'Hà Nội không chủ động thay đổi chiến thuật thì sẽ bị vi rút dẫn dắt'
Đây là khuyến nghị của TS.BS Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock tại Việt Nam khi theo dõi diễn biến dịch Hà Nội những ngày qua.
Phường Thanh Xuân Trung đang là điểm nóng về dịch Covid-19 ở Thủ đô Hà Nội. |
Dưới góc nhìn của một chuyên gia độc lập dựa trên những ca mắc Covid-19 được CDC Hà Nội công bố hàng ngày, TS.BS Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock tại Việt Nam chia sẻ quan điểm: Dịch Covid-19 ở Hà Nội hiện nay đã xuất hiện ở tất cả các quận, huyện và đang tập trung ở các khu đông dân cư tại các quận/huyện: Thanh Xuân, Đống Đa, Thanh Trì, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai. Đây là những khu vực có nhiều ca bệnh trong mấy ngày qua tại Hà Nội.
Thanh Xuân Trung chỉ là một trong nhiều cụm lây nhiễm. Đã có nhiều ca phát hiện được khi xét nghiệm sàng lọc tại bệnh viện. Điều đó cho thấy dịch đã âm thầm len lỏi.
“Hà Nội giữ được tới nay cũng là rất cố gắng, nhưng nếu không chủ động thay đổi chiến thuật thì sẽ bị vi rút dẫn dắt”, TS.BS Thu Anh nhấn mạnh.
Cần tiêm xong vắc xin người trên 65 tuổi, chuẩn bị nhiều oxy
Từ thực tế dựa trên những số liệu phân tích khoa học, chị Thu Anh kiến nghị những điều nhanh nhất và hiệu quả nhất mà TP Hà Nội có thể làm được là:
Chỉ tiêm vắc xin cho những người từ 65 tuổi, bao phủ xong thì mới tiêm cho nhóm khác.
Đưa toàn bộ hệ thống y tế vào cuộc, đưa các tiêu chuẩn vào bệnh viện theo phân chia từng tuyến, kiên quyết chỉ đưa F0 cần oxy vào viện. Lập cả tổ y tế kết hợp với xã phường chăm sóc tại nhà cho các F0 chưa cần oxy. Lập mạng lưới điều trị với sự tham gia của toàn bộ hệ thống ko phân biệt công - tư.
Song song với đó là chuẩn bị oxy, thật nhiều oxy lỏng (cố định và lưu động); van bình oxy, ống dẫn và van chia nhánh; trữ thật nhiều thuốc được chia sẵn thành các gói điều trị để khi cần là dùng ngay; chuẩn bị thật nhiều khẩu trang N95,…
Đồng thời, Hà Nội cũng cần kết hợp với các trường đại học đào tạo trực tuyến cho tất cả các bệnh viện, y tế xã phường, đội ngũ cộng tác viên cách xử trí F0 khi có số lượng lớn. Cho phép các bệnh viện cả công và tư được tham gia điều trị. Thiết lập các đội ngũ cứu trợ cộng đồng, hỗ trợ chăm sóc tại bệnh viện, vận chuyển để khi cần có thể huy động ngay.
Thiết lập ngay cơ chế điều phối hàng hóa, thuốc, nhân lực và chuyển viện.
Người dân cần chấp nhận ăn rau héo, canh thiếu hành
Đối với người dân,TS.BS Thu Anh cũng khuyến nghị ''muốn sống chung và khoẻ mạnh, buộc phải thay đổi thói quen sống''.
Vị chuyên gia nghiên cứu lĩnh vực y tế viện dẫn một số tình huống cụ thể để người dân tự tìm câu trả lời: Trước khi ra khỏi cửa nhà, bạn hãy suy nghĩ kỹ xem bạn có thật sự cần ra ngoài không và cần làm gì để phòng lây nhiễm SARS-CoV-2? Bạn có thể thay việc đi lại bằng cách gọi ship hàng, hoặc trao đổi/liên hoan online không? Nếu buộc phải ra ngoài, bạn đã có khẩu trang và nước rửa tay chưa? Bạn sẽ giữ khoảng cách với người khác thế nào? Có thể tránh những nơi trong phòng kín không?...
Những khu vực có nhiều ca bệnh trong mấy ngày qua tại Hà Nội. (Ảnh: TS. BS Thu Anh cung cấp) |
“Hãy giảm tối đa số lần và thời gian đi chợ bằng cách lên danh sách đồ cần mua và mua với số lượng lớn để dùng dần nếu gia đình có điều kiện bảo quản. Các bác nội trợ tập sống đơn giản và chấp nhận thiếu thốn một thời gian. Học cách bảo quản thực phẩm, chấp nhận ăn rau héo một chút, canh thiếu hành cũng không sao...
Tăng thông thoáng khí khi ở phòng kín bằng cách mở cửa, bật quạt, để ánh nắng chiếu trực tiếp vào nhà, lau dọn nhà cửa sạch sẽ. Rất cần bật quạt, mở cửa.
Không tiếp khách, không đi thăm, không tổ chức đám giỗ, sinh nhật, liên hoan, kể cả khi thấy cô đơn trong mùa giãn cách”, TS.BS Thu Anh đưa ra lời khuyên.
Chị Thu Anh cũng chia sẻ thêm rằng bản thân chị khi ra ngoài luôn dùng khẩu trang N95. Để tiết kiệm, chị thường tái sử dụng loại khẩu trang này bằng cách treo lên phơi nắng và quay vòng mỗi tuần.
Trao đổi với PV Infonet, Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho biết: Với số lượng ca F0 trong cộng đồng vẫn tăng và ý thức chấp hành giãn cách của người dân như hiện nay, việc thực hiện giãn cách xã hội có thể sẽ phải tiếp tục sau thời điểm ngày 6/9.
Ông Tuấn cho biết, từ nay đến 4/9 sẽ tiếp tục đánh giá nguy cơ trên kết quả xét nghiệm. Tuy nhiên, từ nay đến ngày 6/9 mà tình hình vẫn như thế này thì ''chắc sẽ phải kéo dài thời gian giãn cách xã hội, ít nhất là nửa chu kỳ".
Về ý kiến của chuyên gia đề xuất Hà Nội có thể bỏ giãn cách ở những quận huyện, những vùng qua 30 ngày không có ca nhiễm mới, ông Tuấn cho rằng: Các quận ngoại thành hiện nay cơ bản đã "sạch", tuy nhiên việc giãn cách một nửa là vấn đề lớn.
"Thực hiện giãn cách một nửa rất là khó, giãn cách toàn TP dân còn không chấp hành, bây giờ chia nửa thì nguy cơ rất lớn.
Đó cũng là một ý kiến cần xem xét, nhưng việc này tùy thuộc vào ý thức người dân. Ví dụ, nội thành đang giãn cách mà người dân lại ra khu vực nới lỏng, nếu là F0 thì rất nguy hiểm", ông Tuấn nhận định.
Ông Tuấn cho biết thêm, nếu thực hiện nới lỏng một phần như trên thì phải xây dựng hệ thống kiểm soát rất chặt thì mới có thể áp dụng.
Về diễn biến dịch của TP Hà Nội thời điểm hiện tại, ông Tuấn cho biết ''số ca mắc mới vẫn tăng cao''. Ông Tuấn bày tỏ hy vọng TP sẽ không phát sinh ổ dịch mới nữa mà chỉ là tàn dư của các ổ dịch cũ. ''Đó là tín hiệu đáng mừng. Số ca mắc cao nhưng hiện tại nằm trong khu vực đã được phong tỏa, các trường hợp phát hiện ho sốt ngoài cộng đồng có xu hướng giảm rõ rệt, đặc biệt tại các ổ dịch lớn", ông Tuấn nói.
Phó Giám đốc CDC Hà Nội khuyến cáo, trong đợt nghỉ lễ 2/9 này, người dân nên tuyệt đối tuân thủ giãn cách xã hội, không được lấy lý do ngày nghỉ lễ để đi lại, gặp gỡ, liên hoan gia đình. Bởi điều đó thực sự rất nguy hiểm và ảnh hưởng đến thành quả chống dịch của toàn Thành phố.
N. Huyền