Hiệp hội thuốc lá, bia rượu lại "than" vì bị tính thuế tiêu thụ đặc biệt
Tại Hội thảo Lấy ý kiến về dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của các Luật về thuế do Bộ Tài chính và VCCI tổ chức vào ngày 01/9, Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết Dự án luật sửa đổi dự kiến sửa 27 nội dung liên quan đến 6 luật thuế hiện hành và luật quản lý thuế.
Trong đó Bộ Tài chính đưa ra: “Giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt với trường hợp bán hàng qua các công ty con hoặc công ty con khác cùng công ty mẹ thì giá làm căn cứ tính thuế TTĐB là giá do các công ty con bán ra thị trường”.
Đại diện Hiệp hộiBia- rượu- nước giải khát Việt Nam đề xuất nên giữ nguyên mức giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt với nhập khẩu bia rượu. Ảnh minh họa |
Theo Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh này nhằm khắc phục việc chuyển giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) qua công ty con hoặc công ty con trong cùng công ty mẹ.
Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia- rượu- nước giải khát Việt Nam cho biết nếu dự thảo được ban hành sẽ khiến mức thuế TTĐB đối với bia, rượu nhập khẩu cao. Tuy nhiên việc này không đảm bảo được tính ổn định trong việc tăng trưởng nguồn thu ngân sách nhà nước.
Cụ thể, theo Chủ tịch Hiệp hội Bia- rượu- nước giải khát, sau một thời gian tăng trưởng tốt nhờ mức thuế TTĐB hợp lý thì năm 2013, thuế TTĐB đối với bia tăng từ 45% lên 50% đối với rượu tăng từ 50% lên 55%, tuy được kỳ vọng làm tăng thuế TTĐB nhưng lại có tác dụng ngược lại khi mà mức tổng nộp ngân sách ngành Bia- rượu- nước giải khát Việt Nam (với đóng góp chủ yếu từ ngành bia, rượu) giảm.
Theo số liệu của Tổng cục thuế, mức nộp thuế tiêu thụ đặc biệt của các doanh nghiệp ngành rượu, bia năm 2013 (năm tăng 5% thuế tiêu thụ đặc biệt) giảm 1,5% và năm 2014 giảm 16,1% so với năm 2012.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Bia- rượu- nước giải khát, năm 2013, khi thuế TTĐB tăng đã khiến nguồn thu ngân sách giảm 6%, số lượng người lao động giảm 5%. Vì vậy, ông Việt đề xuất không cần thiết phải đưa ra những hàng hóa khác trong đó có rượu, bia vào nội dung sửa đổi bổ sung.
Dự thảo Luật quy định “trường hợp bán hàng qua các công ty con hoặc bán hàng qua công ty con khác trong cùng công ty mẹ thì giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt là giá do công ty con bán ra thị trường”.
Theo ông, như vậy sẽ có sự phân biệt đối xử cũng như phát sinh số thuế phải nộp của cơ sở sản xuất có doanh nghiệp thương mại và trong cùng mặt hàng sẽ tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, sự bất hợp lý trong chính sách thuế.
“Việc có công ty thương mại là cần thiết và đúng theo quy luật nhất là trong quá trình hội nhập như hiện nay nhưng vì có tổ chức thương mại mà lại nộp thuế cao hơn, điều này là bất hợp lý”, ông nói.
Ngoài ra Dự thảo Luật thuế sửa đổi tính giá tiêu thụ đặc biệt với hàng hóa nhập khẩu là giá cơ sở nhập khẩu bán ra, điều này theo ông Việt là không hợp lý. Nó sẽ làm tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hàng nhập khẩu vì phải nộp thuế tại hai khâu: khâu nhập khẩu và khâu bán hàng ra trong nước.
Theo tính toán của các doanh nghiệp nhập khẩu rượu thì với các tính thuế này sẽ làm tăng thuế tiêu thụ đặc biệt lên 15%, như vậy thuế tiêu thụ thụ đặc biệt phải nộp là 60- 65% chứ không phải 55% như Luật 70/2014/QH13.
“Việc mức thuế cao sẽ dẫn đến hiện tượng trốn thuế, nhập lậu, hàng giả…gia tăng khó kiểm soát, làm thất thu ngân sách hàng năm. Hơn nữa, việc này nhằm đảm bảo cạnh tranh giữa rượu bia nhập khẩu và rượu bia sản xuất trong nước cũng không hợp lý vì thực tế nhập khẩu rượu bia không nhiều”, ông Việt cho biết.
Do đó ông Việt kiến nghị, cần duy trì tính thuế TTĐB theo giá cơ sở sản xuất bán ra như hiện hành. Giữ nguyên mức giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt với nhập khẩu bia rượu là giá tính thuế nhập khẩu như quy định hiện hành.
Ông Nguyễn Triết, Tổng thư ký Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cũng cho rằng Dự án Luật điều chỉnh tính thuế TTĐB là không hợp lý, trái với nguyên tắc thị trường và làm triệt tiêu lực cạnh tranh của các sản phẩm thuốc lá nội tiêu trước các sản phẩm thuốc lá nhập ngoại và nhập lậu.
"Việc tổ chức các cơ sở thương mại (đại lý cấp 1 - tổng đại lý) là công ty con trong cùng hệ thống công ty mẹ với cơ sở sản xuất không phải nhằm chuyển giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt mà nhằm tối ưu hóa tổ chức sản xuất, chuyên môn hóa khâu phân phối, hạn chế cạnh tranh nội bộ", đại diện Hiệp hội Thuốc lá cho biết.