Hà Nội họp báo chặt hạ cây: Chính quyền "thụt hố" truyền thông?!
Phó Chủ tịch Nguyễn Quốc Hùng chủ trì buổi họp báo chặt hạ, thay thế cây xanh (Ảnh ND) |
Cùng một thời gian, cùng một vấn đề nhưng cả Sở Xây dựng và UBND TP Hà Nội lại gửi giấy mời các cơ quan báo chí ở hai địa điểm khác nhau. Cuối cùng, buổi họp báo cũng được diễn ra tại trụ sở Ủy ban vào chiều 20/3. Trước giờ họp, hàng trăm phóng viên đã có mặt ở cổng, song phần lớn phải đứng ngoài vì không có giấy mời. Cuối cùng phóng viên cũng lần lượt được “qua cửa”.
Chủ trì buổi họp báo là Phó Chủ tịch TP Nguyễn Quốc Hùng và Người phát ngôn – Chánh văn phòng UBND TP Hà Nội Nguyễn Thịnh Thành. Trước khi vào phần chính, ông Hùng chia sẻ đôi điều về tinh thần cầu thị, tiếp thu, lắng nghe mọi ý kiến đóng góp của nhân dân với chính quyền thủ đô.
Nói về điều này, ông Hùng cũng gợi lại những khó khăn của Hà Nội trước đây, khi phải đưa ra những quyết định không hề đơn giản, như quyết định dừng xây dựng khách sạn trong công viên và một loạt quyết định khó khăn khác. Và bây giờ Hà Nội lại cầu thị tiếp thu những ý kiến tâm huyết của ông Trần Đăng Tuấn, GS. Ngô Bảo Châu cùng toàn bộ những kiến nghị của những người "yêu thủ đô". Bằng chứng là, chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo đã ra quyết định dừng việc chặt hạ cây xanh sau đó…
Sau phần “tâm sự”, phần đặt câu hỏi cũng được diễn ra. Một rừng tay giơ lên, phóng viên lần lượt đặt câu hỏi, thắc mắc không chỉ cho báo giới, mà còn cho cả dư luận và người dân đang rất quan tâm, mong được làm sáng tỏ.
Từ việc đã chặt bao nhiêu cây? Bán được bao nhiêu tiền? Số tiền được dùng vào việc gì? Cây thay thế mua ở đâu, có đảm bảo chất lượng cây xanh đô thị không?... Đến vấn đề trách nhiệm, hay có chặt hạ thay thế tiếp sau khi rà soát không?...
Nhưng điều làm hầu hết phóng viên ngỡ ngàng trong phần đặt câu hỏi là sự xuất hiện của một “phóng viên” có thể coi là bí ẩn.
Ông tự giới thiệu là một người dân gắn bó với Hà Nội và rất yêu Hà Nội. Thay vì đặt câu hỏi như phóng viên, ông lại thể hiện tình yêu của mình bằng cách “bình” về cái đẹp của Hà Nội. Thậm chí ông còn đưa ra so sánh: Sài Gòn đẹp nhưng còn thua Hà Nội. Ông khiến cả hội trường ngơ ngác vì không ít lần “chỉnh đốn” phóng viên không nên đi vào…tiểu tiết vụn vặt mà phải vì cái đẹp và sự phát triển của thủ đô...
Thế là, tổng cộng đã có…21 câu hỏi được đưa ra trong buổi họp báo. Trước khi vào phần giải đáp, vị Phó Chủ tịch ho hắng vài lần, rồi xin lỗi vì cổ họng "có vấn đề", nói không được rõ.
Biết vậy nên các phóng viên rất tập trung để lắng nghe phần trả lời của ông Phó chủ tịch. Tuy nhiên, tất cả các phóng viên có mặt tại buổi họp báo đã "ngã ngửa" bởi những câu hỏi ấy lại không được giải đáp ngay tại buổi họp báo, mà chỉ tiếp thu và yêu cầu các cơ quan chức năng phải giải đáp toàn bộ sau này. Nhưng giải đáp ở đâu, bao giờ, bằng hình thức nào thì không được nêu rõ.
Cuối buổi họp báo, thay vì phỏng vấn lãnh đạo Hà Nội, phóng viên báo đài tập trung phỏng vấn...đồng nghiệp (Ảnh: ND) |
Ông Nguyễn Quốc Hùng chỉ thay mặt TP "cảm ơn, tiếp thu" tất cả các ý kiến. Thay vì giải đáp câu hỏi, ông tiếp tục “trải lòng” về ý nghĩa và tầm quan trọng của cây xanh.
“Hà Nội đã được hưởng hệ thống cây xanh, công trình kiến trúc từ cha ông để lại. Trong đó hệ thống cây xanh rất quan trọng, nên chúng ta phải chung tay duy trì, phát triển, để thế hệ sau này tiếp tục thừa hưởng. Cây xanh từng đi vào từng tiềm thức, gắn bó kỷ niệm với mỗi người dân thủ đô. Cây xanh là lá phổi của TP, giữ nó là việc cần thiết phải làm”. Hội trường im phăng phắc nghe ông bộc bạch.
Quay lại chuyện chặt hạ cây xanh, Phó Chủ tịch khẳng định, đây là một chủ trương đúng đắn, thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên do việc tổ chức thực hiện thiếu thông tin, thiếu minh bạch và sự "nôn nóng" của một số nhà tài trợ nên chưa mang lại kết quả như mong muốn, mới bị dư luận và người dân phản ứng gay gắt như vậy.
Qủa quyết không hề có tiêu cực hay lợi ích nhóm, ông Hùng cũng nói thêm rằng, chủ trương này được thực hiện từ chính sự đóng góp của người dân. Ông tiết lộ, mỗi cán bộ nhân viên NH Việt Nam Thịnh Vượng đã đóng góp 30 nghìn đồng, hay mỗi chiến sĩ ngành công an cũng tình nguyện góp 15 – 20 nghìn đồng cho việc chặt hạ thay thế cây xanh, với mong muốn xây dựng một thủ đô xanh hơn, sạch hơn, đẹp hơn…
“Tôi xin tiếp thu, nhận thiếu sót của các đơn vị tổ chức thực hiện trong thời gian qua. Chúng tôi sẽ nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm. Sau này tất cả những việc liên quan đến người dân, Hà Nội sẽ cầu thị lắng nghe trước khi thực hiện. Mọi sự thành bại đều do dân…”.
Buổi họp báo kết thúc sau hơn một giờ đồng hồ. Những băn khoăn quanh việc chặt hạ, thay thế cây xanh vẫn còn bỏ ngỏ. Chủ trì buổi họp báo cảm ơn, và lặng lẽ ra về trước sự ngỡ ngàng của hàng trăm phóng viên.
Thông thường, kết thúc buổi họp báo, phóng viên hay tiếp cận chủ tọa để phỏng vấn bên lề. Nhưng lần này thì khác. Thay vì phỏng vẫn người có trách nhiệm, lần này các phóng viên quay ra phỏng vấn…đồng nghiệp.
Có lẽ đây là một buổi họp báo hiếm gặp, thật khó có lần thứ hai. Nhiều người còn cho đây là một sai lầm truyền thông, có người còn gọi là...thụt hố truyền thông. Nhưng dẫu sao người đến dự cũng ít nhiều cảm nhận được một tinh thần "cầu thị, lắng nghe" từ chính quyền Hà Nội. Cái được là như thế!