Hai chàng trai bại não, liệt chân truyền cảm hứng mạnh mẽ cho cộng đồng
Họ là những thanh niên khuyết tật, người bại liệt chân người thì bại não, nhưng bằng ý chí, nghị lực, các anh đã vượt lên số phận, tự nuôi sống bản thân và truyền cảm hứng cho nhiều người.
Hôm nay (28/12), Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Ủy ban Quốc gia về Người khuyết tật Việt Nam, Công ty TNHH TCPVN phối hợp tổ chức vinh danh 64 gương mặt thanh niên khuyết tật tiêu biểu tại chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2020.
Các đại biểu được xét chọn tham gia chương trình hiện đang sinh sống, học tập, lao động, công tác tại tất cả các địa bàn trong cả nước. Nhiều bạn đạt được thành tích cao trong các hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao và truyền cảm hứng mạnh mẽ cho cộng đồng.
Trong số này không thể không nhắc đến hai cái tên khá “nổi” trong làng VĐV thể thao khuyết tật: “kình ngư” bại liệt chân Võ Thanh Tùng và chàng trai khuyết tật đam mê điền kinh Trần Xuân Diện.
Chàng “kình ngư” vượt lên số phận với năng lượng không giới hạn
Sau trận sốt năm lên 6 tuổi, đôi chân của Võ Thanh Tùng (35 tuổi ở Cần Thơ) bị teo chân rồi liệt hẳn. Không đi được bằng chân, Tùng dùng tay của mình để lựa chọn một đường đua khác cho cuộc đời: Bơi lội.
"Kình ngư" Võ Thanh Tùng |
Anh kể, năm 2005, khi hay tin thành phố Cần Thơ thông báo tuyển sinh cho đội tuyển thể thao người khuyết tật, Võ Thanh Tùng đã nắm lấy cơ hội này để có thể làm một điều gì đó cho cuộc đời mình.
Khi đó, Tùng chọn cầu lông. Tuy nhiên, chi phí tập luyện đắt đỏ, cộng với trang thiết bị dụng cụ để thi đấu lại vô cùng tốn kém, điều kiện tài chính của một chàng sinh viên vừa tốt nghiệp đã không cho phép anh theo đuổi con đường ấy.
Rất tình cờ, chàng thanh niên khuyết tật gặp được thầy Bùi Thanh Tâm - Huấn luyện viên thể thao của Trường Trung cấp Thể dục thể thao TP. Cần Thơ. Sau vài vòng bơi thử thách, khả năng bơi lội vượt trội của chàng thanh niên miền sông nước đã giúp anh được chiêu mộ.
Những ngày đầu tiên vì chưa quen với tần suất tập luyện dày đặc, cộng với rào cản về mặt thể chất, những cơn chuột rút, đau mỏi cơ tay cứ thế như cơm bữa. Những lúc ấy, anh chỉ còn biết tự nhủ với mình hãy cố lên, cố thêm một chút nữa.
Không phụ lòng mong đợi của huấn luyện viên Bùi Thanh Tâm, ngay trong lần đầu tham dự Đại hội thể thao người khuyết tật toàn quốc, anh đã đem về 2 HCV và 1 HCB.
Đến năm 2009, anh được gọi vào đội tuyển Thể thao người khuyết tật Việt Nam và có thêm cơ hội để chứng minh bản lĩnh của mình với hàng loạt tấm huy chương danh giá tại các giải đấu thể thao lớn trên thế giới.
Với niềm khao khát mạnh mẽ, Võ Thanh Tùng đã xác định tấm HCV của Thế vận hội Paralympic London 2012 sẽ là điểm đến tiếp theo của mình. Nhưng chấn thương vai trong lúc tập luyệt đã khiến giấc mơ vàng của chàng VĐV khuyết tật tắt lịm.
Chán nản, buồn bã, anh từng nghĩ giải nghệ. “Chưa bao giờ trong suốt hành trình của mình, hai chữ “bỏ cuộc” lại hiện hữu và có sức ám ảnh nhiều đến như vậy. 6 tháng liên tiếp, tôi quyết định trở về nhà để hồi phục sức khỏe. Đó cũng là 6 tháng đầy khó khăn khi tôi phải đứng trước hai sự lựa chọn, giữa buông hay là nắm”, Tùng nói.
Nhưng rồi niềm đam mê, sự khát khao vượt lên số phận đã giúp Tùng quay lại. Kết quả không phụ công, từ đó cho đến nhiều năm tiếp theo Tùng đạt nhiều thành tích, thiết lập thêm những kỷ lục mới tại các thế vận hội thể thao ASEAN Paragames 2014, 2018…
Và chàng khuyết tật đam mê điền kinh
Một gương mặt khác cũng rất ấn tượng trong số 64 thanh niên khuyết tật được vinh danh ngày hôm nay là anh Trần Xuân Diệu (32 tuổi ở Hà Tĩnh).
Chịu di chứng của chất độc da cam nên từ khi sinh ra, Diệu đã mang trong mình hàng loạt bệnh mà căn nguyên là do chứng bệnh bại não gây nên: thoái hoá đốt sống, xương chân rạn nứt, viêm xoang mãn tính, viêm tai giữa, viêm đại tràng cấp… Đặc biệt, cơ ở đôi chân của anh nhũn nhẽo nên dù 31 tuổi việc đi lại của anh chẳng khác gì đứa trẻ lên 3. Cộng vào đó dù có thể hiểu được phần nào những gì đang diễn ra xung quanh nhưng việc nói ra bằng lời với anh “như hái sao trên trời”.
Trần Xuân Diệu trong đường đua điền kinh |
Mặc dù vậy, Diệu chưa từng xem đó là một sự bất hạnh. Ngược lại, anh chấp nhận và tìm cách vượt qua. Gia đình khó khăn, đông anh chị em nên ngay từ rất sớm Diệu đã ý thức rõ “mình phải làm một điều gì đó để thay đổi tương lai và đỡ đần cho bố mẹ”.
Năm 15 tuổi, vượt qua những mặc cảm tự ti, anh quyết định đi tìm cho mình những cơ hội mới. Sau nhiều năm bôn ba ở Hà Nội rồi đến Sài Gòn, trải qua đủ loại công việc, may mắn cuối cùng đã mỉm cười.
Anh được giới thiệu vào Đoàn Thể thao Người Khuyết tật TP.HCM. Những ngày đầu chưa quen với cường độ luyện tập, hai bàn chân đau buốt, nhưng anh chưa từng bỏ cuộc mà luôn tự nhủ bản thân phải cố gắng hơn nữa.
Và sau những ngày tháng gian nan là lúc hái quả ngọt. Từ năm 2006 đến 2016, anh đạt 5 huy chương vàng, 7 huy chương bạc, 10 huy chương đồng tại các đại hội thể thao người khuyết tật toàn quốc. Niềm đam mê điền kinh đã giúp anh tìm thấy bản thân và khẳng định giá trị của mình.
Với những thành tích đạt được, anh Diệu được Trường Đại học dân lập Văn Lang tuyển vào học thiết kế và in ấn. Sau ba năm chăm chỉ học tập, anh ra trường để bắt đầu một “đường chạy” mới - có thể dài và gian nan hơn điền kinh rất nhiều.
Thế nhưng trong một năm dài sau khi ra trường, anh không xin được việc. Không biết bao nhiêu công ty anh đã gõ cửa, bao cuộc điện thoại xin phỏng vấn nhưng đáp lại là những cái lắc đầu.
“Bị từ chối nhiều đến nỗi đôi lúc tôi đã từng nghĩ, với một người khuyết tật như mình việc sống tốt và sống có giá trị ngay từ đầu đã là một điều quá xa xỉ. Một năm tôi sống trong dày vò bản thân và sự chán nản, mặc cảm và gần như muốn buông xuôi tất cả”, Diệu nhớ lại.
Nhưng không muốn để mình “gục ngã”, anh nghĩ “có lẽ vì biết đi chậm hơn người ta nên bây giờ cuộc đời bắt mình phải chạy. Mình đã chạy đủ xa để không thể dừng lại lúc này. Cánh cửa này đóng là để cánh cửa khác mở ra”.
Không từ bỏ, hành trình “chạy” mới bắt đầu với Diệu. Đọc ở đâu đó bất cứ thông tin tuyển người là anh liên hệ, nộp hồ sơ xin phỏng vấn. Cuối cùng, anh tìm được việc tại một cơ sở in ấn tại Bình Thạnh.
Sau nhiều năm lăn lộn tại Sài Gòn, mới đây anh quyết định trở về Hà Tĩnh, và mở một cơ sở thiết kế - in ấn của riêng mình để tạo công ăn việc làm cho những người đồng cảnh ngộ tại quê nhà.
N. Huyền