Hà Nội: Lo ngại bị phạt, người dân hạn chế ra đường ngày nghỉ cuối tuần
Lực lượng an ninh kiểm tra trên các tuyến phố. |
Vào chiều 4/4, quanh hồ Hoàn Kiếm, Đội CSGT trật tự, Công an quận Hoàn Kiếm cùng công an các phường Lý Thái Tổ, Tràng Tiền, Hàng Bạc… đã tổ chức 6 chốt xung quanh hồ Hoàn Kiếm nhắc nhở người dân đi bộ tập thể dục và đạp xe quanh hồ về nhà, tuân thủ Chỉ thị cách ly xã hội.
Theo ghi nhận của PV, trong ngày 4/4, đã có hàng trăm trường hợp được nhắc nhở và đã chấp hành nghiêm yêu cầu của lực lượng chức năng.
Khu vực quanh bờ hồ Hoàn Kiếm luôn được lực lượng an ninh kiểm tra nghiêm ngặt. |
Một đại diện Công an quận Hoàn Kiếm cho biết, theo hướng dẫn, lỗi không chấp hành yêu cầu cách ly có thể phải nhận mức phạt có thể từ 5 đến 10 triệu đồng. Do vậy, khi được tuyên truyền nhắc nhở, giải thích cụ thể, người dân đã tự giác chấp hành.
Tại hồ Tây, khu vực đường Thanh Niên, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, ngoài việc công an tổ chức cắm chốt và đi tuần tra nhắc nhở người dân không đi tập thể dục theo nhóm đông người, lực lượng chức năng còn tổ chức đọc hướng dẫn cách ly của thành phố qua loa phóng thanh để người dân được biết.
Ở quận Ba Đình, Công an phường Điện Biên cũng tổ chức cắm chốt nhắc nhở người dân không tụ tập tại vườn hoa Lê Nin. Công an phường Ngọc Hà đã tổ chức rào chắn tại khu vực phố Ngọc Hà để ngăn việc họp chợ.
Công an phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, phường đã tổ chức lập rào chắn từ đầu làng bún Phú Đô để kiểm soát lượng người ra vào từ một số ngày trước. Bất kỳ đi qua chốt đều được đo thân nhiệt và yêu cầu khai báo lịch trình đi lại. Nếu không có lý do chính đáng và không trong diện được ra đường theo quy định, tổ làm nhiệm vụ ở chốt sẽ yêu cầu người dân quay đầu về nhà thực hiện tự cách ly.
Tính đến chiều 4/4, theo ghi nhận, Công an ở các phường, quận nội thành chưa xử phạt trường hợp người dân nào ra đường không đúng mục đích, đa số người dân được tuyên truyền đều chấp hành nghiêm quy định và hướng dẫn của lực lượng chức năng.
Theo văn bản của Sở Tư pháp Hà Nội mới ban hành, đề nghị phối hợp triển khai hình thức hóa tuyên truyền, giáo dục pháp luật liên quan đến việc phòng, chống dịch, có 13 tình huống dễ phát sinh vi phạm và tùy từng hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt. Cụ thể như sau:
1- Người không đeo khẩu trang nơi công cộng bị phạt tiền tối đa 300.000 đồng.
2- Người vứt khẩu trang đã sử dụng không đúng nơi quy định tại nơi công cộng bị phạt tiền tối đa đến 5 triệu đồng; vứt ra vỉa hè, đường phố bị phạt đến 7 triệu đồng.
3- Người che giấu tình trạng bệnh của mình hoặc của người khác khi mắc Covid-19 bị tối đa đến 2 triệu đồng.
4- Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền dịch bệnh tại vùng có dịch thì bị phạt đến 10 triệu đồng đối với cá nhân; 20 triệu đồng đối với tổ chức.
5- Người không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng để phòng, chống dịch Covid-19 bị phạt tối đa đến 10 triệu đồng đối với cá nhân; 20 triệu đồng đối với tổ chức.
6- Người không thực hiện quyết định kiểm tra, giám sát, xử lý y tế trước khi ra, vào vùng dịch bị phạt đến 20 triệu đồng.
7- Người trốn khỏi nơi cách ly, không tuân thủ quy định về cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly để phòng, chống dịch Covid-19 có thể bị xử phạt hành chính tối đa đến 10 triệu đồng hoặc bị xử lý theo điều 240 bộ luật Hình sự trong trường hợp lây truyền dịch bệnh cho người khác.
Hành vi trốn khỏi nơi cách ly, không tuân thủ quy định về cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly mà gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch Covid-19 thì bị xử lý theo điều 295 bộ luật Hình sự.
9- Người nào khai báo y tế không đầy đủ hoặc gian dối gây lây truyền dịch Covid-19 cho người khác bị xử lý theo điều 240 bộ luật Hình sự.
10- Người nào đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch Covid-19 có thể bị phạt tiền tối đa đến 15 triệu đồng hoặc bị xử lý theo điều 288 bộ luật Hình sự.
11- Người có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ trong phòng, chống dịch Covid-19 bị xử lý theo điều 330 bộ luật Hình sự.
12- Chủ cơ sở kinh doanh, người quản lý cơ sở kinh doanh dịch vụ (như quán bar, vũ trường, karaoke, dịch vụ mát-xa, cơ sở thẩm mỹ…) thực hiện hoạt động kinh doanh khi đã có quyết định tạm dừng để phòng, chống dịch bệnh mà gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch, bệnh thì bị xử lý theo điều 295 bộ luật Hình sự.
13- Người có hành vi lợi dụng sự khan hiếm hoặc tạo sự kham hiếm giả tạo trong tình hình dịch bệnh Covid-19 để mua vét hàng hóa đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố là mặt hàng bình ổn giá hoặc hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính bị xử lý về tội đầu cơ theo quy định tại điều 196 Bộ luật Hình sự.
(Infographic: Kinhtedothi.vn) |