Hành hương về Yên Tử
Trước khi hành hương về non thiêng Yên Tử, tôi đã đọc khá nhiều bài viết về vùng địa linh này song vẫn không khỏi bất ngờ. Yên Tử quá hùng vĩ và nên thơ. Ở đây, mỗi gốc cây, ngọn suối... đều hàm chứa một phần lịch sử và nhuốm màu huyền thoại.
Nhân dịp Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 33 (cuối năm 2013 tại TP.Hạ Long, Quảng Ninh), sau 3 ngày tham gia các sự kiện, hội thảo, diễn đàn, các nhà báo đều muốn có một ngày “xả hơi”. Nhưng đi đâu, khi ở Quảng Ninh - nơi được xem là một Việt Nam thu nhỏ có rất nhiều điểm lựa chọn như: Hạ Long, một trong bảy kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới; Những mỏ than Mạo Khê, Vàng Danh, Cọc Sáu – nơi hàng ngày đem lại hàng triệu tấn than, những khối vàng đen của Tổ quốc. Tham khảo ý kiến chung thì có một nơi chúng tôi ai cũng muốn ghé qua, đó chính là non thiêng Yên Tử. Nơi cách đây 700 năm, sau hai lần chỉ huy đuổi giặc Nguyên Mông, Thái Thượng hoàng Trần Nhân Tông đã cởi long bào, nhường ngôi cho con, lên ngọn núi cao ngất tận miền Đông Bắc này để tìm đến tận cùng căn nguyên của Phật.
Chúng tôi, đoàn nhà báo Đài PT-TH Phú Yên cùng hàng trăm nhà báo của các đài bạn đã chọn Yên Tử làm địa điểm tham quan. Từ TP Hạ Long xinh đẹp, đoàn xe hướng ngược lại đường 18 về phía TP. Uông Bí. Giữa Đông, rét vẫn ngọt nhưng cảnh vật hai bên đường mờ sương ảo, đẹp không thể tả. Đường càng lên cao, cái cảm giác của chốn bồng lai càng khiến nhiều người ngất ngây men say. Yên Tử, ngọn núi cao ngất của cánh cung Đông Bắc đã hiện ra trước mặt. Hôm nay được ngày nắng đẹp. Tiếng nhạc thiền, tiếng suối róc rách như chảy từ một miền sâu thẳm hòa quyện. Yên Tử đứng đó, từ thuở tiền nhân, tự tại, ung dung, mà nỗi niềm qua bao thế kỷ.
Đứng trước ngọn núi thiêng, tôi nhớ đến bức tranh “Trúc Lâm Đại sĩ xuất sơn đồ” vẽ cách đây 650 năm, hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Liêu Ninh (Trung Quốc). Nghe nói bức vẽ được định giá đến 2 triệu USD, tả cảnh Phật hoàng Trần Nhân Tông sau khi đã tu hành đắc đạo, hạ sơn đi truyền đạo. Phật hoàng là linh hồn của 2 trong 3 cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên Mông, khi vó ngựa đã giày xéo một dải đất mênh mông từ Á đến Âu nhưng đã phải thất bại thảm hại tại Đại Việt. Trần Nhân Tông là vị vua anh minh, lỗi lạc, người anh hùng dân tộc đã thay long bào bằng áo cà sa, lặn lội lên đỉnh Yên Tử tu hành. Người đã ngồi đây, lắng trong trời đất, suy ngẫm đạo, đời mà nói lên câu nói bất hủ: “Núi vốn không có Phật. Phật ở trong tâm. Tâm lặng lẽ mà biết, ấy là chân Phật”. Và Thiền phái Trúc Lâm được Người khai sinh cũng thấm đẫm triết học Phật giáo cùng tinh thần và tâm hồn Việt.
Lộ trình theo chỉ dẫn dài tới hơn 17km. Chúng tôi bắt đầu làm lễ ở chùa Bí Thượng (chùa Trình). Trong khi đợi làm lễ, tôi có dịp trò chuyện cùng nhà báo lão thành Phạm Khắc Lãm - nguyên Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam. Ở tuổi 84 tuổi, nhà báo vẫn còn rất hoạt bát. Khi nói về văn hóa truyền hình, ông cho rằng, dù ở góc độ nào, cũng phải lấy con người làm tâm điểm, làm trục. Lên Yên Tử lần này, mục tiêu của ông cũng chính là để cảm con người nhất trong tâm Phật, thể hiện hết sức sâu sắc và sinh động ở Phật hoàng Trần Nhân Tông.
Để lên đến đỉnh Yên Tử, chúng tôi phải qua 2 chặng cáp treo và 1,5km đi bộ. Chặng 1 từ chùa Giải Oan đến chùa Hoa Viên, dài 1.204m; chặng 2 từ chùa Hoa Yên đi tiếp dài 897m đến điểm nghỉ chân. Từ điểm ga này đi bộ khoảng 1.500m là lên đến đỉnh Yên Tử. Nói thêm về chùa Hoa Yên, nơi đây có Tháp Tổ (Huệ Quang Kim Tháp), xây dựng năm 1309, nơi lưu giữ xá lỵ của Người. Từ cáp treo Yên Tử, cảnh trí non nước vừa hùng vĩ, nên thơ, vừa kỳ bí, trải dài ngút tầm mắt bên dưới.
Khoáng đạt nhất là chặng đường đi bộ 1.500m lên tới đỉnh (nơi có chùa Đồng). Đường càng lên cao, càng cheo leo, gập ghềnh, hiểm trở, nhiều nhà báo trẻ phải ngồi nghỉ chân, thở dốc. Giữa chặng đường đi bộ, chúng tôi ghé vào thắp hương tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông. Nhà báo Phạm Khắc Lãm thắp hương và trầm ngâm nhớ về bài thơ đầy triết lý nhân văn của Người: Sống là mặc áo/ Chết là cởi ra/ Xưa nay chẳng qua/ Một con đường ấy...
Ông kể, cha ông là cụ Phạm Khắc Hòe, quê Đức Thọ, Hà Tĩnh, nguyên Ngự tiền văn phòng đổng lý (hàm Thượng thư) của triều đình Bảo Đại. Hành trình từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc, phục vụ kháng chiến của cha ông là cuộc hành trình gian nan nhưng hết sức tự hào. Cụ Phạm Khắc Hòe, một trí thức, một vị đại thần, đã từ bỏ tất cả để đi theo kháng chiến, đi theo Cụ Hồ.
Đoàn nhà báo hành hương lên Yên Tử... |
Từ tượng Phật Hoàng lên chùa Đồng chỉ chừng 300m. Chùa nằm ngay trên khối đá cao nhất của đỉnh Yên Tử, được đúc bằng đồng nguyên chất, nặng trên 70 tấn, là nơi thờ tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và Tam Tổ Trúc Lâm. Đây là nơi khi xưa Tam Tổ Trúc Lâm và các thiền sư thường ngồi thiền để “Thân hòa đồng trụ, giới hòa đồng trụ”. Ngôi chùa đẹp như một đài sen...
Đường lên cheo leo bao nhiêu, thì đường xuống càng thăm thẳm. Thay vì đi cáp treo, tôi, nhà báo Trần Thanh Hưng và nhà báo Lê Biết (Đài PT-TH Phú Yên) lại lạc vào tuyến đi bộ. Nhưng như trời xanh hữu ý, khi lối đi cỏ cây vấn vít, nhiều khúc quanh, lối rẽ, cảnh đẹp ngỡ ngàng. Chúng tôi lạc bước vào rừng trúc mênh mông, đều tăm tắp, lao xao trong gió. Theo thói quen, nhà báo Trần Thanh Hưng vác máy quay phim ra ghi lại, tôi thì bấm máy ảnh đến hết cả dung lượng thẻ nhớ...
Tạm biệt Yên Tử, tôi hái một cành trúc, ép vào trong sổ tay đưa về TP. Tuy Hòa. Bây giờ, lá trúc đã khô quắt lại, nhưng hương Phật thì vẫn thoang thoảng. Trong đầu tôi lại văng vẳng bài thơ “Thiên Trường vãn vọng” của Người: Thôn hậu thôn tiền đạm tự yên/ Bán vô bán hữu tịch dương biên/ Mục đồng địch lí ngưu quy tận/ Bạch lộ song song phi hạ điền” ( tức là: Trước xóm sau thôn tựa khói lồng/ Bóng chiều man mác có dường không/ Mục đồng sáo vẳng trâu về hết/ Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng - bản dịch Ngô Tất Tố).