Hiểu cho đúng phong tục hái lộc đầu năm
Đi hái trộm lộc là mang rác rưởi hoặc ma quỷ về nhà |
Đây là khẳng định của GS Trần Lâm Biền xung quanh câu chuyện những việc tuyệt đối không nên làm khi đi lễ chùa.
Lộc phải được trình Thánh
Khi đi lễ đền, chùa đầu năm, người ta hay xin lộc thánh (là những mầm non mới nhú trên cây). Tuy nhiên, theo GS Trần Lâm Biền thì thói quen xin lộc thánh ngày càng trở nên biến tướng. Theo đó, lộc không phải là cả chùm lá, cành lộc không phải càng nhiều càng tốt bởi nhiều khi chùm lá um tùm đem về nhà mà không có sự chứng giám của thần thánh thì như đem ma về nhà. Còn đi xin lộc ở các di tích thông thường được nhà đền (thủ từ) đã lấy và trình thánh, lúc đó ta đến lễ xin thì Ngài mới chứng cho đem về. “Chứ đi vặt trộm thì suy cho cùng chỉ có đem rác rưởi hoặc đem ma quỷ chứ chẳng có một chút lộc nào cầm về đâu” – GS Lâm Biền lưu ý.
Ngoài ra, nếu ngày đầu du xuân lễ phật với lòng thành kính thì, GS Biền cho rằng chỉ cần thắp một nén hương (vì đó là nén tâm hương) và chúng ta khấn phật; nhưng nếu cầu xin cho năm mới sức khỏe hay tất cả những gì tốt đẹp (tuyệt đối không dính vào những gì xấu xa, những điều ẩn thiện để năm mới tốt hơn năm cũ) thì ta thắp 3 nén hương (3 là lẻ - lẻ là động mà động thì chuyển, chuyển thì biến đối - biến đổi thì phát triển).
GS Trần Lâm Biền |
Đối với lễ vật, GS Trần Lâm Biền cho rằng, không một lễ nào tốt hơn chính tâm thành bởi bước chân vào cửa chùa đã là những người con của phật, của thần thánh. Thực tế không cần một lễ nào bằng chính cái tâm của mình.
“Có quan niệm cho rằng “tốt lễ dễ kêu” là lối nói của đời thường ở trên đời này chứ không phải là cách nói của thần linh. Chúng ta đem những đồ lễ lên rồi lại đem về chứ có suy chuyển tý nào đâu. Nếu mà thần linh ăn thật thì tôi không tin người ta lại đem lễ lên để lễ, mà có khi người ta lên có tính chất mặc cả nữa với chính cái đồ lễ ấy.
Ngoài ra mà cứ nghĩ phải “tốt lễ dễ kêu” hay phải sắm vàng mã thật nhiều, hay đồng tiền của thế gian tuyệt đối không tiêu ở thế giới của thần linh cho nên đồng tiền của thế gian mà đưa lên bàn thờ hay dắt vào tay thần linh hay dắt vào đồ thờ thì suy cho cùng là sự hối lộ thần linh chỉ có đem đến tai họa mà thôi.
Theo tôi, quan niệm “tốt lễ dễ kêu” là hành động xấu đối với thần linh. Là một thứ hối lộ thần linh, là một hành động mua chuộc và làm nhòe đi những vẻ đẹp vô bờ bến của thần linh mà tổ tiên ta đã chỉ dạy” – GS Lâm Biền nhấn mạnh.
Tâm hồn phải thật trong sáng
Do đó, GS Lâm Biền chỉ dẫn, khi đến chùa, các phật tử đứng đó, thành tâm chứ đừng nói ầm ĩ lên, bởi vì “tâm xuất quỷ thần chi” (tức là mình nghĩ đến cái gì thì chưa nói ra thần linh đã biết rồi). Thần linh có nói gì đâu và khi tiếp cận như thế là tâm chuyền tâm chứ không phải nói phè phè ra mồm thì thần linh mới biết được.
“Mà chỉ cần nghĩ, chính chỉ nghĩ thôi mới là chính đáng bởi vì anh có thể dối được mọi người, dối chính anh nhưng không dối được thần linh đâu. Cho nên tâm anh nghĩ gì thần linh biết rồi đặc biệt tâm một đằng, nói một nẻo thì chỉ có tội chứ không được coi như tốt đẹp đâu” – GS Lâm Biền thẳng thắn nêu.
GS Lâm Biền cũng lưu ý, đối với nhà phật, thì phật đã dạy “tâm tĩnh thì tuệ sinh, mà tuệ có sinh thì mới tìm được chính mình, mới đi đúng con đường mà phật đã dạy”. Cho nên vào chùa không phải cứ vái lia vái lịa mà chắp các ngón úp lại với nhau để ở trước ngực (ấn phổ lễ) để khai mở luân sa amhata để nghĩ đến Người (đức phật) chứ không phải chỉ nghĩ đến mình.
“Tuyệt đối không được đan hai bàn tay vào với nhau. Bởi vì tay phải là thánh tay trái là phàm, hai tay đan vào nhau là phật phàm đan vào nhau… không thể chấp nhận được”- GS Lâm Biền lưu ý.
Thông thường, những ngày Tết ở chùa thường có sư tụng kinh, GS Lâm Biền cho rằng các phật tử có thể cúi đầu lễ theo các thời kinh (kết thúc một đoạn kinh, niệm câu như nam mô a di đà phật, nam mô bồ đề...). Nếu đi lễ chùa không theo thời kinh thì ta chỉ cần tâm thành và tay chắp ấn phổ lễ đặt đúng giữa ngực là chuẩn.
“Điều này tương tự ở đền, đình nhưng ở những nơi này được vái nhiều lần còn ở chùa thì không. Nói chung ở chùa cũng như ở đền đình khi lễ như vậy tâm hồn phải thật trong sáng hướng lên phật điện để rèn tâm rèn tính hướng đến điều thiện và chỉ như thế đi lễ đầu năm mới có công quả”- GS Trần Lâm Biền nhấn mạnh.