Hành trình vượt ngàn km trong đêm của trái tim được hiến tặng
Một ca ghép tim tại Bệnh viện Trung ương Huế. Ảnh bệnh viện cung cấp |
12h đêm 20/7, đoàn bác sĩ từ Bệnh viện Trung ương Huế có mặt tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) sau khi nhận được thông tin có một bệnh nhân chết não đồng ý hiến tạng nhân đạo.
Người hiến tạng là nạn nhân của một vụ tai nạn giao thông, chấn thương sọ não nguy kịch. Mặc dù đã được cấp cứu và điều trị tại tuyến dưới nhưng khi đưa lên Bệnh viện Chợ Rẫy, anh vẫn trong tình trạng nguy kịch. Đến ngày 19/7, anh hoàn toàn chết não mặc dù tim vẫn đập, đây là lúc người nhà anh đồng ý cho phép bệnh viện lấy tạng để cứu người.
TS.BS Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng Đơn vị Điều phối ghép tạng Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ: “Khi biết tin người nhà bệnh nhân đồng ý hiến tạng, cả ekip đã phải thức cả đêm để làm các xét nghiệm đánh giá chức năng tạng, tính toán lấy bộ phận nào, xác định bệnh nhân nào đang cần nội tạng và có cùng nhóm máu để có thể tiến hành ghép gấp”
GS.TS.BS Trần Ngọc Sinh, cố vấn khoa Thận - Tiết Niệu, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, nội tạng lấy từ bệnh nhân chết não là có giá trị nhất, tỉ lệ ghép thành công lên đến 95%. Tuy nhiên, thời gian bảo quản của tạng không kéo dài (thận: bảo quản được trong 24 tiếng, tim: 3 tiếng, phổi: 4 tiếng) nên lấy tạng ra là phải tính đến việc ghép ngay.
GS Trần Ngọc Sinh chia sẻ: "Tại Việt Nam, kỹ thuật ghép tim chỉ Bệnh viện Trung ương Huế thực hiện được. Trong thế không thể phung phí “báu vật” vừa được tặng, chúng tôi liên lạc với đồng nghiệp ngoài đó và thật may mắn, Bệnh viện Trung ương Huế cho biết đang có bệnh nhân cần thay tim mà lại có trùng nhóm máu với người hiến. Từ thời khắc đó, kế hoạch chuyển tim chính thức bắt đầu", giáo sư Sinh kể.
Nhóm bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Huế cấp tốc bay vào Bệnh viện Chợ Rẫy, mang theo mẫu máu của người chờ ghép. Thời gian quá gấp mà công việc thì quá nhiều, các bác sĩ vừa phải lấy tạng, vừa phải chờ kết quả xét nghiệm đối chứng khẩn cấp từ Trung tâm truyền máu huyết học xem có phù hợp giữa người hiến và người được ghép hay không.
Trong thời gian chờ đợi đến 7h sáng để có kết quả xét nghiệm, các bác sĩ hai miền tính toán phương án lấy và di chuyển tạng. Khối tim phổi muốn vượt hơn 1.000 km về Huế kịp thời phải được tính toán kỹ lưỡng từng giây phút. Ban giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy đã liên hệ với ngành hàng không để được sắp xếp đặc cách các thủ tục, giúp đỡ một cách nhanh nhất khi di chuyển. Quả tim được bảo quản trong một quy trình đặc biệt trước khi các bác sĩ tức tốc ra sân bay khởi hành đoạn đường dài hơn nghìn cây số.
"Ai cũng hồi hộp chờ kết quả vì nếu kết quả xét nghiệm không hòa hợp thì coi như khối tim phổi không có giá trị. May mắn 6h30 đoàn điều chuyển khối tim phổi về đến Huế thì 7h có kết quả xét nghiệm âm tính, có thể đảm bảo điều kiện nhận", TS. Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng Đơn vị Điều phối Ghép tạng Bệnh viện Chợ Rẫy nhớ lại.
Đến sáng 22/7, thông tin từ Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, sau khi được ghép tim, sức khỏe bệnh nhân ổn định và đang được chăm sóc đặc biệt tại khu hồi sức tim của bệnh viện này.
PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết trong khi khối tim phổi được chuyển ra Huế thì mô tạng của người hiến tặng này đã được ghép thành công cho một bệnh nhân ung thư gan và 2 trường hợp suy thận mạn giai đoạn cuối. Giác mạc của người hiến tặng này cũng được ngân hàng mắt của đơn vị quản lý chuyên phục vụ bệnh nhân nghèo nhận để ghép cho 2 người, theo kế hoạch sẽ ghép vào ngày 22/7.