Hàng không giảm chuyến, hàng hóa được doanh nghiệp vận chuyển ra sao?
VietnamPost và ViettelPost hiện đang là 2 doanh nghiệp chiếm thị phần chuyển phát lớn hơn cả tại thị trường Việt Nam. |
Ngày 31/3, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị 16 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Tại Chỉ thị này, Thủ tướng giao Bộ GTVT và các địa phương chỉ đạo cơ bản dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng; hạn chế tối đa việc di chuyển từ địa bàn, khu vực này sang địa bàn, khu vực khác; dừng việc di chuyển từ vùng có dịch đến các địa phương khác, trừ trường hợp đặc biệt vì lý do công vụ và các trường hợp cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết.
Ngay trước đó, thực hiện Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng chống dịch Covid-19, Bộ GTVT đã ra thông báo, với đường bay Hà Nội – TP.HCM - Hà Nội, mỗi hãng hàng không Việt Nam được khai thác 1 chuyến/ngày. Các đường bay Hà Nội - Đà Nẵng/Phú Quốc - Hà Nội, mỗi hãng hàng không Việt Nam được khai thác 1 chuyến/ngày/đường bay. Các đường bay TP.HCM - Đà Nẵng/Phú Quốc –TP.HCM, mỗi hãng hàng không Việt Nam được khai thác 1 chuyến/ngày/đường bay.
Theo đánh giá của các doanh nghiệp chuyển phát, so với thời điểm trước đây khi chưa có dịch Covid-19, sự điều chỉnh trên là sự cắt giảm lớn.
Thông tin về ảnh hưởng đối với hoạt động chuyển phát hàng hóa, bưu gửi của VietnamPost, đại diện Tổng công ty này khẳng định, mọi hoạt động dịch vụ trên toàn mạng lưới vẫn được duy trì bình thường tại các tuyến do VietnamPost tổ chức, đảm bảo được mạng lưới vận chuyển và khai thác ổn định với 20 toa tàu hàng H9/H10/ngày chạy hai đầu Bắc – Nam; 6 toa tàu nhanh/ngày chạy hai đầu Bắc – Nam; trên 120 xe tải trọng 15 tấn, 8 tấn cùng nhiều xe 5 tấn đang hoạt động thường xuyên trên tuyến đường trục và Quốc lộ 1 (Hà Nội, TP.HCM, liên tỉnh).
Với đường hàng không, tuy Vietnam Airlines cắt giảm các chuyến bay nội địa, song VietnamPost vẫn đang là đơn vị có tổng trọng tải bay lớn để đáp ứng tốt nhất có thể nhu cầu chuyển phát của người dân và xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Cụ thể, lượng tải cứng của dịch vụ EMS (chuyển phát nhanh) qua Vietnam Airlines bị cắt giảm, chủ yếu trên chặng bay Hà Nội-TP.HCM và ngược lại. Thời gian cắt giảm tải bay áp dụng ngày 29/3/2020 đến hết ngày 30/4/2020.
Căn cứ lượng tải cứng mà Vietnam Airlines đang dành Vietnam Post trên chặng bay Hà Nội-TP.HCM và ngược lại, hiện Tổng công ty, trực tiếp là Tổng công ty cổ phần chuyển phát nhanh Bưu điện vẫn đang tổ chức vận chuyển và đảm bảo chỉ tiêu thời gian đối với toàn bộ bưu gửi EMS có nội dung là tài liệu, hỏa tốc, hẹn giờ va các bưu gửi EMS có nội dung là hàng hóa dưới 2 kg.
Trong thời gian từ 28/3 đến 15/4, Vietnam Airlines giảm từ 35 đường bay nội địa xuống còn 8, với tổng số chỗ trên các chuyến bay giảm 90%. Tám đường bay nội địa được duy trì khai thác là chặng Hà Nội đi TP.HCM/Đà Nẵng, từ TP.HCM đi Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Côn Đảo, Vinh, Thanh Hóa và ngược lại.
“Các khách hàng đang sử dụng dịch vụ EMS - Tài liệu sẽ không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, Khách hàng nhận/gửi từ các đơn vị có sân bay lẻ bị cắt đường bay của Vietnam Airline và Vietjet Air sẽ bị ảnh hưởng tới thời gian phát”, đại diện Vietnam Post cho hay.
Đối với ViettelPost, doanh nghiệp đang cùng VietnamPost đóng góp 45% thị phần dịch vụ, đại diện đơn vị này cho biết, việc các hàng không giảm chuyển có ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, dẫn đến có bưu gửi, hàng hóa bị chậm hơn thời gian công bố, tuy nhiên ảnh hưởng này là không quá lớn.
Minh chứng cho nhận định trên, đại diện ViettelPost thông tin, là đối tác chiến lược của các hãng hàng không với tỷ trọng vận chuyển lớn, do đó khi Bộ GTVT yêu cầu cắt các chuyến bay lẻ, chỉ duy trì đường bay trục Bắc Nam với tần suất 1 chuyến/ ngày, ViettelPost vẫn là một trong những đơn vị được các hãng hàng không như Vietnam Airlines, Vietjet Air hay Bamboo Airways… ưu tiên tải trọng.
“Tuy nhiên, việc bị cắt giảm mạnh tần suất như hiện nay khiến cho việc chậm muộn hành trình là không thể tránh khỏi. Việc điều hành luồng vận chuyển cũng vì thế sẽ có những xáo trộn nhất định, gây ảnh hưởng đến chất lượng kết nối bưu phẩm”, đại diện ViettelPost chia sẻ.
Song song với đường hàng không, ViettelPost cũng đang cung cấp dịch vụ vận chuyển qua trục đường sắt Bắc-Nam với 12 toa mỗi ngày trong tổng số 22 toa tàu của đoàn tàu container nhanh Yên Viên- Sóng Thần. Lượng hàng hóa được vận chuyển qua dịch vụ đường sắt hiện đang chiếm tỉ lệ lớn, chủ yếu là các hàng kiện với dịch vụ giao hàng toàn trình dưới 40 giờ.
Bên cạnh đó, ViettelPost cũng cam kết duy trì và đẩy mạnh vận tải đường trục Bắc - Nam để đảm bảo chỉ tiêu thời gian toàn trình cho bưu phẩm.
Đặc biệt, vào rạng sáng nay, ngày 1/4/2020, trước chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện cách ly xã hội trong 15 ngày, CEO ViettelPost Trần Trung Hưng đã gửi thư kêu gọi tất cả gần 26.000 cán bộ, nhân viên và người lao động tại các điểm bán, kênh cửa hàng của doanh nghiệp này áp dụng những biện pháp bảo vệ sức khỏe, kiên cường bám tuyến để thực hiện nhiệm vụ giao nhận hàng hóa thiết yếu cho người dân – kết nối con người.