Hà Nội: “Nhức mắt” với nhà siêu mỏng trên tuyến Vành đai 2
Nhà siêu mỏng, siêu méo là vấn đề tồn tại từ nhiều năm nay, mỗi khi có tuyến đường giao thông mới được xây dựng, cải tạo, những ngôi nhà hình thù kỳ dị vẫn ''mọc lên'', gây mất mỹ quan đô thị.
Mất mỹ quan đô thị
Tuyến đường Vành đai 2 là công trình giao thông trọng điểm, có ý nghĩa quan trọng, giúp giảm ách tắc cho một số khu vực nội đô trên địa bàn TP Hà Nội. Ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị, tại đoạn tuyến thuộc địa phận quận Hai Bà Trưng, từ Ngã Tư Sở đến phố Minh Khai công tác cải tạo vỉa hè, lòng đường cơ bản đã hoàn thiện (đang chờ khớp nối tuyến trên cao - PV). Trước đó vào tháng 4/2021, báo Kinh tế & Đô thị đã có loạt bài phản ánh thực trạng này, tuy nhiên, từ đó đến nay, việc xử lý vẫn chưa dứt điểm.
Hiện nay, vẫn tồn tại nhiều nhà hình tam giác, như số 145 Đại La, số 2 Đại La (ngã tư Đại La – Bạch Mai); 256 Minh Khai; 6/169 Minh Khai; 48 Trường Chinh... Ngoài ra, còn rất nhiều ô đất nhỏ hẹp chỉ 1 - 2m2 đang được quây tôn giữ đất, như đầu ngõ 259 Giải Phóng, ngõ 296, 258, 302 phố Minh Khai...
Hay ở số 411 Trường Chinh (đoàn gần Ngã Tư Sở) sau khi thu hồi chỉ còn lại khoảng đất hình tam giác nhọn, được sửa sang, chắp vá tạm bợ để bán hàng. Nhưng chủ nhà cũng kiên quyết không chuyển nhượng cho nhà bên trong vì đây là địa điểm buôn bán, kiếm kế sinh nhai cho cả gia đình.
Vấn nạn nhà siêu mỏng vẫn chưa được xử lý dứt điểm (trong hình, căn nhà siêu mỏng khu vực ngã tư Đại La - Bạch Mai). Ảnh: Doãn Thành |
Không chỉ có vậy, sau khi thu hồi đất xây dựng tuyến đường Vành đai 2, nhiều hộ gia đình chỉ còn lại một bức tường hoặc một vài mét vuông đất không thể xây dựng để sử dụng, những nhà bên trong muốn mua đều bị từ chối hoặc chủ cũ hét giá lên vài trăm triệu đồng/m2. “Nhà tôi cách mặt đường đúng bức tường của hàng xóm, là phần thừa của ngôi nhà sau khi GPMB để làm đường. Gia đình tôi nhiều lần hỏi mua lại bức tường này nhưng chủ cũ đòi tới trên 300 triệu đồng nên đành phải chịu” - bà H (xin được giấu tên) sống trên phố Minh Khai (quận Hai Bà Trưng) chia sẻ.
Cần sớm xử lý dứt điểm
Đại diện UBND quận Hai Bà Trưng cho biết, sau khi giải phóng mặt bằng (GPMB), tuyến đường Vành đai 2 qua địa bàn quận có 128 trường hợp không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng với diện tích nhỏ hơn 15m2, chiều sâu so với chỉ giới xây dựng là dưới 3m.
“Quận đang phối hợp cùng các phường hoàn thành thủ tục để cho 76 hộ dân thực hiện hợp thửa, hợp khối. Đối với 52 hộ dân còn lại, diện tích đất dưới 15m2 nhưng không hợp thửa, hợp khối sẽ được UBND quận thực hiện thu hồi để phục vụ công cộng, tránh tình trạng xây dựng nhà "siêu mỏng, siêu méo" gây mất mỹ quan đô thị” – đại diện UBND quận Hai Bà Trưng cho hay.
Đối với việc đề xuất thu hồi diện tích đất không chịu hợp thửa và đủ điều kiện xây dựng, một số ý kiến từ cơ quan quả lý Nhà nước lo ngại chưa phù hợp với quy định hiện hành, bởi sẽ làm tăng tổng mức đầu tư dự án. Bên cạnh đó, nhiều tuyến đường có những mảnh đất diện tích thu hồi nhỏ, không đủ diện tích làm vườn hoa hoặc công trình công cộng, sẽ là cơ hội để các hộ dân lân cận lấn chiếm làm của riêng.
Về vấn đề này, GS.TSKH Đặng Hùng Võ cho rằng, sau khi GPMB xuất hiện mảnh đất nhỏ, hẹp nhưng người dân vẫn được xây dựng công trình không đảm bảo diện tích theo quy định là lỗi của cơ quan quản lý từ cấp cơ sở, vì ngay từ khi lên phương án thu hồi đất, GPMB phải xác định được những diện tích này.
“Ngay từ thời điểm lên phương án thu hồi, GPMB, xây dựng hạ tầng, đơn vị chuyên môn đã xác định được những phần diện tích nhỏ, hẹp. Thay vì lấy đúng theo chỉ giới đường đỏ, nên thu hồi luôn phần đất không đủ diện tích xây dựng làm vườn hoa, bảng tin… tránh tình trạng “thả gà ra đuổi”. Thậm chí, cần xem xét thu hồi thêm 10 – 15m phía sau chỉ giới đường đỏ, xây dựng nhà ở theo quy hoạch rồi tiến hành bán đấu giá” – GS.TSKH Đặng Hùng Võ nhìn nhận.
Những năm qua, TP Hà Nội ban hành nhiều văn bản giao trách nhiệm cho người đứng đầu chính quyền cơ sở quyết liệt xử lý tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo và giải quyết tình trạng tồn tại, phát sinh trên các tuyến đường thuộc địa bàn quản lý. Nhưng thực tế, khi những tồn tại cũ chưa được giải quyết, vẫn phát sinh nhiều công trình mới.
Vì vậy, ngoài việc tích cực vận động, tuyên truyền người dân hợp thửa, hợp khối, phải kiên quyết hơn nữa trong việc xử lý xây dựng sai phép, nhằm tạo sự đồng bộ về cảnh quan, kỹ quan, kết nối hạ tầng, đảm bảo nguyên tắc sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường.
“Theo quy định hiện nay, người có đất thu hồi được bố trí tái định cư tại chỗ nếu khu vực thu hồi đất có dự án tái định cư hoặc đủ điều kiện bố trí tái định cư. Phần diện tích đất dôi dư sau khi bố trí tái định cư cho người dân sẽ được quy hoạch và bán đấu giá để lấy kinh phí đầu tư cho chính dự án đó” - KTS Nguyễn Văn Thanh – Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam.
Đất Sóc Sơn được rao bán rầm rộ sau thông tin quy hoạch lên thành phố
Tờ rơi, biển quảng cáo mua, bán, ký gửi đất Sóc Sơn xuất hiện la liệt hai bên đường, thậm chí đất rừng cũng được rao bán rầm rộ sau thông tin Hà Nội dự kiến quy hoạch huyện này lên thành phố.
Theo kinhtedothi.vn