Hãy sống tử tế nhất có thể
1.Tuần qua, nhiều báo ở Mỹ đăng một mẩu tin rất buồn. Chuyện rằng một cô gái xinh đẹp Birgitte Kallestad (24 tuổi) xứ Na Uy đi cùng bạn đến Philippines du lịch. Cả hai giải cứu một con cún con bị lạc, mang về phòng, tắm rửa, cho nó ăn và chơi với chó.
Khi cô Birgitte bị cún con cắn, cô có sát trùng vết thương cẩn thận vì cô là một y tá. Trở về Na Uy, cô vẫn đi làm bình thường cho đến một ngày cô phát bệnh.
Cô được đưa đến phòng cấp cứu nhiều lần nhưng các bác sĩ không thể chẩn đoán chính xác bệnh gì cho đến 3 ngày trước khi cô qua đời, mối liên hệ chó cắn 2 tháng trước với bệnh tình hiện tại của Birgitte mới được làm rõ. Nhưng quá muộn, không có phép màu cho cô.
Sau 200 năm, chết vì bệnh dại mới xuất hiện trở lại ở Na Uy, chẳng còn ai nghĩ đến bệnh dại hay chích ngừa sau khi bị chó cắn nên trường hợp của cô Birgitte sẽ rất là vô tâm khi nói cô “chết vì thiếu hiểu biết”. Một số tờ báo giật tít đại loại như chết vì cứu chó lạc, có gì đó sai sai so với ngạn ngữ Việt Nam “cứu vật, vật trả ơn”.
Nhưng truyện ngụ ngôn Ấn Độ lại khác. Tôi nhớ hoài câu chuyện một lão nông bắt gặp một con rắn sắp chết vì lạnh cóng. Động lòng trắc ẩn, ông cứu nó bằng cách ủ ấm cho nó trong cơ thể của mình. Có hơi ấm của người, con rắn từ từ tỉnh lại, nhưng sau đó nó cắn chết người cứu nó. Cứu vật, vật không trả ơn; còn giúp nhân, nhân có trả oán như ông bà xưa đã răn?
Câu chuyện anh Nguyễn Ngọc Hiền, làm nghề dọn vệ sinh đã trả lại 7.400 USD cho người bị mất làm lay động lòng người. Trả lại người mất của cả một gia tài, triết lý của thanh niên nghèo này rất đơn giản: Người ta làm ra đồng tiền cũng cực khổ. Mình trả lại người ta vui, mình cũng vui. Sau nghĩa cử của Hiền, nhiều người đã tìm gặp tặng quà, thậm chí còn giúp Hiền việc làm. Vậy giúp người không bị “trả oán”, ngược lại tấm lòng thiện lương của anh Hiền đã được đền đáp, dù rằng khi giúp người anh không mong cầu sự đáp trả.
Hoàng “hiệp sĩ” làm nghề sửa xe kiêm cứu hộ trên đèo Lò Xo với quan niệm cứu người: Cứ thấy người ta bị nạn thì mình xông vào cứu thôi! Ảnh: HỮU PHÚC |
2.Nhiều người lợi dụng từ thiện để trục lợi cho bản thân, khi việc lừa lọc này bị khui ra khiến niềm tin “cho đi” đổ vỡ. Đôi khi ta loay hoay tự hỏi, có nên giúp người hay giúp xong rồi lại rước họa vào thân. Bên trong ta như có “2 nửa” lý luận với nhau, chẳng hạn như có nên giúp người bạn làm ăn thua lỗ? Nhưng nếu bạn không trả, tiền mất, tình bạn cũng ra đi. Có nên cho tiền những hành khất đang chìa tay mong được bố thí?
Nhưng nếu cho họ sẽ tạo ra sự ỷ lại, ăn bám xã hội. Mà có thật họ sa cơ lỡ bước, hay tại lười biếng lao động, xin tiền xong lại mua rượu hay cờ bạc, hút xách? Đôi khi trái tim ta sẵn sàng cho đi, song chữ “nhưng” của lý trí níu giữ lại. Rất nhiều lần, chồng và tôi cãi nhau về chuyện bố thí. Chồng nói, chồng không động lòng, cho dù những người ăn xin ngụy trang nghèo khó, rách rưới, khốn khổ cỡ nào, vì đó là “nghề” của họ; trong khi tôi hay thò tay vào túi khi thấy những mảnh đời khốn khó trước mắt chẳng thể làm ngơ.
Cho dù tôi biết xã hội càng hiện đại, chiêu lừa đánh vào lòng trắc ẩn của lòng người ngày càng tinh vi. Tôi vẫn thường tự an ủi khi cho đi sau đó biết mình bị lừa, coi như “lỡ” rồi. Điều đáng sợ nhất sau nhiều lần bị “lỡ” sẽ biến con người thành vô cảm, giận luôn cả bản thân “sống tốt để làm gì?!”.
3.Sống tốt quá, nghĩ cho người khác nhiều hơn bản thân mình khi họ cần giúp đỡ cũng là một cái tội... ngu? Tôi đang bực mình chuyện “giúp người, mất của” mới xảy ra. Tôi có cho một ông già người Mỹ mượn máy laptop xài tạm, rồi ông ấy dọn nhà đi nơi khác, lu bu sao đó, ông đã quên trả lại tôi. Khi tôi hỏi thì ông nói, ông biết chắc nó đang ở trong nhà kho cùng với hàng trăm thứ khác mà ông chẳng thể nào phân loại để tìm trả lại cho tôi.
Lúc đó tôi giận ơi là giận! Cái máy cũ có hàng ngàn bức hình quý của cả gia đình cùng với biết bao nhiêu tư liệu hay của một thời viết báo. Giờ ông già nói chuyện huề vốn, tôi giận ông, song cũng tự trách mình cái tội sốt sắng giúp người “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”.
Có nên sống ích kỷ để tự bảo vệ mình? Hoang mang quá, tôi hỏi một người bạn nổi tiếng tử tế, hay cúng dường làm phước, anh nói từ kinh nghiệm bản thân: Cứ sống tốt đi, mọi thứ trời xanh đã có sự an bài. Nếu mình thiệt thòi một chút nhưng giúp người khác hạnh phúc thì cũng đáng làm. Sống tốt cũng cần phải thực tập, bao dung, khi giúp xong rồi hãy để “gió cuốn đi”.
Sau buổi nói chuyện đó, tôi không còn suy nghĩ thêm về cái laptop của mình. Bỗng ngày hôm qua, ông già Mỹ xuất hiện, tặng cho tôi một cái laptop mới, khuyến mãi thêm con chuột cùng với tai nghe. Ông nói: “Xin lỗi cô nha! Tôi chưa có thời gian dọn nhà kho để hoàn trả máy tính cho cô nên tôi tặng cô máy này. Xin đừng từ chối món quà của tôi”. Trước sự ngạc nhiên sửng sốt của tôi, ông nói thêm: “Đảm bảo máy cũ của cô vẫn còn, tôi sẽ mang trả lại khi nào tôi dọn xong nhà kho”.
Xã hội thời nào cũng cần những hành động tử tế, nhân ái. Như những vết dầu lan tỏa, cái tốt cộng hưởng sẽ khiến người giúp và người được giúp sống hạnh phúc, lạc quan và mạnh khỏe hơn, theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học. Còn theo luật nhân quả, gieo nhân lành sẽ gặt quả tốt. Cứ sống tốt, giúp người với tâm trong sáng, mọi thứ còn lại trời xanh sẽ an bài.