Hà Nội: Hàng loạt dự án khu đô thị chậm tiến độ đứng trước nguy cơ bị thu hồi
Báo cáo UBND thành phố Hà Nội về kết quả rà soát 573 dự án khu đô thị mới, Sở Xây dựng cho biết có 17 dự án chậm hơn 2 năm, nhiều dự án bị trùng lặp và hàng chục dự án chưa phù hợp với quy hoạch.
Cụ thể, tổng số dự án đã có quyết định giao đất, cho thuê đất nhưng chưa đưa đất vào sử dụng trong 12 tháng liền kể từ ngày bàn giao đất trên thực địa là 30 dự án. Chẳng hạn như dự án Xây dựng khu nhà ở để bán tại xã Mai Lâm (Đông Anh) và dự án xây dựng tổ hợp dịch vụ thương mại, văn phòng cho thuê và nhà ở tại 139 Đại La.
Nhiều dự án chủ đầu tư "ôm đất" nhiều năm không triển khai vì đổ lỗi cho thị trường bất động sản trầm lắng. Ảnh Minh Thư |
Tổng số dự án đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng thực hiện chậm hơn 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư được phê duyệt gồm 17 dự án, trong đó có 3 dự án đã được UBND thành phố gia hạn tiến độ thực hiện dự án trong Giấy chứng nhận đầu tư; 2 dự án bị chậm tiến độ do vướng giải phóng mặt bằng. Đó là dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đô thị Yên Hòa do Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Dân dụng Hà Nội làm chủ đầu tư và dự án khu đô thị mới Hạ Đình do Công ty Cổ phần Xây dựng Lắp máy điện nước Hà Nội làm chủ đầu tư.
12 dự án bị chậm do trong quá trình thi công gặp nhiều khó khăn hoặc do thị trường bất động sản trầm lắng nên chủ đầu tư chưa tích cực triển khai đầu tư xây dựng.
Cũng theo Sở Xây dựng, các dự án chưa phù hợp với quy hoạch gồm: 41 dự án, trong đó 39 dự án chưa phù hợp với quy hoạch chung, quy hoạch phân khu; 1 dự án đã được thu hồi là dự án Khu Trung tâm thương mại và nhà ở Vai Réo; 1 dự án Sở Kế hoạch đầu tư đang tiến hành thủ tục thu hồi là dự án Khu đô thị sinh thái Đại Thịnh do Cty Cổ phần Prime Đại Thịnh làm chủ đầu tư.
Trong số 74 dự án khác có 50 dự án đã được giao đất hoặc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, 15 dự án được cho phép đầu tư hoặc cấp Giấy chứng nhận đầu tư hoặc chấp thuận đầu tư, 2 dự án được phê duyệt quy hoạch chi tiết, 7 dự án được giao chủ đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương.
Trong 74 dự án trên có 12 dự án bị trùng lặp, 59 dự án đang giải quyết hoặc chưa có thông tin rà soát, chưa đủ cơ sở để xác định phân loại dự án, 2 dự án không còn chức năng nhà ở (dự án Tòa nhà Scandinavian do Cty TNHH Kỹ thuật Xây dựng Phương Bắc làm chủ đầu tư và dự án Khu Du lịch - Đô thị sinh thái hồ Quan Sơn do Cty TNHH Đầu tư Xây dựng và Phát triển Hạ tầng ICID làm chủ đầu tư), 1 dự án bị tạm dừng theo chỉ đạo của Chính phủ (dự án Tổ hợp công trình tại số 3 Lương Yên do Cty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam làm chủ đầu tư.
Sở Kế hoạch đầu tư kiến nghị, đối với 10 dự án đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, hoặc đã được giao đất, hoặc đang xây dựng, đề nghị chuyển sang danh mục các dự án đang thực hiện; đối với 3 dự án không có thông tin, đề nghị Sở Xây dựng kiểm tra lại nguồn thông tin cung cấp; đối với 11 dự án chưa được giao chủ đầu tư theo quy định, đề nghị Sở Xây dựng loại khỏi danh sách theo dõi quản lý.
Đối với 65 dự án thuộc địa bàn tỉnh Hà Tây và Vĩnh Phúc trước đây, Sở Kế hoạch đầu tư đề nghị Sở Xây dựng tiếp tục rà soát; đối với 9 dự án triển khai thủ tục chuẩn bị đầu tư chậm tiến độ quá 12 tháng quy định, Sở Xây dựng cần thông báo cho nhà đầu tư thực hiện việc chỉ đạo về thủ tục gia hạn thời gian thực hiện dự án tại Giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án có sử dụng đất trên địa bàn.
Trước tình hình rà soát và thực tế các dự án, Sở Xây dựng yêu cầu các chủ đầu tư lập tiến độ chi tiết các công việc còn lại của dự án, đảm bảo đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, trình UBND thành phố chấp thuận, làm cơ sở theo dõi, giám sát thực hiện đầu tư. Trường hợp dự án chậm tiến độ hoàn toàn do nguyên nhân chủ quan của chủ đầu tư, Sở Xây dựng sẽ kiến nghị UBND thành phố thu hồi dự án theo quy định.