Hà Nội: Xuất hiện chùm 8 ca mắc sốt xuất huyết
Muỗi là thủ phạm gây bệnh sốt xuất huyết |
Hà Nội đã xuất hiện chùm ca sốt xuất huyết đầu tiên ở phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy.
Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội nhận định, đây là chùm ca sốt xuất huyết đầu tiên của Hà Nội trong năm 2014.
Theo ông Cảm, sau khi phát hiện chùm ca sốt xuất huyết tại Cầu Giấy, Hà Nội, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội đã phối hợp với Y tế dự phòng quận Cầu Giấy xử lý ổ dịch, phun thuốc diệt muỗi ngay tại 4 tổ dân phố. Ông Cảm cảnh báo, nếu không triển khai các biện pháp phòng dịch triệt để, kịp thời thì dịch có thể sẽ bùng phát.
Theo ông Nguyễn Nhật Cảm, từ đầu năm tới nay toàn TP. Hà Nội có 86 ca mắc sốt xuất huyết (giảm hơn 50% số mắc so với cùng kì năm 2013) và tuýp virus cũng như các yếu tố dịch tễ chưa có gì đột biến song mật độ muỗi thời điểm này tăng cao do nhiệt độ cao, nồm ẩm.
Theo thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, Quận/huyện nguy cơ cao gồm: Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Thanh Trì, Từ Liêm. Ngoại thành là Thường Tín, Phúc Thọ, Đan Phượng. Quận nội thành có nguy cơ cao vì dân số đông, vệ sinh chưa đảm bảo, dụng cụ chứa nước nhiều.
TS.BS Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng Trung ương cho biết, tại Việt Nam, hàng năm trung bình có khoảng 50.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 40% tập trung ở những thành phố lớn như: Hà Nội, TP.HCM.
Tuy nhiên, hiện nay, các ca mắc bệnh sốt xuất huyết tập trung chủ yếu ở khu vực miền Nam với 83% số mắc cả nước. Riêng TPHCM, số ca sốt xuất huyết tăng 30% so với cùng kỳ.
Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường (Bộ Y tế), thời điểm hiện nay, bệnh sốt xuất huyết đang vào mùa với số trường hợp mắc bệnh tăng nhanh. Thời kỳ đỉnh dịch thường vào mùa mưa (tháng 7-8 hàng năm)- điều kiện thời tiết thuận lợi cho nhiều côn trùng phát triển như: muỗi, ve, kiến ba khoang…là nguyên nhân chính gây bệnh sốt xuất huyết.
Đặc biệt, các chủng viruts sốt xuất huyết có nhiều thay đổi theo sinh thái môi trường nên dự kiến diễn biến bệnh sẽ rất phức tạp. Bệnh nhân có thể bị mắc lại bệnh nhiều lần. Nếu để xuất huyết trầm trọng, có thể dẫn đến tử vong, đặc biệt là trẻ em.
Biểu hiện của bệnh sốt xuất huyết gồm: sốt cao đột ngột, chán ăn, buồn nôn, đau đầu dữ dội, đau nhức cơ, khớp kéo dài từ vài ngày đến một tuần hoặc lâu hơn. Sốt có thể đi kèm với phát ban, uể oải, xuất huyết dưới da.
Hiện nay, bệnh sốt xuất huyết chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu. Các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân, biện pháp chủ động phòng chống bệnh sốt xuất huyết cần làm ngay đó là giệt bọ gậy, loăng quoăng, phun hóa chất diệt muỗi với khẩu hiệu “không có bọ gậy, không có muỗi, không có sốt xuất huyết.
Nguồn Khám phá