Hàng Việt: Không thể cứ vận động suông, ép dùng
Đó là câu hỏi nêu lên của Phó Thủ tướng Hoàng trung Hải tại hội nghị sơ kết 3 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” diễn ra vào sáng ngày 14/12.
Có được những kết quả đó là nhờ thực hiện công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của người sản xuất và tiêu dùng; công tác điều hành, quản lý nhà nước; sự tham gia hưởng ứng của các doanh nghiệp, người tiêu dùng và hoạt động của ban chỉ đạo các cấp.
Hàng Việt đang được nhiều người tiêu dùng lựa chọn |
Theo công ty nghiên cứu thị trường định hướng (FTA), hiện nay 71% người tiêu dùng tin tưởng vào hàng Việt Nam chất lượng cao. Trước đó theo một kết quả điều tra trước khi triển khai cuộc vận động chỉ có 23% người dân tin dùng các sản phẩm trong nước, 73% người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng các thương hiệu nước ngoài. Có 38% người tiêu dùng khuyên người thân, bạn bè nên mua hàng Việt Nam.
Sau 3 năm triển khai thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, người tiêu dùng đã nhận thức sâu sắc mục đích, ý nghĩa Cuộc vận động và thay đổi hành vi tiêu dùng theo hướng ưu tiên mua sắm hàng sản xuất trong nước thay cho việc mua sắm hàng ngoại đã tồn tại bấy lâu nay.
Các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước cũng như các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã tích cực triển khai các giải pháp, hoạt động hưởng ứng cuộc vận động. Hàng hóa trong nước của một số siêu thị chiếm tỉ trọng lớn từ 80-90%. Hê thống siêu thị Big C có tới gần 90% là hàng sản xuất trong nước; hê thống siêu thi của Saigon CoopMart có tới gần 95% là hàng sản xuất trong nước…
Cuộc vận động đã tác động tích cực đến toàn xã hội giúp người tiêu dùng, cơ quan đơn vị tổ chức nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm, quyền lợi của người tiêu dùng đối với sản phẩm hàng hóa trong nước.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh đến công tác tuyên truyền để sử dụng hàng Việt trở thành nét văn hóa tiêu dùng của người Việt |
Theo nghiên cứu của công ty Nielsen về xu hướng tiêu dùng năm 2011 cho thấy, có đến 90% người tiêu dùng tại TP. Hồ Chí Minh chắc chắn sẽ lựa chọn Hàng Việt; TP Hà Nội là 83%. Tại nhiều địa phương, các mặt hàng dệt may, da giầy có tới 80% người ưu chuộng; nhóm hàng thực phẩm rau quả có tới trên 58% người ưa chuộng.
Là một doanh nghiệp hưởng ứng tích cực Cuộc vận động, ông Quách Cường- giám đốc Co.op Mart cho biết “Trong thời gian vừa qua, để hưởng ứng cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, hệ thống siêu thị Sài Gòn co.op đã đề ra chính sách, ưu tiên hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất hàng Việt Nam khi đưa vào phân phối. Ví dụ ưu tiên diện tích trưng bày sản phẩm, hỗ trợ quảng bá sản phẩm Việt thậm chí gắn kết để hỗ trợ vốn với nhau tăng cường sản phẩm có chất lượng trong hệ thống siêu thị. Chỉ đạo các siêu thị tổ chức trên 1000 chuyến bán hàng lưu động tại vùng sâu, vùng xa, khu công nghiệp, bán giảm so với siêu thị 3-5%. Vận động mỗi cán bộ nhân viên là đại sứ dùng hàng Việt, vận động khách hàng dùng hàng Việt, kiến nghị các doanh đầu tư công nghệ để có những sản phẩm tốt hơn".
Bên cạnh những kết quả đạt được thì cuộc vận động vẫn còn một số tồn tại hạn chế trong nhận thức của không ít cấp ủy , chính quyền, mặt trận và các đoàn thể dẫn đến công tác buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Cuộc vận động ở địa phương,; một số Ban chỉ đạo ở đại phương chưa làm hết trách nhiệm. Đồng thời các cơ chế chính sách chưa hoàn thiện đặc biệt là trong công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng lậu, hàng gian lận thương mại..
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định, cuộc vận động có ý nghĩa hết sức quan trọng và hiệu quả đối với nền kinh tế trong việc kiềm chế lạm phát, ổn định tỷ giá, góp phần tác động tích cực vào toàn xã hội. Bên cạnh đó việc ưu tiên mua sắm, tiêu dùng hàng hóa thương hiệu Việt, đó là thể hiện lòng yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc và bước đầu hình thành nét đẹp văn hóa của người tiêu dùng Việt Nam”.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh “Nâng cao chất lượng cạnh tranh phải đi cùng với chất lượng nhân lực, dịch vụ, công nghệ, sản phẩm. Không thể cứ vận động suông, chất lượng không ra gì mà cứ ép dùng. Như thế là không được. Các cơ quan thông tin đại chúng phải vào cuộc làm thay đổi nhận thức đáng kể nhưng phải là từ 2 phía, Chúng ta đòi hỏi nhà sản xuất phải sản xuất hàng hóa có chất lượng, tôn trọng người tiêu dùng. Và để thực hiện việc đó, cần có sự thông cảm ủng hộ, chia sẻ cuả người tiêu dùng bởi một sản phẩm tốt cũng cần có thời gian. Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam vận động là thế nhưng liệu có hàng Việt Nam để dùng không? Trong khi nhiều ngành còn phụ thuộc lớn”.
Để tăng cường triển khai Cuộc vận động trong thời gian tới, Phó Thủ tướng khẳng định, Chính phủ sẽ tiếp tục giải quyết các kiến nghị, cơ chế hỗ trợ chính sách, vốn vay, hỗ trợ đầu tư, thị trường cho doanh nghiệp bởi cuộc vận động có hiệu quả thì nòng cốt là doanh nghiệp phải đưa ra những sản phẩm có chất lượng, có năng lực cạnh tranh. Tiếp tục công tác tuyên truyền, xây dựng nếp văn hóa là một quá trình lâu dài, bền bỉ, nhất quán cần có sự hợp tác giữa ban chỉ đạo TƯ, các địa phương với các cơ quan thông tin đại chúng và doanh nghiệp.
Kết thúc hội nghị, ban tổ chức đã trao bằng khen cho 76 tập thể, 8 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong 3 năm triển khai Cuộc vận động.