâu tùy từng mức độ cụ thể. Khi đưa ra kỹ thuât mới đảm bảo quyền lợi cho người được can thiệp, không ảnh hưởng đến xã hội, không có tác động sự thay đổi ngoài xã hội…Để làm được điều đó cần có hệ thống kiểm soát chặt chẽ về các hội đồng chuyên môn, đạo đức. Công bố của nhà khoa học Trung Quốc chỉ mang tính nghiên cứu, Việt Nam hoàn toàn làm được. |