Hải quan tham gia bắt giữ hơn 1,6 tấn ma túy
Ông Nguyễn Phi Hùng - Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cho biết: "Tội phạm ma túy là tội phạm xuyên quốc gia, vì vậy, để vận chuyển ma túy bắt buộc phải đi qua biên giới gồm cả đường mòn lối mở và có cả hiện tượng qua cửa khẩu. Tội phạm ma túy có tính chất quốc tế, tội phạm gốc của các loại tội phạm nên có tổ chức tinh vi và mức độ nguy hiểm bậc nhất trong các loại tội phạm. Do đó, chúng có nhiều thủ đoạn tinh vi để tổ chức vận chuyển ma túy xuyên quốc gia.
Lực lượng Hải quan tham gia bắt ma túy. |
Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, qua quá trình thực hiện nhiệm vụ, cơ quan Hải quan phát hiện nhiều thủ đoạn được tội phạm ma túy sử dụng. Đó là lợi dụng chủ trương ưu đãi, thu hút đầu tư, thành lập doanh nghiệp để vận chuyển phương tiện, thiết bị, nguyên liệu, thuê kho bãi... phục vụ hoạt động sản xuất, vận chuyển trái phép ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam và tiếp tục đưa đi nước thứ 3 tiêu thụ.
Lợi dụng các chính sách tạo thuận lợi của nhà nước trong thông quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, hành lý, phương tiện xuất, nhập cảnh để cất giấu ma túy.
Mặt khác, đối với loại hình hàng hóa, phương tiện quá cảnh, tội phạm ma túy thường lợi dụng chính sách quản lý hải quan đối với hàng quá cảnh là chỉ giám sát hàng hóa từ cửa khẩu nhập đến cửa khẩu xuất, không kiểm tra hải quan để cất giấu ma túy trong hàng hóa do các phương tiện quá cảnh chuyên chở, (nhất là các phương tiện xe container) nhằm trốn tránh sự kiểm soát của các lực lượng chức năng.
Chiêu thức khác của tội phạm ma túy là lợi dụng loại hình hàng tạm nhập - tái xuất để cất giấu vào hàng hóa đựng trong các container, vận chuyển mua túy từ nước ngoài vào Việt Nam, sau đó trung chuyển đi nước thứ 3 tiêu thụ.
Đối với hàng hóa gửi theo đường chuyển phát nhanh, bọn tội phạm lợi dụng phương thức này để vận chuyển ma túy, tiền chất ma túy với thủ đoạn như khai tên, địa chỉ người gửi, người nhận không rõ ràng, khai báo sai tên hàng, pha, tẩm tiền chất và ma túy vào các loại đồ uống, hóa mỹ phẩm, nước hoa, các loại thực phẩm phổ biến như bánh kẹo, thuốc lá, chè khô, cà phê, mắm tôm, dầu gió và các loại bột...
Theo lãnh đạo Cục Điều tra chống buôn lậu, trước diễn biến phức tạp của tội phạm ma túy, được sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo Bộ Tài chính và sự ủng hộ, phối hợp chặt chẽ của các lực lượng chức năng: Công an, Bộ đội Biên phòng, những năm qua, lực lượng Hải quan đã chủ trì, phối hợp lập và đấu tranh nhiều chuyên án, triệt phá thành công nhiều đường dây tội phạm ma túy xuyên quốc gia, phát hiện, bắt giữ nhiều vụ mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy trên các tuyến biên giới, cửa khẩu, thu giữ hàng nghìn kilogam ma túy.
Chỉ tính từ tháng 7/2018 đến nay (nhất là sau khi có Chỉ thị số 4550/ CT-TCHQ ngày 2/8/2019 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan về tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống ma túy của ngành Hải quan), lực lượng phòng, chống ma túy của ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ 129 vụ với 91 đối tượng.
Tang vật thu giữ lên đến hơn 1,6 tấn ma túy các loại và gần 180.000 viên ma túy tổng hợp, số lượng ma túy kỷ lục từ trước đến nay. Trong đó có, 218kg heroin, 30kg thuốc phiện, 725kg ma túy đá, 127,6kg cocain, 502kg ketamin, 40,6kg cần sa.
Riêng Cục Điều tra chống buôn lậu đã chủ trì và phối hợp với các lực lượng chức năng lập và đấu tranh thành công 20 chuyên án, bắt giữ 22 đối tượng, thu giữ 346,72kg ma túy đá, 127,6kg cocain, 142,8kg heroin, 502,1kg ketamin cùng hàng chục nghìn viên ma túy tổng hợp.
Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu Nguyễn Phi Hùng cũng cho biết: Kết quả tích cực đạt được trên mặt trận phòng, chống ma túy của ngành Hải quan thời gian qua nhờ sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Bộ Tài chính, trực tiếp là Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng; Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan và nỗ lực của các đơn vị và đội ngũ cán bộ chiến sĩ chuyên trách trên mặt trận này. Ngoài ra, còn phải kể đến sự phối hợp rất chặt chẽ, hiệu quả với các lực lượng chức năng trong nước; việc thực hiện tốt công tác đào tạo nâng cao trình độ nghiệp vụ và sự tích cực tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế của cán bộ, chiến sĩ trong toàn lực lượng.