Hà Nội rét thế này thì phải đi ăn bánh chưng rán
Đến Tết thì bánh chưng có thể là “ác mộng”; nhưng tầm này, những chiếc bánh chưng nho nhỏ bên ngoài giòn rụm bên trong dẻo quánh lại là thứ có thể “đánh bật” mọi rét buốt.
Khoa học đã nghiên cứu, để vận động và tiêu hết một góc bánh chưng, người ta cần chạy bộ 33 phút, đạp xe 50 phút hoặc dành ra 100 phút dọn nhà. Nếu bánh chưng ấy được rán lên, cộng thêm cả dầu mỡ vào, cứ tự động mà tăng thêm 20% phụ trội. À, đấy là khoa học thôi, còn với team nghiện của nếp, nghĩ đến bánh chưng rán là chỉ nghĩ đến nỗi niềm hân hoan.
Mùa xuân, mùa hè thì tuyệt nhiên vắng bóng, nhưng từ cuối thu đến sát Tết, thể nào người ta cũng nhìn thấy bánh chưng rán góp mặt trong các quán quà vỉa hè, hay ở quầy trong chợ cóc, có khi là ngay đầu mấy con ngõ nhỏ nhỏ quanh Hà Nội. Chỉ vài chiếc ghế nhựa, một chiếc mâm nhôm tròn với đầy ắp bánh chưng xếp bên trên, cái bếp lò, đôi khi là bếp ga, thế là đủ cho chốn dừng chân thân ái của những “người chơi hệ mê của nếp”.
Bánh chưng rán đôi khi cũng theo chân các gánh hàng rong, nhún nhảy theo nhịp quang gánh, xe đẩy đi trong phố. Không có hàng quán ổn định, những chiếc bánh chưng rán cùng người bán cứ rong ruổi qua từng ngõ ngách với thứ hương thơm ngào ngạt nức mũi thay cho lời mời chào. Ai đi qua cũng phải bất giác nuốt nước miếng cái ực, có khi đang đi vội cũng phải ngoái lại nhìn hoặc quay xe mua vội một chiếc còn nóng hôi hổi cho đỡ thèm.
Ảnh: @SoChaud, @5beo, @bumbudethuong, @bonhomie_homestay
Thường thì người ta chỉ bán bánh chưng rán từ sáng đến quãng trưa, hoặc buổi chiều mà không mấy khi bán tối, bán đêm. Lý do thì đơn giản thôi, dù sao thì bánh chưng rán cũng chỉ là món ăn chơi, ăn vặt. Ai mê lắm mua một đôi chiếc ăn trưa cũng tạm, nhưng ăn bánh chưng rán thay cho bữa tối hay đêm thì không. nóng ruột lắm!
Bánh chưng rán thực ra là một món rất bình dân, cách làm cũng chẳng có gì là cầu kỳ, có thời gian thì rán một tí là xong. Nhưng cái việc mua bánh ngoài phố, nhất là trong những ngày rét ơi là rét, đứng nhún nhún chân, xoa xoa tay vào nhau đợi cô hàng nhẩn nha ấn cái xẻng cho dẹp bánh, nghe tiếng dầu mỡ xèo xèo, ngó bánh chín giòn vỏ qua từng phút, cả người cả bếp đều “thở” ra khói… đó mới thực là thú.
Ảnh:@eatwithbeann_, @phuonganh.uni, @linhchimm
Vì cái loại bánh chưng nhỏ đó, thực lòng mà nói chẳng thể gọi là ngon xuất sắc. So với bánh chưng to người ta vẫn dùng ăn Tết hay lễ lạt, kể cả loại thường, cũng là có chất lượng hơn. Bánh nhỏ có giá rất rẻ, 8 - 10 nghìn/chiếc đã luộc, nếp với đậu dùng loại xoàng, thịt thì tìm đỏ mắt chẳng thấy, may chăng người ta cho một khúc mỡ khổ vào để lấy vị, lấy độ béo ngậy cho nhân. Chẳng may nhỡ bữa, ăn tạm một cái kèm thêm lạng giò, lạng chả gọi là dằn bụng thì được, chứ bảo ngon đến mức khiến người ta háo hức, rủ nhau đi ăn thì chẳng có chuyện ấy đâu!
Ấy thế mà, cái bánh vuông vắn vừa lòng bàn tay ấy, cái bánh chưng nhỏ xoàng xĩnh ấy, khi được rán lên lại hấp dẫn đến lạ. Bánh chưng rán mua ở ngoài cũng cảm giác ngon hơn nhà làm, không biết là do mình không phải hít dầu mỡ nên không ngấy, hay do ở ngoài hàng người ta rán bằng mâm chứ không phải bằng chảo như ở nhà nên hương vị đặc biệt hơn?
Cái mâm to được đặt ngay giữa bếp, bánh bày la liệt lên trên. Mấy người thuộc team đồ nếp rỉ tai nhau, nhất định phải chọn hàng bánh chưng rán mà người ta rán bằng bếp than, chứ bếp ga sẽ làm giảm mất đôi phần hương vị. Bởi bếp than nó mới có cái độ âm ỉ, lửa liu riu nhưng nóng rất sâu, người bán hàng có muốn cũng không thể chiều khách mà vặn lửa to hơn cho nhanh lên đĩa được.
@quangip, FB Nguyễn Phương Linh
Cái bánh chưng thả lên mâm lúc đầu được đặt ở trung tâm, chỗ nóng nhất. Người ta sẽ vừa rán vừa lấy xẻng ấn dẹp dẹp một tí, khi đủ độ giòn thì lật mặt. Giòn đều, vàng ươm cả hai mặt (thực ra là cả 4 mặt) thì bánh được chuyển ra phía xa gần mép mâm - nơi sức nóng kém hơn để giữ ấm, giữ cho vỏ không ỉu mà cũng không sém.
Bây giờ, để cho chiều lòng thực khách mê bánh chưng nhưng vẫn thích “healthy”, nhiều nhà rán bánh chưng bằng dầu ăn. Dù vậy, để mà nói về ngon, bánh chưng nhất định phải rán bằng mỡ mới thật ngậy. Cô hàng sẽ xắt một miếng mỡ thăn, xoa đều mấy lượt trên mâm để chống dính, rồi để luôn cả cục mỡ ở đó cho nó tự chảy dần trong quá trình rán bánh. Có hàng trên phố còn rán bằng mỡ gà nữa, thơm hơn, ít ngấy mà lại “lây” được hương vị của gà, như kiểu người ta nấu xôi vò, xôi gấc ăn Tết vậy.
Ảnh: @hothucuyen, @13.anh, @eatwithbeann_
Cái bánh chưng rán hoàn hảo ấy là bên ngoài giòn rụm, “vỏ” có thể hơi bong bong nhưng bên trong, phần nếp vẫn ẩm, dẻo, nóng vào tận trong ruột. Cái đậu, cái mỡ bên trong cũng phải bốc khói nghi ngút, cắn không cẩn thận là bỏng miệng chứ không chuồi chuội, nguội tanh.
Bánh chưng rán hồi xưa là món ăn sáng, ăn chiều quen thuộc của hội 8X, chí chấm cùng xì dầu, thêm tí tương ớt nữa là đủ ngon. Theo thời gian, người bán bổ sung thêm dưa góp như dưa chuột, cà rốt, su hào thái mỏng, ướp chua chua ngọt ngọt để ăn cho đỡ ngấy.
Rồi người ta cũng thêm thắt thịt vào để chiều lòng team mê đạm, nào là chả cốm, giò, xúc xích, lạp xưởng… Với người dễ chiều thì chẳng vấn đề, nhưng cái hội khó tính, y như rằng sẽ chọn quán “truyền thống” chỉ có bánh chưng, hoặc có chảo riêng để rán mấy thức kia. Vì rán chung nhau trong một mâm như thế, bánh chưng sẽ bị lẫn vị, không còn giữ được độ thơm thuần túy của gạo nếp nữa.
Ảnh: @mokhoethanoi, @kinglynnie, @eatwithbeann_, @ngocfood
Mà lạ ghê, tầm này, hơn 1 tháng nữa mới Tết, nếu chưa được ăn một vài chiếc bánh chưng rán thì team mê của nếp y như rằng thấy bứt rứt; vậy mà Tết rồi, nhà nhà bánh chưng thì y như rằng sẽ lại kêu trời vì ngán, vì lên cân! Hay là bánh chưng rán nó là một món “kỳ quặc” như thế, chỉ ngon khi đúng thời điểm, đúng không khí? Hay là cứ rét mướt, lôi nhau ra đường vừa ăn vừa run, để miếng bánh nóng hổi vừa vào môi đã trôi xuống cổ thì mới thích? Người đang sống ở Hà Nội, người đi xa Hà Nội có lẽ nhớ bánh chưng rán nhiều phần vì cái không khí đó.
Ảnh: @ngocnta13, @doan_thi_bun_mien
Theo Pháp luật và Bạn đọc