Hành hung nhân viên y tế: Tâm sự chua xót của một bác sĩ
Không lẽ dưới mắt mọi người, cứ có người hành hung nhân viên y tế là nhân viên y tế có lỗi hay sao? Và ai hành hung nhân viên y tế cũng sẽ được thông cảm hay sao? |
Bản tin về vụ hành hung nhân viên y tế tại Bệnh viện Bạch Mai đăng tải trên một tờ báo mạng có khá nhiều phản hồi của độc giả. Chỉ sau 10 tiếng đồng hồ, ý kiến cho rằng đó là lỗi của ngành y mà không có lấy 1 từ phê phán hành vi côn đồ của kẻ hành hung nhân viên y tế, nhận được nhiều sự tán thưởng nhất: hơn 2.000 ý kiến. Hầu hết các ý kiến được nhiều người ủng hộ đều cho rằng nhân viên y tế có lỗi.
Đọc kĩ lại bản tin, chẳng có cái gì có thể nói rằng nhân viên y tế có lỗi trong trường hợp này. Sao thế này? Không lẽ xã hội đã căm thù ngành y đến thế hay sao? Không lẽ dưới mắt mọi người, cứ có người hành hung nhân viên y tế là nhân viên y tế có lỗi hay sao? Và ai hành hung nhân viên y tế cũng sẽ được thông cảm hay sao?
4 giờ sáng, trong khi các vị yên ấm trong chăn, ôm vợ, ôm chồng, ôm con mà ngủ thì chúng tôi phải thức, phải căng thẳng, phải khám, chữa cho nhiều bệnh nhân nặng cùng một lúc. Chúng tôi đâu có mình đồng da sắt, chúng tôi cũng là con người, chúng tôi cũng cần ngủ, cần nghỉ, chúng tôi cũng có nhu cầu ôm vợ, ôm chồng, ôm con chứ. Vậy mà chúng tôi phải bỏ hết, để phục vụ cho các vị. Tại sao các vị lại đối xử với chúng tôi như vậy?
Đây là một ví dụ điển hình của việc đạo đức xã hội đã xuống cấp nghiêm trọng. Bất cứ ai cũng cho mình có cái quyền chà đạp lên người khác, cho mình cái quyền phải được ưu tiên số 1. Ngay cả những bệnh viện không quá tải ở các nước tiến tiến, như ở Mỹ chẳng hạn, người ta cũng phải phân loại bệnh nhân cấp cứu, ai bị nguy hiểm hơn cấp cứu trước, ít nguy hiểm hơn cấp cứu sau.
Ở Việt Nam, phòng cấp cứu của bệnh viện lớn nào cũng quá tải, trang thiết bị quá thiếu và không đồng bộ, lại thêm người nhà luôn có mặt trong phòng cấp cứu, luôn tham gia vào việc cấp cứu, điều trị, gây thêm sự căng thẳng không từ lí do chuyên môn cho nhân viên y tế. Còn nhớ hồi chiến tranh Irắc, TV quay cảnh các bệnh viện quá tải do chiến tranh, chúng tôi còn mơ ước được “quá tải” như vậy, vì đối với chúng tôi đó là sự thong dong, không thể coi là quá tải.
Trong quá trình hành nghề, tôi thường gặp những bệnh nhân giống như trường hợp này. Chúng tôi khám, cho thuốc và theo dõi. Nhưng thân nhân cứ muốn chúng tôi phải làm gì đó, mà chúng tôi làm gì bây giờ? Khi giải thích phải theo dõi thì thân nhân không tin, cho rằng chúng tôi vòi vĩnh. Ai cũng luôn cho mình là người bị bệnh nặng nhất.
Nếu mỗi người chúng ta biết nghĩ đến những đồng loại đang nằm bên cạnh mình, căn bệnh của chúng ta sẽ bớt nặng. Đây không phải là phát biểu của cá nhân tôi, mà là phát biểu của nhiều bệnh nhân đã được chúng tôi cấp cứu, chữa trị.
Tôi đã gặp nhiều trường hợp người nhà bệnh nhân ngay từ khi vào viện đã có thái độ hống hách. Điều này thường gặp ở những người có vai vế, hoặc có nhiều tiền mà văn hóa của họ lại không tỉ lệ thuận với vai vế và mức độ giàu sang. Họ không thèm hợp tác với nhân viên y tế, giống y như cái ông trong câu chuyện này, không chịu cho biết địa chỉ. Những người này chỉ biết đòi hỏi, và thường gây sự để đạt được những thứ họ muốn.
Hiện nay, rất nhiều nhân viên y tế chán nản với nghề. Quá nhiều căng thẳng, quá nhiều bất công, quá nhiều những nỗi oan ức. Đây là một trường hợp điển hình. Lẽ ra phải lên án hành vi của kẻ đã ra tay hành hung nhân viên y tế, khen ngợi những nhân viên y tế đã không vì bức xúc mà đánh lại thì các vị lại qui kết, chụp mũ cho nhân viên y tế là sai trái, là phải xem lại.
Nếu nhân viên y tế sai, sẽ có pháp luật xử lí, nếu bệnh viện sai, sẽ có pháp luật xử lí. Hãy để cho luật pháp làm việc. Cần phải thiết lập lại kỉ cương. Không thể cổ vũ, không thể thông cảm cho những hành vi bạo lực, đặc biệt là những hành vi bạo lực nhắm vào nhân viên y tế, những người vì lương tâm, vì y đức mà không tự vệ theo bản năng thông thường.
Báo chí đưa tin các bác sĩ phải đi học võ để tự vệ. Điều đó có nghĩa là ở đó, các bác sĩ sẵn sàng tự vệ, sẵn sàng triệt tiêu khả năng tấn công của kẻ hành hung mình. Các vị có hiểu rằng nếu chúng tôi xử sự như vậy thì người thua là các vị không? Chúng tôi chẳng cần phải học võ đâu, chúng tôi có rất nhiều cách để triệt tiêu khả năng hung hãn của những kẻ hành hung chúng tôi, và chúng tôi thường là một tập thể đoàn kết.
Các vị đừng đẩy chúng tôi đến cái mức phải tự vệ, phải giở những chiêu trò vô đạo đức ra. Các vị đòi hỏi chúng tôi là lương y thì việc đầu tiên các vị phải cho chúng tôi cơ hội để trở thành lương y. Nếu các vị cứ luôn qui chụp chúng tôi như thế này thì làm sao chúng tôi có thể trở thành lương y được? Không phải tự nhiên mà nhiều thầy thuốc hiện nay, trong đó có cả tôi, không muốn con theo nghề của mình.
Nếu xã hội cứ bất công với ngành y như thế này, sẽ đến một ngày mà tất cả những bệnh nhân mà bản thân họ, hoặc thân nhân của họ có bất cứ hành vi nào có nguy cơ gây hại cho nhân viên y tế, sẽ được đuổi khéo, sẽ trở thành trái bóng được đá qua đá lại giữa các thầy thuốc, giữa các bệnh viện. Rất nhiều bệnh nhân của chúng ta đã được các bác sĩ khuyên ra nước ngoài chữa trị, mà không phải là do căn bệnh vượt quá tầm tay của các bác sĩ, chỉ đơn giản là các bác sĩ không muốn “dây” vào thôi.
Cần phải nghiêm trị những kẻ hành hung nhân viên y tế, dù vì bất cứ lí do gì. Nếu nhân viên y tế sai, sẽ có pháp luật xử lí, nếu bệnh viện sai, sẽ có pháp luật xử lí. Hãy để cho luật pháp làm việc. Cần phải thiết lập lại kỉ cương. Không thể cổ vũ, không thể thông cảm cho những hành vi bạo lực, đặc biệt là những hành vi bạo lực nhắm vào nhân viên y tế, những người vì lương tâm, vì y đức mà không tự vệ theo bản năng thông thường.
Nguồn SKĐS