Hàng Việt về nông thôn: Vẫn đau đầu chuyện hàng giả
Chiều 3/8, Hà Nội đã tổ chức hội nghị tổng kết sáu tháng đầu năm 2012 và ba năm thực hiện chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn thành phố, trong khuôn khổ cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Nằm trên địa bàn khá gần trung tâm thủ đô, đại diện huyện Đông Anh Hà Nội cho biết, năm 2012 huyện đã tổ chức được 14 phiên chợ hàng Việt, sang sáu tháng đầu năm đã tổ chức được năm phiên, thu hút một lượng lớn người tiêu dùng tham gia, hưởng ứng.
Tuy nhiên vị đại diện huyện Đông Anh cũng phản ánh thực trạng hàng hóa tại các phiên chợ hàng Việt chưa đa dạng, phong phú, chất lượng chưa đồng đều. Các sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao chưa được bày bán tại các phiên chợ. Thậm chí nhiều mặt hàng Trung Quốc còn nhái sản phẩm của Việt Nam, nhưng cũng được đưa về bày bán.
Nhiều sản phẩm bày bán tại các phiên chợ hàng Việt còn cao hơn giá thị trường. Ảnh minh họa |
Ông Dương Như Suất – Phó Chủ tịch MTTQ huyện Quốc Oai nhận định, mặc dù chỉ cách trung tâm Hà Nội 30 km, ngoài ra còn có Đại lộ Thăng Long đi lại rất thuận tiện, tuy nhiên các phiên chợ hàng Việt tổ chức trên địa bàn huyện Quốc Oai vẫn được đông đảo người dân tham gia. Vì thế chủ trương này sẽ còn mang lại hiệu quả nếu được tổ chức bài bản, khoa học, trên cơ sở đảm bảo quyền lợi thiết thực cho người tiêu dùng.
Tuy nhiên sau ba năm thực hiện chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, ông Suất cũng phản ánh nhiều mặt hạn chế, cần sớm được khắc phục. Thực tế cho thấy giá cả hàng hóa tại các phiên chợ hàng Việt chưa thực sự hấp dẫn người mua, chưa có sự ưu đãi, thậm chí giá nhiều mặt hàng còn cao hơn cả giá trên thị trường.
Bên cạnh đó các sản phẩm hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng Trung Quốc cũng là vấn đề đáng lo ngại tại các phiên chợ hàng Việt. Để ngăn ngừa thực trạng trên, ông Suất kiến nghị cơ quan quản lý thị trường phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an làm tốt công tác quản lý, giám sát khi tổ chức các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn. Ngoài ra các sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao còn được bày bán rất ít và cần bổ sung vào những phiên chợ sau này.
Đại diện huyện Hoài Đức thì phản ánh, mặc dù là một huyện đông dân số, nhu cầu tiêu dùng không hề nhỏ, nhưng trong ba năm qua rất ít phiên chợ hàng Việt được tổ chức trên địa bàn huyện Hoài Đức. Hiện trên địa bàn huyện có tới 4 – 5 xã vùng sâu, vùng xa, vì thế trong thời gian tới thành phố cũng như doanh nghiệp cần tổ chức các phiên hàng Việt về vùng nông thôn ngoại thành, cũng như địa bàn các vùng sâu, xa để có thể đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Trước những phản ánh từ các cơ sở, Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Đồng cho biết, mặc dù đã trải qua ba năm thực hiện nhưng đến nay vẫn chưa có một báo cáo tổng kết, đánh giá đầy đủ nào về chương trình. Nhưng ông Đồng cho rằng, vấn đề đáng được quan tâm nhất của chương trình này là công tác tổ chức sản xuất, phân phối lưu thông và công tác quản lý được thực hiện như thế nào?
Theo Phó Giám đốc Sở Công thương, phát triển công nghiệp luôn được coi là chủ lực trong lĩnh vực sản xuất. Qua đó thành phố sẽ tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cao, dịch vụ chất lượng cao…và hạn chế nhập khẩu, qua đó sẽ giảm giá cho các sản phẩm hàng hóa.
Tuy vậy vấn đề phân phối lưu thông hiện vẫn còn nhiều hạn chế. Năm 2011 thành phố Hà Nội tổ chức được 350 chuyến hàng về nông thôn, trong năm 2012 sẽ phấn đấu tăng lên 400 chuyến. Cũng theo kế hoạch, sáu tháng đầu năm 2012 sẽ tổ chức 45 chuyến, nhưng trên thực tế lại chỉ thực hiện được 32 chuyến hàng về nông thôn.
“Tại mỗi phiên chợ, Sở Công thương đã chỉ đạo, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện chặt chẽ công tác quản lý, giám sát, thực hiện tốt công tác thị trường. Trong sáu tháng của năm 2012, qua kiểm tra đã phát hiện và xử lý gần bốn nghìn vụ vi phạm hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc…”.
Trước những ý kiến đã phản ánh, ông Đồng cho rằng, các địa phương cần phân biệt để tránh nhầm lẫn giữa phiên chợ hàng Việt với loại hình hội chợ thương mại. Phiên chợ hàng Việt thì chỉ có hàng Việt mới được bày bán, còn hội chợ thương mại thì không giới hạn hàng trong hay ngoài nước.
Sau ba năm thực hiện, Phó Chủ tịch MTTQ thành phố Hà Nội Lê Thị Kim Oanh nhận định, những kết quả đạt được tuy khả quan nhưng chưa được như mong muốn. Vì thế thời gian tới các doanh nghiệp cần phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa để sản xuất ra các sản phẩm hàng hóa chất lượng, với giá cả hợp lý.
“Chất lượng hàng hóa không đảm bảo, giá thành lại cao có trách nhiệm của Sở Công thương. Vì thế Sở cần chỉ đạo cơ quan quản lý thị trường vào cuộc quyết liệt hơn trong thời gian tới. Người dân cũng phản ánh, nhiều hội chợ hàng Việt ở nông thôn nhưng lại hát những bài hát ngoại, ăn mặc hở hang, cờ bạc trá hình… Thực trạng trên cần khắc phục trong các phiên chợ sau này” – bà Oanh nhấn mạnh.
Nguyễn Dũng