Hệ thống phòng không tầm ngắn mới ‘cực dị’ của Lục quân Mỹ
Mỹ đang trang bị hệ thống phòng không tầm ngắn phiên bản độc đáo cho lực lượng đóng tại châu Âu, hệ thống này có thể được coi là xu hướng phòng không mới.
Mới đây, Bộ chỉ huy Tương lai của Lục quân Mỹ thông báo, Tiểu đoàn 5 thuộc Trung đoàn Pháo Phòng không 4 của Bộ Tư lệnh Phòng không và Tên lửa số 10 Lục quân Mỹ tại Đức đã nhận được hệ thống phòng không tầm ngắn di động đầu tiên, trở thành đơn vị châu Âu đầu tiên tiếp nhận hệ thống này.
Đây là một biện pháp quan trọng mà Lục quân Mỹ thực hiện để cải thiện khả năng phòng không tầm ngắn sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc và nó cho thấy rằng Lục quân Mỹ đang định hình lại khả năng phòng không ở châu Âu.
Hệ thống phòng không tầm ngắn di động M-SHORAD Mỹ vừa đưa tới châu Âu. Nguồn: people.com.cn. |
Mối đe dọa ở độ cao thấp ngày càng tăng
Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Lục quân Mỹ không có nhu cầu phát triển vũ khí phòng không tầm ngắn, mặc dù đã có nhiều kế hoạch thiết lập các dự án nhưng chưa có dự án nào được thực hiện chính thức.
Trong những năm gần đây, với sự phát triển nhanh chóng của các phương thức tác chiến và sự thay đổi liên tục của chiến tranh, mối đe dọa của UAV và các loại vũ khí dẫn đường chính xác ngày càng gia tăng, đặt ra những thách thức nghiêm trọng đối với các hệ thống phòng không hiện có.
Đặc biệt là ở Trung Đông và cuộc xung đột Nagorno-Karabakh gần đây, nhiều hoạt động tấn công bằng UAV cỡ nhỏ đã khiến Lục quân Mỹ nhận ra rằng Không quân không còn có thể đảm bảo 100% an ninh cho chiến trường trên bộ, đặc biệt là "vài km cuối cùng" trên không.
Hiện tại, lực lượng phòng không của Lục quân Mỹ chủ yếu dựa vào hệ thống Patriot và Avenger. Trên thực tế, vào tháng 9/2019, hai cơ sở dầu khí của Saudi Arabian Oil Co. đã bị tấn công bằng UAV và tên lửa hành trình, hệ thống phòng không Patriot được triển khai ở khu vực lân cận nhưng gần như “bó tay” với các cuộc tấn công kiểu "bão hòa" với nhiều chủng loại tên lửa, mật độ cao và đa hướng.
Ngoài ra, Mỹ cũng coi Nga là "đối thủ cân sức" trong những năm gần đây. Giới quân sự cấp cao của Mỹ cho rằng, trong cuộc cạnh tranh tiền tuyến với Nga, các lữ đoàn tác chiến của Lục quân Mỹ đóng tại châu Âu cần tăng cường khả năng phòng không để đáp ứng nhu cầu của các chiến dịch đa miền trong tương lai.
Vì lý do này, Lục quân Mỹ đã bắt đầu kiểm tra lại tầm quan trọng của các hệ thống phòng không tầm ngắn và định hình lại khái niệm về các hoạt động phòng không trên thực địa.
Phòng không tầm ngắn kết hợp giữa mới và cũ
Theo truyền thông Mỹ, hệ thống phòng không tầm ngắn di động sử dụng khung gầm xe bọc thép Stryker. Về hỏa lực, nó được trang bị tên lửa Stinger, tên lửa chống tăng AGM-114L Longbow Hellfire và pháo xích Bushmaster 30 mm XM914.
Ngoài ra, hệ thống này được trang bị radar bán cầu đa nhiệm vụ (MHR) có khả năng phát hiện và theo dõi các mục tiêu không đối đất 360 độ (phạm vi phát hiện đối với máy bay chiến đấu là 30 km và phạm vi phát hiện đối với UAV nhỏ là 4 - 5 km. Hệ thống này được tích hợp với mạng hiện có của Lục quân Mỹ và có thể tương tác với các radar riêng lẻ.
Dưới sự kết hợp của radar bán cầu đa nhiệm và nền tảng tấn công vũ khí đa chiều, hệ thống có thể bảo vệ Lục quân Mỹ chống lại các mục tiêu đe dọa truyền thống ở độ cao thấp như máy bay cánh cố định, máy bay cánh quạt, pháo binh và súng cối (phạm vi phòng thủ tối đa chống lại máy bay cánh cố định và trực thăng là 8 km), nó cũng có thể đối phó với các mục tiêu bay không người lái khác nhau (phạm vi phòng thủ tối đa là 6 km).
Ngoài ra, hệ thống cũng có thể tiêu diệt các mục tiêu giáp mặt đất, điều này đã đáp ứng tốt các yêu cầu của Mỹ trong hoạt động cơ động phòng không cấp lữ đoàn.
Theo kế hoạch, Lục quân Mỹ sẽ triển khai 144 hệ thống phòng không tầm ngắn di động cho 4 tiểu đoàn phòng không ở châu Âu trong năm nay. Tiểu đoàn 1 và 2 sẽ được trang bị 36 hệ thống vào năm tài chính 2021, và tiểu đoàn 3 và 4 sẽ thành lập năm 2022, mỗi tiểu đoàn cũng được trang bị 36 hệ thống.
Trong tương lai, Lục quân Mỹ cũng có kế hoạch thành lập 18 tiểu đoàn phòng không trên cơ sở hệ thống phòng không tầm ngắn di động để giải quyết vấn đề khả năng phòng không yếu kém của 10 sư đoàn hiện có và 8 Lữ vệ binh quốc gia.
Ngoài ra, Quân đội Mỹ đã ký hợp đồng với Northrop Grumman và Raytheon để sản xuất vũ khí laser 50 kilowatt cho hệ thống phòng không tầm ngắn di động, dự kiến kế hoạch tích hợp vũ khí laser vào hệ thống này sẽ bắt đầu từ năm 2022.
Nhìn chung, hệ thống phòng không tầm ngắn di động tích hợp khả năng chống thiết giáp đã phá vỡ ranh giới giữa phương tiện bọc thép truyền thống và vũ khí phòng không, không chỉ vậy, nó còn được tích hợp chức năng chống UAV, đây có thể coi là “tương lai của phòng không tầm ngắn”, là một xu hướng mới trong sự phát triển của vũ khí trang bị.
Khám phá ‘lá chắn’ và ‘lưỡi dao’ của Israel trong xung đột với Palestine
Trong xung đột với Palestine, Israel đã kết hợp các chiến thuật tấn công, phòng thủ một cách linh hoạt thông qua việc sử dụng hai “át chủ bài” là Iron Dome và JDAM.
Đức Trí (lược dịch)