Hà Nội: Thu hồi cụm công nghiệp "treo", 2.000 lao động nguy cơ thất nghiệp
Các hộ kinh doanh cụm công nghiệp Lại Dụ đã tự tháo dỡ nhà xưởng theo thông báo của UBND xã An Thượng. |
Cụm công nghiệp Lại Dụ (xã An Thượng, huyện Hoài Đức, Hà Nội) hình thành từ năm 1993 trên diện tích đất nông nghiệp khoảng 4 hecta đã mang lại nhiều cơ hội việc làm, góp phần phát triển kinh tế địa phương nhưng do chưa được quy hoạch thành cụm công nghiệp chính quy nên nơi đây đang là cụm công nghiệp treo và sắp bị xóa bỏ.
Hiện có khoảng hơn 40 hộ kinh doanh sản xuất tại cụm công nghiệp Lại Dụ, với khoảng hơn 2.000 lao động ở các ngành nghề: cơ khí, sản xuất hàng tiêu dùng, bánh kẹo, đồ gỗ, thiết bị xây dựng… Năm 2013, trong Nghị quyết sử dụng đất đến năm 2020 của HĐND xã và trong quy hoạch nông thôn mới, xã đã đưa khu bãi khoảng 4 hecta thôn Lại Dụ vào quy hoạch cụm điểm công nghiệp gửi lên UBND huyện Hoài Đức xin phê duyệt, UBND huyện Hoài Đức đồng ý về chủ trương nhưng khi trình lên cấp thành phố thì Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội chưa chấp thuận với lý do khu vực này nằm trong hành lang thoát lũ sông Đáy.
Đây là nguyên nhân khiến cụm công nghiệp này dù được hình thành từ hơn 20 năm nay với nguồn lợi kinh tế lớn mang lại cho địa phương nhưng chưa vẫn được công nhận là cụm công nghiệp chính thức, trở thành một cụm công nghiệp 'treo', khiến nhiều hộ kinh doanh ở đây lo lắng. Anh Tô Sơn - một hộ kinh doanh tại cụm công nghiệp, cho biết: “Việc chưa được cơ quan nhà nước công nhận đây là cụm công nghiệp chính thức khiến các hộ kinh doanh tại đây hết sức lo lắng bởi không thể yên tâm sản xuất. Chúng tôi đề nghị chính quyền các cấp cần có biện pháp hỗ trợ các hộ kinh doanh về lâu dài nếu nơi đây không được phê duyệt thành cụm công nghiệp chính thức bởi cụm công nghiệp này đang hoạt động hiệu quả, mang lại lợi ích kinh tế, công ăn việc làm cho cả doanh nghiệp và người lao động, đồng thời góp phần vào việc bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn”.
Lo lắng của anh Sơn càng thêm lớn hơn khi mới đây, chính quyền huyện đã chỉ đạo UBND xã An Thượng yêu cầu các hộ kinh doanh ở đây sớm tự tháo dỡ các nhà xưởng, trang thiết bị khỏi cụm công nghiệp.
Chấp hành chỉ đạo này, ngày 4/6/2016, UBND xã An Thượng có thông báo yêu cầu các hộ kinh doanh tự tháo dỡ các nhà xưởng, di dời trang thiết bị, máy móc, hoàn thành trước ngày 10/6/2016. Ngày 9/6/2016, phóng viên đã có mặt ở cụm công nghiệp Lại Dụ và nhận thấy một số hộ kinh doanh đã tự tháo dỡ nhà xưởng, chấp hành chỉ đạo của UBND xã, nhiều xưởng không có công nhân làm việc.
Ông Nguyễn Văn Thắng - Phó Chủ tịch thường trực UBND xã An Thượng, tổ trưởng tổ công tác xử lý vi phạm đất đai - cho biết: “Chúng tôi đã thành lập tổ công tác ngay khi nhận được chỉ đạo từ UBND huyện Hoài Đức, sớm thông báo đến các hộ dân cần di dời. 15 hộ kinh doanh được thông báo cần tháo dỡ giai đoạn đầu đã chấp hành yêu cầu của xã, tự tháo dỡ nhà xưởng và các thiết bị máy móc”.
Trong quá trình kiểm tra, tổ công tác xã An Thượng phát hiện vẫn có hộ kinh doanh tiếp tục xây dựng trên đất nông nghiệp nên đã tiến hành thu giữ phương tiện. |
Khi được hỏi về việc chính quyền địa phương đã có phương án hỗ trợ gì với các hộ kinh doanh ở đây sau khi được yêu cầu tháo dỡ, di dời chưa thì ông Thắng nói trước mắt phải chấp hành yêu cầu chỉ đạo của cấp trên.
Trước chỉ đạo yêu cầu tháo dỡ của chính quyền, các hộ kinh doanh ở cụm công nghiệp Lại Dụ đang đứng ngồi không yên, hết sức nóng ruột vì không biết mình còn được sản xuất ở đây đến khi nào, trong khi kế hoạch di dời, hỗ trợ của chính quyền về mặt bằng sản xuất mới vẫn chưa có. Còn với những hộ được yêu cầu di dời ngay trước ngày 10/6/2016 thì cũng vẫn chưa biết đưa máy móc, thiết bị của nhà xưởng đi đâu. Nỗi băn khoăn trăn trở của các doanh nghiệp cũng như các hộ sản xuất trong cụm công nghiệp gặp sự cố trên thực sự đang cần được các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp quan tâm giúp đỡ.