Hậu Giang: Bế tắc trong xử lý rác thải y tế
Hậu Giang: Bế tắc trong xử lý rác thải y tế
Điều này dẫn đến hậu quả quá tải chất thải rắn, còn chất thải lỏng thì thải thẳng ra sông, kênh rạch.
Nếu không sớm xây dựng hệ thống xử lý rác thải thì nguy cơ lây nhiễm bệnh tật và ô nhiễm môi trường là rất lớn
Đơn cử như tại Bệnh viện Đa khoa huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, mỗi ngày thải ra khoảng 60 kg rác thải y tế. Thế nhưng, lò đốt rác của bệnh viện này được đầu tư xây dựng từ rất lâu nên đã hư hỏng nặng. Khi lò đốt được sửa chữa hoạt động trở lại thì mỗi lần đốt phải hao phí rất nhiều nhiên liệu.
Bà Lâm Thu Thủy, Phó Giám đốc bệnh viện, cho biết: “Cứ 2 ngày thì bệnh viện phải xử lý đốt rác thải một lần. Mỗi lần đốt như vậy phải tốn hơn 30 lít dầu hỏa và hơn 10 số điện. Chưa kể đến việc lò đốt đã xuống cấp nặng nên mỗi lần đốt thì khói bay ra khu vực xung quanh rất nhiều, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống sinh hoạt của người dân”.
Bà Thủy cũng cho biết thêm, nếu như Sở Y tế và UBND tỉnh không sớm đầu tư kinh phí xây dựng hệ thống xử lý rác thải mới thì rác thải sẽ được chất đống tại bệnh viện, gây lây nhiễm bệnh tật và ô nhiễm môi trường sống của người dân rất nặng nề.
Còn Bệnh viện Đa khoa huyện Phụng Hiệp chỉ là một cơ sở tạm để chờ xây dựng bệnh viện mới. Bệnh viện còn chưa có thì nói chi đến chuyện được đầu tư một lò đốt rác y tế theo đúng tiêu chuẩn quy định. Ông Lý Minh Quang, Giám đốc bệnh viện cho biết, hiện lò đốt của bệnh viện chỉ tiêu hủy được 10 kg rác/lần đốt nhưng đã hao tốn đến vài chục lít dầu hỏa. Với tình trạng này, bệnh viện khó mà có đủ tiền để mua dầu hỏa cho các lò đốt “uống” mỗi ngày. Còn chất thải lỏng thì bệnh viện chỉ xử lý xơ xài qua hệ thống lắng lọc, rồi thải thẳng ra sông.
Trung bình mỗi ngày, toàn tỉnh Hậu Giang phải tiếp nhận trên 1 tấn rác thải y tế các loại từ 8 bệnh viện đa khoa các cấp và trên 70 trạm xá, phòng khám khu vực tại các xã, phường, thị trấn. Tuy nhiên, trước tình hình hệ thống xử lý chất thải rắn và chất thải lỏng chưa được đầu tư hoàn chỉnh thì nhiều cơ sở y tế buộc lòng phải chọn giải phải thải thẳng ra môi trường xung quanh.
Ông Nguyễn An Ninh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hậu Giang cho rằng, đây là vấn nan giải và tồn tại nhiều năm qua, nhưng tỉnh vẫn chưa có biện pháp giải quyết thỏa đáng. Bởi lẽ, hiện nay, tỉnh chỉ mới đầu tư kinh phí để nâng cấp, sửa chữa các bệnh viện đã xuống cấp nặng, chứ chưa có kinh phí cho việc xử lý rác thải.
Ông Ninh lo lắng: Nếu rác thải, nước thải y tế không được xử lý triệt để trước khi thải ra môi trường sẽ là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và rất dễ lây lan mầm bệnh cho cộng đồng.
LÊ KHẢI