Hà Tĩnh: Đi tìm "tội đồ" khiến chăn nuôi lợn lỗ nặng
Tại chợ Hà Tĩnh, giá thịt lợn bán ra giảm không đáng kể vẫn đang ở mức giá 70 ngàn/kg thịt |
Cung vượt cầu
Tháng 8/2011, UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt “Đề án phát triển chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020”.
Đến tháng 9/2012, UBND tỉnh tiếp tục phê duyệt “Quy hoạch phát triển trang trại, vùng trang trại chăn nuôi lợn tập trung công nghiệp đến năm 2020”. Đồng thời, ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích xây dựng mô hình trang trại chăn nuôi tập trung theo Chương trình xây dựng NTM.
Kể từ đó, nhà nhà nuôi lợn, người người nuôi lợn.
Tỷ lệ chăn nuôi trang trại công nghiệp tăng chóng mặt (từ 11,9% năm 2011 lên 35,9% năm 2016); toàn tỉnh xây dựng mới thêm 182 cơ sở chăn nuôi lợn thịt (quy mô 300 – 6.000 con/lứa), nâng tổng số cơ sở lên con số 197; hình thành 36 cơ sở chăn nuôi lợn nái ngoại (quy mô 300 con trở lên) với tổng đàn nái trên 21.000 con (tăng 2,8 lần so với năm 2011)...
Việc tăng đàn nhanh như trên đã kéo theo một loạt hệ lụy. Ngay đến chủ các trang trại cũng phải thốt lên “Phát triển trang trại bất chấp nhiều thứ quá”.
Khu trang trại chăn nuôi tập trung thôn Khe Trù, xã Sơn Kim II, huyện Hương Sơn có 6 trang trại chăn nuôi lợn thịt (quy mô 500 - 1.500 con/lứa) và 1 trại chăn nuôi nái (quy mô 420 con). Cuối năm 2015, đầu năm 2016 các trang trại trên đầu tư xây dựng chuồng trại, thời điểm này ngành chăn nuôi lợn Hà Tĩnh đang ở giai đoạn hoàng kim, bình quân mỗi con lợn thịt lãi 300 – 400 ngàn đồng; lợn giống lãi 700 – 800 ngàn đồng.
“Vì thấy lợi nhuận cao, lại được hưởng hỗ trợ từ chính sách của tỉnh nên rất nhiều cá nhân, doanh nghiệp chuyển sang đầu tư nuôi lợn. Thậm chí nhiều người sẵn sàng bỏ vài ba tỷ đồng đi tìm trang trại để mua”, chủ một trại lợn nái ở Sơn Kim II tiết lộ.
Chủ trang trại này phân tích, chính sách hỗ trợ của tỉnh là “bà đỡ” đắc lực kích cầu phát triển chăn nuôi nhưng nếu không biết áp dụng chính sách đúng nơi, đúng chỗ, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương thì sẽ trở thành con dao hai lưỡi giết chết người dân. Như chính sách hỗ trợ chăn nuôi lợn tập trung này, mặt tích cực là đưa tổng đàn lợn, tỷ trọng chăn nuôi tăng nhanh nhưng hệ lụy của nó chính là những món nợ hàng trăm, hàng tỷ, thậm chí hàng chục tỷ đồng người chăn nuôi phải còng lưng gánh mà chưa biết đến bao giờ mới trả được.
“Nếu cơ quan quản lý nhà nước “tuýt còi”, siết chặt việc mở rộng trang trại thì có lẽ người chăn nuôi sẽ không thê thảm như bây giờ”, một chủ trang trại khác nói.
Phát triển chăn nuôi tập trung thiếu kiểm soát thời gian qua là một trong những nguyên nhân đẩy thị trường lợn lâm vào cảnh bi đát hiện nay |
Theo ông Trần Hùng, Chi cục trưởng Chi cục chăn nuôi và thú y Hà Tĩnh, thị trường tiêu thụ lợn của Hà Tĩnh nói riêng, cả nước nói chung chủ yếu theo con đường tiểu ngạch xuất sang Trung Quốc, con đường này lại quá bấp bênh nên mới dẫn đến tình trạng cung vượt cầu quá lớn.
“Hiện mỗi ngày toàn tỉnh giết mổ khoảng 1.200 con lợn phục vụ nhu cầu trên địa bàn, trong khi đó, số lợn xuất chuồng hiện tại lên đến 90.000 con. Như vậy, lượng cung đang lớn hơn cầu gần 2/3 tổng đàn cần xuất chuồng”, ông Hùng nói.
Hạn chế xây dựng cơ sở chăn nuôi mới
Từ năm 2012 đến nay, trong quá trình chỉ đạo phát triển chăn nuôi, tỉnh Hà Tĩnh đã thực hiện điều chỉnh quy hoạch nhiều lần nhằm hướng đến nền chăn nuôi bền vững, tránh tình trạng phát triển ồ ạt như những năm vừa qua.
Theo đó, từ nay đến 2020, tổng đàn lợn quy hoạch 765.000 con; diện tích quy hoạch hơn 2.770ha, cụ thể: Hương Khê hơn 272ha; Hương Sơn 399,6ha; Vũ Quang trên 460ha; Đức Thọ hơn 138ha; Can Lộc 436,7ha; Ngi Xuân hơn 137ha; Thạch Hà 241,2ha; Lộc Hà hơn 90ha; Cẩm Xuyên 387ha; Kỳ Anh hơn 247ha; Hồng Lĩnh 8,5ha và TP Hà Tĩnh 9ha.
Ông Trần Hùng cho hay, để giảm thiểu tối đa việc lặp lại tình cảnh thị trường lợn “nghẽn” đầu ra như hiện nay, sắp tới Hà Tĩnh sẽ quản lý chặt chẽ việc phát triển chăn nuôi quy mô lớn; hạn chế xây dựng cơ sở chăn nuôi mới; ưu tiên chăn nuôi lợn ứng dụng công nghệ cao; đồng thời, khuyến cáo người chăn nuôi liên kết sản xuất để hạ chi phí đầu vào... có như vậy mới cạnh tranh được trên “sân nhà”.
“Trước đây, việc đánh giá tác động môi trường ở một số khu vực chăn nuôi tập trung có phần hạn chế nhưng bây giờ sẽ siết chặt toàn bộ. Những vùng gần khu dân cư, trường học, đầu nguồn nước, gần sông suối... có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường chắc chắn phải loại khỏi quy hoạch, vùng nào đã quy hoạch rồi thì các địa phương xem xét điều chỉnh lại”, ông Hùng cho biết thêm.